Thánh Thần Tiên Phật
Thánh Thần Tiên Phật đã cùng dung hòa trong quá trình bản địa hóa khi tiếp nhận những luồng tư tưởng từ bên ngoài để làm nên một nền văn hóa đa dạng và bản sắc.
Sáng nay tôi vào facebook của một vị sư thầy người gốc Bắc. Tôi đã xem rất kỹ nhiều cảnh các sư tăng cúng, múa đàn…
Tôi nghĩ đến tiền nhân của mình, các sư tổ thánh tăng xưa.
Xưa, các ngài cũng thế này. Khác chăng, là để gặp được dịp lễ tiết lớn, tận mắt được nghe, được nhìn, được chiêm ngưỡng các tăng sĩ trong trang nghiêm áo mão, lễ nghi cờ đèn phan vị hòa âm giữa nhạc và kinh… là vô cùng khó.
Tôi nói đến cảnh dân quê ta xa xưa. Giữa đời thường áo vải, chân lấm tay bùn, ruộng vườn ao bèo, khi có lễ, mới để tâm trí, niềm tin vào hết lời vái van nguyện cầu, mong thầy Tăng ra oai thần lực cứu khổ độ u, giải nghiệp cho vong hồn, mong âm siêu dương thái!
Đức Không Lộ được tôn xưng Nam Việt Phật Tổ, Nam Thiên Thánh Tổ, Nam Hải Đại Vương và ngài là vị Thần Tiên trong truy tặng của Lý Nhân Tông, “… nhất Thần Tiên” .
Thế giới Thánh Thần Tiên Phật là ở đâu?
Tôi thấy nó ở nơi sinh hoạt đậm chất dân gian Bắc Việt Phật giáo mà các chùa, các thầy đang thực hành hàng ngày. Điều khác biệt khi đánh giá là do ta đem cái gọi là tư duy biện chứng, vật chất và cái văn minh hiện đại để nhận xét. Tuy nhiên, với tâm thức dân tộc đậm nếp nghĩ nhân nghĩa tình tự dân gian, trong tâm khảm hiếu đạo sâu xa… ta thấy đây là một nếp sống, nếp thực hành văn hóa tâm linh đẹp và nhân văn vô cùng.
Tất nhiên ta không cổ súy cho sự bày vẽ vì lợi lạc vật chất sa đà vào lễ bái mưu cầu cho lòng tham dẫn đường.
Thoát tục. Sinh hoạt đó cũng là cảnh thoát tục.
Thoát tục là gì?
Trước hết, đó là một ngày, trong một không gian cụ thể của đàn tràng, trong sự ca xướng hài hòa từ trang phục y mão, phan giò, bài vị đến lời kinh nhạc hợp nhất. Hôm đó, ta rũ hết mọi việc chân tay đồng áng cơ cực, vất vả, gia chủ lắng sâu vào lời kinh, tiếng nhạc lễ, sắc y… rồi như lạc vào một thế giới khác.
Niềm tin được khắc sâu hình bóng Tăng Phật là ở đó. Cái sự trần trụi bao lo toan, mưu sinh hằng ngày như tuyệt nhiên không còn đeo bám… rũ bỏ.
Lễ nghi trong tâm linh tín ngưỡng quả đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống dân tộc tồn tại đến ngày nay.
Thực tại vẫn là thực tại.
Dân tộc ta không ngủ mê để sa đà đến mất nước vì niềm tin vào đạo giáo dù Lão hay Nho Phật. Trong đời sống tín ngưỡng gửi gắm tâm linh sâu sắc đó, con người thấy gắn kết và đùm bọc nhau hơn để vươn lên trên khốn khó nhọc nhằn kiếp sống.
Lịch sử đã chứng thực điều đó.
Nhiều nhà nghiên cứu, quen đi tìm trên văn bản, họ không bám rễ ở đời sống con người để nhìn nhận sự tồn tại của tập tục tín ngưỡng đạo giáo vẫn còn đó, tiếp nối trong nhân gian. Đáng tiếc. Họ chứng minh tam giáo, hùng hồn và nghe học thuật lắm như nhân gian nói: “Nói có sách”. Cái tội, là họ bỏ qua thực tế. Tôi thấy lạ là ở đó.
Trong 1 con người, như Không Lộ chẳng hạn, tiêu biểu và đầu tiên, được tôn xưng, THÁNH THẦN TIÊN PHẬT. Chính trong cách gọi này, nơi chính con người trải qua cuộc đời mình, Không Lộ là 1 minh chứng sống động cho việc tam giáo, đồng hành, hợp nhất.
Đi chứng minh Nho Phật ở một vài trước tác thơ văn, ở những tư tưởng cá nhân, ai bảo đó là số đông, là đời sống quảng đại dân tộc đang hiện hữu, để so sánh khác và đồng?
Trên mỗi ban thờ người Việt thờ gia tiên, trong gia đình, đều có bát hương thờ ghi thế này: “Phụng thỉnh: TAM GIÁO THÁNH HIỀN LỊCH ĐẠI TIÊN SƯ”.
Thánh Thần Tiên Phật đã cùng dung hòa trong quá trình bản địa hóa khi tiếp nhận những luồng tư tưởng từ bên ngoài để làm nên một nền văn hóa đa dạng và bản sắc. Tất cả đã hợp làm một trong dòng chảy của nền tảng văn hóa tâm linh Việt từ ngàn đời cho đến nay. Và vẫn còn hiện diện nơi từng ngôi nhà – trên ban thờ của từng gia đình người Việt.
Đây là điều chưa một ai nghiên cứu về tam giáo ở Việt Nam đề cập tới.
Hài hòa, cảnh diễn xướng ca tụng giữa nhịp điệu nhảy múa, ấn chú tán phách cũng vẫn đó, trong lòng đời sống. Và những điều này vẫn đang diễn ra ở khắp nơi.
Phản hồi