Tháng Ngày Yên Ả!
Khó khăn đạm bạc, có thể dẫn đường cho an lạc hạnh phúc. Thôn quê hẻo lánh, là nhân lành cho yên ả thanh bình. Phải chăng, chất vị cuộc sống là những gì đơn sơ nhứt???
Nhớ không lầm là sau khi cúng rằm Hạ ngươn, huynh Trí Nguyên rũ tôi đi Khánh Hưng, du lịch miền sông nước, ruộng đồng một chuyến.
Khánh Hưng hồi đó vẫn còn hoang sơ, hẻo lánh. Ngôi chùa nằm thu mình bên trong, cách con đường cái phía trước cả 100 mét. Từ chùa nhìn ra, nếu đi bộ bên phải, thì lên Cả Mít, còn quẹo qua trái, tiếp tục ra bến đò, đi Bông Súng, Phong Hoà, chùa Kim Thinh của huynh Thiện Ngữ.
Hồi đó, từ Sa-đéc qua Khánh Hưng chỉ có một phương tiện duy nhứt là ngồi đò máy. Bến đò nằm dưới cầu Rạch Rắn. Chắc nơi đây ngày xưa nhiều rắn, nên dân địa phương kêu là Rạch Rắn. Hoặc có rắn thần nổi lên hỏng chừng. Những địa danh như vậy, thật khó chính xác.
Cở như sư phụ Sơn Nam, lặn lội đó đây, hỏi thăm các vị bô lão, hoạ may mới tìm ra câu trả lời. Nhưng lúc đó, hai bên bờ, dân chúng ở khá đông, con nít, người lớn tắm lội dưới sông bình thường, đâu nghe ai bị rắn cắn. Dù có rắn đi nữa, thì chỉ có mấy con rắn bông súng hiền khô. Nếu có cắn chỉ trầy sơ sơ thôi, chứ đâu có hộc máu, trào đờm như loài rắn hổ.
Dọc hai bên cầu Rạch Rắn, còn có làng xây gạo làm bột, làng làm nhang, bán đi khắp nơi, thậm chí vươn mình xuất khẩu qua Nam vang mới ghê chớ! Dân hai bên bờ ăn nên làm ra, thành thử nhà cửa nhìn thấy khang trang, tươm tất.
Từ đây qua Khánh Hưng mất khoảng bốn năm tiếng đồng hồ, nếu không bị hư máy, hết dầu dọc đường, hay những lúc nước ròng, cạn quá tàu chạy không được. Những khi bị trục trặc, có thể chạn vạng, đỏ đèn mới tới. Thời kỳ khó khăn, không có điện thoại cầm tay như bây giờ, đâu nhắn tin gì được. Thành thử cả nhà, cả xóm thấp thỏm, ra trông ngóng ngoài bến tàu. Vì sợ hà bá hay bà thuỷ rướt xuống ra mắt diêm vương thì buồn thúi ruột. Bà con trông chờ nhốn nháo cả khu bến tàu, những người ngu ngơ như tôi, không biết, tưởng đâu quan lớn nào tới, hay ông bà nào ngoài Sa-đéc vô tham quan.
Nhịp sống nơi đây yên ả bình lặng, không tranh giành hơn thua với đời nhiều. Từ nhà chùa đến nhà dân, thường thức dậy sớm hơn gà gáy.
Nhà chùa thức sớm để tĩnh toạ tham thiền, công phu bái sám, cầu nguyện cho quốc thới dân an. Còn nhà dân thức sớm để chuẩn bị cơm nước, thả trâu ra đồng, hoặc tự mình ra đồng làm việc cho khoẻ. Vì lúc đó mặt trời còn ngủ, chưa có ánh nắng chiếu soi, xâm nhập vào cơ thể.
Dân quê đã đen, nên sợ đen, nhứt là sợ nắng ăn. Những cô cậu trẻ tuổi, chưa lập gia đình hay sắp lên xe hoa, đi ra đồng là trùm khăn, bít đầu, bít mặt hết, chỉ lú hai con mắt thôi. Sau này sống ở nước ngoài, thấy hình ảnh mấy cô gái Hồi giáo trùm khăn kín mít, có khi xực nhớ đến những hình ảnh thôn quê, tự nhiên trong đầu phát sinh câu hỏi: “phải chăng, những người này là con cháu hồi giáo, hay kiếp trước ở bên đó?”
Nhưng tuyệt đối không phải! Họ đa phần là con cháu Đức Huỳnh giáo chủ, vị sáng lập Phật giáo Hoà Hảo, một tôn giáo mới hình thành chưa tới 100 năm. Đa phần mượn giáo lý nhân thừa của đạo Phật, rồi diễn đạt bằng thơ văn, nhứt là thể thơ Lục bát, hoặc song thất lục bát. Dễ thuộc lòng, dễ nhớ dai, thích hợp cho người miền quê Nam bộ.
Dân làng nơi đây lam lũ, chí thú làm ăn, làm việc không biết mệt mỏi. Quanh năm suốt tháng, ít đi đâu ra khỏi con rạch bờ đê. Đời sống giản dị, tinh thần chất phát thuần lương. Họ không ăn mặc se sua sặc sỡ. Đa phần dùng hàng nội địa, mang tính tự cung tự cấp. Ngoài con trâu cái cày, cây cuốc thường ngày, chiếc nón lá là phương tiện tối quan trọng để làm ngoài đồng ruộng.
Thỉnh thoảng thấy quý cụ cao niên, đầu tóc bạc phơ, ở trần, mặc quần cụt, đầu đội trời, chân đạp đất, thảnh thơi vác cuốc ra đồng. Chắc là nhà nghèo, nhường hết áo quần, nón nải cho con cháu, hay tuy lớn tuổi mà sức khoẻ vẫn còn gân, không thích mặc quần áo, chỉ ở trần để cho da thịt tiếp xúc trực tiếp với không khí trong ngần, hoặc không mặc đồ chỉ vì lý do đỡ hao tốn? Bản thân chưa gìa làm sao biết được, hoặc đến khi tuổi già chưa chắc làm được vậy!
Xứ nghèo, cha mẹ lại ham sinh con. Nhà nào nhà nấy đông con thấy sợ! Nhưng không nghe, không thấy ai than vãn với ai. Một là vì ai ai cũng đông con; hai là quan niệm, con cái do trời sinh, trời nuôi, ổng cho bao nhiêu, nuôi bấy nhiêu, đâu dám cải.
Chưa thấy ông trời cực khổ, chỉ thấy những bậc làm cha, làm mẹ như thế, suốt đời lam lũ, gắn bó với hai chữ ‘nghèo nàn’. Cha mẹ nghèo đã đành, lại còn nhường phần cho con cháu tiếp tục nghèo.
Không đâu xa, nội trong xóm chùa Khánh Hưng thôi, nhìn thấy mặt mũi lem luốt, ruồi bu đầy mình, ở trần trùng trục, thiếu ăn thiếu mặc của mấy trẻ, tôi thấy mũi lòng vô cùng! Nhưng nghỉ cũng ngộ, thiếu ăn thiếu mặc như thế, mà đứa nào cũng mập cùi cụi, không bệnh hoạn gì hết. Còn như tôi, mang tiếng là dân ở chợ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vật chất không thiếu chi, nhưng bệnh hoạn liên miên hoài.
Dân ở chợ còn có đồ để vui chơi giải trí, có cầu tuột dưới dốc Cầu Sắt, đối diện Toà Hành Chánh để nô đùa. Lúc nhỏ xíu, tôi được gia đình đưa qua đây vui chơi sướng thích vô cùng. Còn nhìn mấy người nhỏ tuổi như mình, ở xung quanh Khánh Hưng, hằng ngày vui chơi, chạy nhảy, lăn vùi ngoài đồng, dưới xình bùn đen thui, lặn hụp dưới mương bắt cua, bắt cá, hay chạy nhảy trên những con đê dọc hai bên bờ ruộng, lòng tôi xót xa vô cùng!
Dân ở đây, nghề chính là gì tôi chẳng nhớ, nhưng trồng trọt, chăn nuôi là số một. Vì vậy, mấy huynh trong Chùa rất giỏi làm rẫy, trồng cam quýt, dừa chuối, dưa hấu hay đậu xanh, đậu nành. Nếu trúng mùa dư dã, hoan hỷ cúng dường cho những vị Phật sống, đồng thời mang ra chợ chồm hổm, đổi lấy sản vật, thổ vật cần thiết khác.
Mỗi ngày, phía dưới cầu kinh, có nhóm chợ. Khuya đốt đèn dầu, kẻ mua người bán tập trung trao đổi. Tới khoảng tám chín giờ sáng là tản hàng, ai về nhà nấy. Không bốc hốt, giành giựt, từ từ mua, từ từ bán. Như vậy là an lạc, sung túc lắm rồi.
Khánh Hưng ngày xưa ăn uống cực khổ, đạm bạc. Nhưng đời sống yên ả, tình người lúc đó đẹp lắm. Huynh đệ lớn nhỏ trong chùa đều hoà hợp đề huề, kính trên nhường dưới.
Thầy trụ trì Thiện Long bắt chước mô hình Kim Huê, phân công phân nhiệm rõ ràng, ai làm việc nấy, không ai dẫm đạp lên chưng cẳng của ai.
Nhớ buổi chiều đầu tiên, ăn cơm với nước tương chấm rau muống luột, mà ngon đáo để! Chắc có lẽ vì ngồi tàu mấy tiếng đồng hồ, hay vì chùa lạ, cảnh lạ, thức ăn cũng lạ, nên ăn dữ quá!
Ngồi ăn cơm phía dưới, gần phòng thuốc Nam của chùa, tự nhiên thấy nhớ Kim Huê quá chừng. Một nồi cơm thật to để bên hướng nhà bếp không xa, ai ăn nấy bới. Tuy làng quê, nhưng có hơi hám tự do, thành thử tự đo đo lường bao tử của mình. Không ai bới cho ai như những chùa khác.
Buổi chiều Thầy Trụ Trì không ăn, vì tu gắt, muốn thành Phật mau, còn lại bao nhiêu huynh đệ đều ăn xả láng. Ngoài ra còn có mấy người đến làm công quả, cộng lại cũng được ba cái bàn tròn.
Thời buổi kinh tế khó khăn, chùa nuôi ăn kiểu đó cũng mạt luôn chứ đừng nói sập. Sức ăn của thanh niên mà, người ngồi chen chúc, đũa gắp không ngừng, tiếng nhai cơm nghe giòn xào xạo, bụng đã no rồi, vẫn muốn ăn thêm chén nữa. Còn nước giải khát, nước nấu ăn, tắm giặt gì cũng từ dưới sông múc lên. Vừa tiện lợi, đỡ mất thời gian, đỡ tốn tiền nước phông-tên của chính phủ.
Có lẽ Khánh Hưng là ngôi chùa giàu nhứt xóm này! Mặc dù đơn sơ, cũ kỷ, tường vách lúc đó đã ngả màu, đá nức nẻ, ngói đóng rêu xanh. Nhưng xung quanh chùa khoảng năm trăm mét, chưa có nhà ai lớn và giàu như vậy. Nhà giàu có dữ lắm chỉ lót gạch tàu và lợp vài miếng toanh. Còn bao nhiêu vẫn cố hữu muôn đời nhà tranh, vách đất lụp sụp, cột tre lệu xiệu dễ bị mọt ăn, hay giông gió mời gọi.
Vì là khu đất thánh nhứt nhì của đạo Hoà hảo, nên nhà nào cũng có bàn thông thiên phía trước, thờ trần điều nghiêm túc. Mỗi ngày ra vái lạy, cúng nước và bông trang thường xuyên. Mỗi tháng phải ăn chay ít nhứt là hai lần. Lấy câu A Di Đà Phật làm căn bản cho việc tu hành. Ai theo đạo, thực hành như thế!
Ngày xưa, quý tổ sư khai sáng nơi đây đã đại khai phương tiện, giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hoá của người bản xứ. Khi dựng xây Khánh Hưng, trước chánh điện cũng có bàn thông thiên, đốt nhang cúng bông, cúng nước mỗi ngày. Tôi đã có duyên phước, cúng nước, thay bông trang nơi này!
Hai bên bàn thông thiên là khu hoa kiếng. Hồi đó trồng mai tứ quý và huệ trắng, đẹp vô cùng. Năm đó được sư phụ cho phép ở ăn Tết bên Khánh Hưng, mới cảm nhận cảnh vật nơi đây rất đẹp. Nhà chùa ăn Tết cực hơn nhà ngoài. Cái gì cũng phải trang hoàng, sữa soạn. Quét vôi hết ngôi chùa, ra tới khu tháp phía sau. Rồi phải vô phân, tưới nước cây cảnh cho kịp đâm hoa nở nhuỵ. Nội việc xách nước tưới cây, đến nổi ghẻ lát tèm lem mà không hay biết!
Không khí Tết trong vườn khác xa ngoài thành thị. Khoảng gần Tết, từ sáng sớm đến tối khuya, hầu như nhà nào cũng vang tiếng giả gạo, giả nếp bành bạch. Một ngôi nhà nơi đây, dầu gì dầu cũng phải có sân rộng cho con cháu vui chơi, và để phơi bánh phồng, làm bánh trán, nấu bánh tét, bánh ít nữa dịp Tết nữa.
Khánh Hưng hồi đó đất ruộng cò bay thẳng cánh, thành thử quý huynh đệ ở đây cũng mỏi cánh theo cò. Ngoại trừ thầy trụ trì, còn lại ai ai cũng phải ra ruộng từ sáng đến chiều.
Huynh Trí Nguyên, Trí Thông, Trí Đức giỏi thiệt, làm ruộng không đủ, tranh thủ làm vườn. Làm ruộng rẫy gì cũng phải chăm sóc, vô phân tưới nước. Làm rẫy phải theo mùa, làm ruộng thì theo vụ. Quý huynh này làm để bán chứ ăn uống gì. Trong chùa trên dưới chưa tới 10 người, cộng thêm vài chục vị làm công quả thường trực.
Xung quanh chùa sạch đẹp, nhưng đi ra xa khoảng 30 thước thì cỏ cây tươi tốt mọc khỏi đầu người.
Cũng ngộ, cỏ cây hoang dại, không có lợi ích kinh tế, không có bàn tay chăm sóc của con người mà xanh tốt vô cùng. Còn đậu nành, đậu xanh hay rau cải của huynh Trí Nguyên, Trí Thông ngày đêm săn sóc kỷ lưỡng, thì cằn cỗi chẳng tốt chút nào. Luôn bị thất mùa và lỗ lã. Chắc Thầy tu, nên ông trời không cho làm giàu.
Làm ruộng rẫy tuy cực thiệt, nhưng sống thảnh thơi, trầm lặng. Ít đụng chạm, chỉ vui buồn với cây cối. Đầu óc toàn tính toán nước khô nước cạn, vô phân loại gì, canh nước lúc nào, hoặc bắt sâu xịt rầy. Ngoài những việc đó ra, có dư thời giờ nhàn rỗi, tự xem kinh, học luật. Trong chùa có thêm thời gian để chuẩn bị lễ lạc, hoặc tham gia đứng ra tổ chức hội hè hoành tráng, linh đình.
Ngoài 3 cái rằm lớn và mấy ngày kỵ giổ quan trọng trong chùa, Khánh Hưng còn có cúng Miểu Bà.
Nếu lấy ngôi chánh điện làm trung tâm, thì Miểu Bà toạ lạc song song với chánh điện, hình như là phía bên phải. Tôi nhớ không lầm, lúc đánh trống tán công phu, nhìn ra cửa sổ là chổ ở thiêng liêng của Bà.
Dân làng này và dân trong chùa, tuy thờ Phật, thờ đức Thầy, nhưng tin tưởng Bà dữ lắm. Họ cúng Bà linh đình hơn cúng Phật. Năm đó, tôi có dịp chứng kiến mấy ngày cúng Bà.
Thầy Trụ trì ở đây thoải mái, cởi mở. Ai cúng mặn gì cũng được. Mà cũng đúng, bởi cúng cho Bà chứ đâu phải cúng cho quý Thầy-cô trong chùa đâu mà lo sợ, lên tiếng.
Một năm cúng một lần, một lần cúng tới mấy con heo quây. Còn gà vịt, sôi chè bánh trái thì ôi thôi, nhiều la liệt, nhiều không thể nhớ hết mà kể.
Một năm Bà chỉ ăn có một lần, nên con cháu cúng bao nhiêu, Bà hưởng hết bấy nhiêu. Mấy con heo quay ăn nhằm gì! Có người ganh tỵ với Bà, nói cúng như vậy là phí phạm, hao tốn. Nhưng với tôi, chẳng hao tốn, phí phạm gì cả, mà hỏng chừng còn thiếu trầm trọng nữa!
Thử hỏi, một năm 12 tháng, mà cho ăn có một lần, phải ăn bù chứ. Ăn một lần no một năm, đến năm sau mới được ăn nữa. Vì vậy, con cháu của Bà rất lo xa, thành tâm thành ý, có bao nhiêu cúng hết.
Ngày cúng Bà ở quê thật nhộn nhịp tưng bừng. Có những đoàn múa lân trên xã xuống, đoàn hát bộ ngoài chợ vô, tối ngày ứ a, ứ à nghe cũng rậm đám. Hạnh phúc thật đơn sơ, chỉ có người miền quê mới biết!
Khánh Hưng ngày xưa sống tự túc, không nương dựa vào Phật tử nào. Phần Thầy trụ trì tối ngày lo kinh kệ, chuyên tu để thành Phật. Huynh Trí Đức đi hướng nhân thiên, thích làm phước, mở phòng thuốc Nam, giúp dân nghèo, khám điều trị bệnh miễn phí. Huynh Trí Thông, Trí Nguyên thì muốn làm giàu bằng nghề nông, nghiệp rẫy.
Có điều trớ trêu, đến giờ không ai ngờ, huynh Trí Đức cả đời làm phước, giúp người trị bệnh lại mắc bệnh nan y. Sau này lên Sài gòn, huynh Trí Đức cũng tiếp tục đeo theo nghề thuốc, học ra bằng bác sĩ y học dân tộc. Cứu người vô số, nhưng không có khả năng cứu mình sống. Thế mới biết, đâu phải làm bác sĩ, cho người ta uống thuốc là sống dai! Sống chết đều có số mạng!
Nơi bộ phận nhà trù, có sư cô Nghiêm trực chiến. Thân phận nữ nhi, tối ngày lụi cụi dưới bếp, lo ăn uống, cơm nước cho toàn chùa. Nhờ sư cô giỏi giang và đám đệ tử cháu chắc siêng năng, chẳng ngại ngày đêm sản xuất tàu hủ, đỡ phần chi phí chợ búa. Mới ban đầu, dự định làm để trong chùa ăn cho đỡ tốn tiền chợ. Nhưng sau một thời gian, sản phẩm tàu hủ lan khắp cả đầu trên, xóm dưới, người này kẻ nọ đề nghị đem ra thị trường trao đổi. Nói thị trường cho vui, chứ làm sẳn, rồi mấy người xung quanh xóm chùa mỗi ngày đến mua vài miếng, nhiều gia đình nhập lại, cũng kiếm được chút cháo.
Hỏng biết thời xưa ra sao, nhưng thời tôi đến ở đây, ban đêm phải đốt đèn dầu, sợ ma thấy mẹ! Thành thử, mỗi tối thọ trì, đâu thấy Phật tử nào tới tụng. Nội huynh đệ lớn nhỏ trong chùa còn lên không đủ, nhứt là tụi tui, sẫm tối là tập trung vô phòng rồi. Có đi đâu cũng phải đi hai người, thậm chí đi vệ sinh cũng phải rũ nhau đi cho có bạn.
Hồi đó đâu biết luật lệ gì, đâu biết luật quy định đi đâu phải có đệ nhị nhân kế bên mình. Nhưng vì sợ ma, không dám đi một mình đó thôi. Trong chùa thấy có gắn đèn ni-ong đàng hoàng, nhưng chẳng thấy sáng.
Chốn già lam, nơi thôn dả mà, văn minh làng xã là vậy đó. Những thành tựu khoa học kỷ thuật phương Tây chưa đủ sức lan toả, cấm dùi nơi đây. Suốt đời người trong chùa chỉ quanh quẩn với đồng ruộng, với rẫy nương, sông nước, với phòng thuốc nam, với tình làng nghĩa xóm.
Phía trước chánh điện có cây trôm thật lớn, cao to, cung ứng mũ trôm không những cho cả chùa mà còn cho cả làng nữa. Ai lại đây lấy cũng được. Nhà chùa nhờ thấm tinh thần đạo Phật, không chiếm làm sở hữu riêng, mặc dù cây trôm nằm trong đất chùa. Ai cũng có quyền hưởng hương vị của mũ trôm, ăn thua nhanh chân lẹ tay.
Song song với cây trôm là cây da to tướng. Phía dưới có bàn thờ thổ thần cũng khá rộng. Tôi thích nhứt là ra đây nằm dưới gốc cây, hoặc nằm trong miếu ông thổ thần.
Người đời thì sợ lắm, không dám đi ngang, hà huống đụng tới. Chỉ có tôi và huynh Trí Nguyên thường ra đây nằm hàn huyên tâm sự. Có khi ngồi dựa lưng dưới bóng cây râm mát, lòng sản khoái vô cùng. Thỉnh thoảng thấy mấy vị chăn trâu ở đâu, vô đây trao đổi cờ tướng thấp cao. Chưa chắc những người có nhiều tiền của, chức vị bổng lộc cao, hưởng được những phút giây đẹp tuyệt vời này.
Hơn 30 năm rồi, tôi chưa một lần thăm lại Khánh Hưng. Nghe nói bây giờ sữa sang lại đẹp lắm! Cả Dứa không còn là cô thôn nữ nghèo nữa, mà vươn mình, chạy theo nếp sống thị thành, tranh hơn tranh thua với cuộc đời. Mấy năm trước, một số thiếu nữ vùng này, dám hy sinh tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy đồng tiền mang về giúp đỡ gia đình, báo hiếu Mẹ-Cha. Thật đáng thương, đáng kính, khâm phục vô cùng!
Dù gì, tôi vẫn mang ơn Khánh Hưng, đã cho tôi những hình ảnh diệu kỳ của hoang sơ tịch vắng. Mái chùa thiếu ánh đèn, nhưng tình người vẫn toả sáng thiên thu. Nơi đó một thời thiếu phương tiện hiện đại, nhưng mạch sống vẫn mãnh liệt tuông trào. Những ngôi nhà ọp ẹp vách đất, mái tranh lại hơn những khu biệt thự sang trọng, những cao ốc ngút trời nơi xứ lạ quê người.
Khó khăn đạm bạc, có thể dẫn đường cho an lạc hạnh phúc. Thôn quê hẻo lánh, là nhân lành cho yên ả thanh bình. Phải chăng, chất vị cuộc sống là những gì đơn sơ nhứt???
T.K.Thiện Hữu
Phản hồi