Tháng 7 âm lịch có phải là tháng cô hồn, tháng xui?

Trong tâm thức dân gian từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây đều tồn tại những niềm tin mơ hồ những điều kiêng kỵ cho những khoảng thời gian hay không gian nào đó.

Bài viết này đề cập đến niềm tin trong người Việt về tháng 7 là tháng “cô hồn”, tháng của những gì xui xẻo.

Nhiều người tin như vậy vì họ cho rằng đây là thời điểm vong linh, ma quỷ đi lại rất nhiều nên khó tránh khỏi việc hại người dương thế hay ám vào ai đó gây ra những rủi ro, bất trắc. Có nhiều điều kiêng kỵ của dân gian trong tháng 7 âm lịch mà bạn đọc có thể nhìn nhận thêm dưới góc nhìn của tâm linh hiện đại.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Kiêng đi chơi đêm 

Trong nửa đầu tháng 7 âm lịch nhiều người được nhắc nhở về việc không nên đi chơi đêm vì đó là thời điểm địa phủ mở cửa cho các vong linh, ma quỷ, cô hồn trở lại dân gian nên đi đêm rất dễ gặp ma quỷ quậy phá?

Bạn có thể hiểu là: việc mà địa phủ mở cửa cho vong linh lên cõi trần trong khoảng thời gian nào đó không quan trọng là có thật hay không mà câu chuyện này nên hướng tới đạo lý khác. Đó là đạo lý về sự ân xá, về việc nếu ai đó biết quay đầu sẽ luôn có con đường để sửa đổi làm lại. Địa ngục tượng trưng cho nơi trừng phạt những điều xấu xa, tội lỗi của con người nhưng vẫn có đạo lý nhân văn ở chỗ, nếu con người biết quay đầu là bờ, biết quay về nẻo thiện thì sẽ có lúc được thoát khỏi gông cùm, xiềng xích, địa ngục do chính mình vô minh tạo ra. Bạn hãy nghĩ đến một đạo lý của người trần gian. Nếu có tù nhân được đặc xá ra khỏi tù sớm sau khi họ biết cải thiện, hoàn lương tốt hay có người đã biết sai biết nhận lỗi sửa sai thì cần ứng xử như thế nào? Cách ứng xử có đạo lý nhân văn là tha thứ cho họ, chấp nhận họ, giúp đỡ họ khi có thể vì ai cũng gặp sai lầm. Khi làm người không ai tránh khỏi sai lầm và cũng không ai dám chắc là liệu lúc nào mình có rơi vào cảnh ngộ như vậy hay không. Vậy thì cô hồn cũng là những linh hồn đau khổ nên đừng ghét, đừng sợ hãi, xa lánh họ. Nếu hữu duyên bạn gặp họ lúc nào đó, nếu bạn có năng lực tâm linh nhìn thấy được hay có thể nghe được điều họ nói thì bạn có thể giúp đỡ họ trong khả năng có thể. Dĩ nhiên cũng có trường hợp vong linh trêu ghẹo, quấy nhiễu và cũng có thể làm dữ nhưng trước hết bạn cứ đem tâm thiện ra ứng xử. Ngay như nếu bạn bất ngờ sợ quá thì cứ liên tục niệm “Nam mô A Di Đà Phật” vừa có tác dụng trấn an bảo vệ bạn, vừa giúp họ. Nếu chưa biết làm gì thì bạn cứ câu cửa miệng đó mà ứng xử hay niệm danh hiệu bất cứ đấng linh thiêng nào bạn tin tưởng.

Riêng ngày rằm tháng 7 âm lịch nhiều người kiêng kị hơn vì cho rằng đó là ngày địa ngục đóng cửa và vong linh phải quay về lại thì cách ứng xử hay nhất là: bạn ở nhà hay ở chùa, nơi nào bạn thấy thanh tịnh phù hợp với bạn và dành thời gian cầu nguyện cho tất cả. Bạn có thể cầu nguyện cho gia tiên với kinh Địa Tạng và bạn cũng có thể đọc kinh, chú nào mà bạn cảm thấy kết nối, rồi hồi hướng cho các chúng sinh. Đây không phải là việc của người theo đạo mà ngay cả khi không có đạo thì bạn cũng cần làm như thế để giúp đỡ cho gia tiên và những vong linh có duyên với bạn, quanh khu vực bạn đang sống. Các kinh thường đọc dịp này là kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà, các bản chú thường đọc là chú Đại Bi… Đó là những bản kinh chú quen thuộc, gần gũi nhất và ở tại gia nên bạn cứ đọc thành tiếng như đọc sách.

Bạn đọc kinh chú nhà Phật trước hết bạn nghe để tâm thức bạn nảy nở những hạt giống thiện lành, tăng trưởng bồ đề tâm, tiêu trừ hạt giống bất thiện và đồng thời trong vô hình các vong linh cũng nghe được là bạn đã giúp họ rất nhiều. Hành động nhỏ mà lợi lạc lớn, không tốn tiền của thì tại sao lại không làm?

Kiêng ăn đồ cúng cô hồn 

Nhiều người có lòng thành thường có mâm cúng “cô hồn”. Nếu bạn làm điều này thì tốt hơn vẫn là chay tịnh vì đồ mặn sẽ không tốt và cũng khởi sinh sự tham luyến của vong linh. Bạn có thể cúng hoa quả, nước trong, bánh kẹo, xôi chè, cơm canh… gần giống như cúng thí thực. Khi bạn cúng, các vong linh ăn bằng xúc thực, bằng cảm giác, mùi vị chứ thực ra mâm cỗ và các thứ vẫn còn nguyên, không sứt mẻ, thiếu hụt một chút nào. Việc cúng này chủ yếu là giúp họ bớt cảm giác đau khổ khi vẫn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ. Thế nên sau khi bạn hoàn tất nghi lễ cúng (người đời thường hay đo bằng việc tàn một nén nhang) thì bạn có thể sử dụng bình thường không nhất thiết phải đổ ra đất cát gây lãng phí và mất vệ sinh. Dĩ nhiên trong quá trình đang cúng để thể hiện lòng thành, sự tôn trọng thì bạn ngăn không cho trẻ con vô ý phá ngang mâm cúng cũng là điều hợp lẽ tự nhiên.

Kiêng nhặt tiền rơi

Đây cũng là điều kiêng kỵ mà nhiều người thường nhắc nhở nhau vì cho rằng những đồng tiền rơi vãi đâu đó là do người ta cố ý xả xui hay là bố thí tiền cúng cho các vong, nếu nhặt tiền đó sẽ gánh xui xẻo, tai họa. Không riêng chuyện tiền rơi mà tiền hay vật ở đâu cũng vậy. Không phải của bạn, không được phép của chủ sở hữu thì bạn không tự ý sử dụng. Nếu bạn nhặt được số tiền khá nhỏ thì bạn cứ đem bỏ vào thùng công đức của chùa bất kỳ là bạn an tâm. Vì đã là công đức nghĩa là sử dụng cho việc chung không phải cho việc riêng nên bạn không có khởi tâm tham, chiếm hữu gì ở đây cả. Nếu là số tiền vừa và lớn thì bạn cần tìm mọi cách thông báo trả lại chủ nhân và thậm chí là báo công an nhờ trợ giúp.

Nói chung bạn đừng mê tín nặng nề mà gán tội xấu cho đồng tiền. Đồng tiền sử dụng cho mục đích gì sẽ mang năng lượng đó. Bạn không làm gì xấu thì tiền rơi vãi không có gì xấu cả. Ngay cả khi ai đó ném bỏ tiền đó đi như một sự xả xui nhưng bạn nhặt được trân trọng và không sử dụng cho cá nhân thì yên tâm là không có gì xui xẻo cả. Điều xấu nếu có chỉ là do bạn khởi tâm tham sử dụng tiền không phải của mình, không được sự cho phép của chính chủ thôi.

Kiêng ký kết hợp đồng hay chi tiêu khoản tiền lớn

Rất nhiều công ty thậm chí còn thông báo cho nhân viên ngừng việc ký kết các hợp đồng trong thời gian này và nhiều người cũng ngừng các giao dịch mua bán hay đầu tư chi tiêu số tiền lớn vì nỗi sợ hãi mơ hồ về tháng 7 “cô hồn” là xui xẻo. Các chuyên gia về khoa học xã hội đều khẳng định chưa có thống kê nào cho thấy tháng 7 âm lịch thì rủi ro hay thất bại xảy ra nhiều hơn tháng khác. Chuyện tháng “cô hồn” xui xẻo là đến từ tâm thức bạn bị cài đặt niềm tin tiêu cực như thế. Nếu nói về mặt khoa học thì có ảnh hưởng một phần, tức là niềm tin của bạn thế nào, tiêu cực hay tiêu cực thì sẽ chiêu cảm những điều tương ứng. Bạn đang ở tầng sóng năng lượng nào thì bạn cảm nhận con người, sự việc, tình huống ở tần sóng tương ứng.

Thế nên điều quan trọng là bạn quay về điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức của mình và hành động như thể ngày nào, tháng nào cũng là tháng tốt đẹp, may mắn, việc gì cần làm thì bạn cứ làm. Và bạn cũng tránh đổ lỗi khi điều bất như ý xảy ra, bởi vì thuận duyên, nghịch duyên, như ý, bất như ý đều luôn luôn diễn ra nên bạn cần chấp nhận quy luật cuộc sống và không kiêng kị ngày tháng xui xẻo gì cả.

Tháng 7 âm lịch thay vì để niềm tin tiêu cực ám ảnh thì bạn hãy hướng tâm thức và sự chú ý của bạn vào những việc đẹp đẽ hơn. Đây cũng là tháng có sự kiện Vu Lan báo hiếu, bạn hãy làm những gì có thể để thể hiện sự báo hiếu với bố mẹ, ông bà dù còn sống hay đã mất. Có những niềm tin tiêu cực khiến bạn có tâm lý yếu đuối, sợ hãi, trì hoãn thì sẽ ảnh hưởng đến công việc và kết quả của bạn. Thế nên, bạn cần xây dựng những niềm tin tích cực cho bản thân, tập trung vào những gì thiện lành, tích cực, tốt đẹp và tin rằng vận mệnh nằm trong tay bạn.

Theo quan điểm của nhà Phật thì không có niềm tin nào là xấu, là đen đủi mà con người phải kiêng kỵ tránh né hay sợ hãi cả. Nếu có sợ thì có câu nói bạn cần tham khảo là: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bạn sợ có quả xấu thì ngay từ đầu đừng gieo nhân xấu. Và bạn hãy học hạnh của các vị Phật, Bồ tát là không phải đi giải quyết phần ngọn mà giải quyết ở phần gốc, tập trung gieo nhân thiện, nhân tốt thì cuộc sống của bạn sẽ bình an hơn, tốt đẹp hơn.

Diệu Tâm

Bài viết liên quan

Phản hồi