Thân thể bệnh hoạn đau nhức hành hạ khổ
Thân bệnh là sự khổ đau trong cơn đau bệnh. Có thân là có bệnh, từ những loại bệnh nhẹ thuộc ngoại cảm đến các chứng bệnh nặng thuộc nội thương.
Trong cuộc thế có rất nhiều người vướng phải những bệnh nan y như ung thư, lao, cùi, tiểu đường, tai biến… Vướng vào những bệnh nan y tự thân cảm thấy đau đớn lại tốn kém, hoặc không có tiền chạy chữa lại càng khổ hơn. Sự khổ lụy không chỉ riêng mình mà còn khiến cho gia đình, người thân bị ảnh hưởng theo. Bệnh khổ có 2 loại:
Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải, gánh chịu. Những chứng bệnh này đều do tứ đại không điều hòa mà phát sanh như địa đại không điều hòa thì thân thể nặng nề, phong đại không điều hòa thì thân thể bị tê cứng, thủy đại không điều hòa thì thân thể bị phù thũng, hỏa đại không điều hòa thì thân thể bị nóng bức.
Tâm bệnh: Trong lòng luôn ôm ấp những tâm lý khổ não, buồn thảm, bi ai, lo lắng, bất an, sợ hãi, cô đơn trong tuyệt vọng…
Rồi một lần khác thái tử thấy một người bệnh đang rên đau, ngài nghĩ hóa ra con người ta cũng có khi phải bệnh đau như vậy, cùng là thân người như nhau nhưng người kia đang bị bệnh thì có lúc ngài cũng sẽ bị bệnh như mọi người, đã bệnh thì phải đớn đau, khổ sở trăm bề không có gì là vui hết. Từ đó, thái tử thấy được sự tạm bợ của thân người và sự sống này không có gì bền chắc, ý chí xuất trần trong ngài càng được nung nấu mạnh mẽ hơn.
Chúng ta thấy được như vậy thì không còn nhầm tưởng thấy mình khỏe mạnh mãi để sanh tâm ngã mạn, xem thường người khác. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu người bệnh và tìm cách để vượt lên, không bị bệnh hoạn khổ đau chi phối.
Từ đó, chúng ta sẽ có tâm đồng cảm, thông cảm, thương yêu bệnh nhân, tôn trọng mọi người, không thờ ơ hay xem thường một ai. Chúng ta thấy người khác bệnh thì liền biết rồi mình cũng sẽ bệnh như mọi người. Người đó bệnh đau, lo sợ, hoang mang thì đến lúc chúng ta bệnh, ta cũng sẽ có những nỗi đau và tâm trạng giống như họ.
Thấy người khác bệnh, ta biết mình rồi cũng sẽ bệnh, từ đó thấy rõ thân này mong manh, giả tạm, không chắc thật nên ta không bám víu, dính mắc. Khi chúng ta không bám víu thân này, cảnh sống này thì các mê lầm, khổ não sẽ không còn. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu, tôn trọng người bệnh nên thiện căn được tăng trưởng và giảm sự chấp ngã về thân này.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Phản hồi