Thái độ ứng xử vượt ra ngoài mối quan hệ
Thưa Thầy, trong gia đình thường đã có khuôn mẫu, nề nếp sẵn nên rất khó thay đổi được mối quan hệ để có được sự tương giao. Trong quan hệ xã hội, bạn bè dễ tương giao hơn. Vậy làm sao để trong gia đình cũng có được sự tương giao?
Trả lời: Ngày nay con người đặt nặng mối quan hệ nhiều quá, mối quan hệ này chồng lên mối quan hệ khác, nhiều khi các mối quan hệ gây trở ngại vô cùng. Nếu mối quan hệ trong gia đình quá chặt chẽ thì mỗi thành viên trong gia đình sẽ không còn tự do để quyết định đời sống vật chất, tinh thần của mình.
Thầy khuyên thế này: nếu hoàn cảnh đã như vậy thì cũng không cần phải quá bận tâm đến chuyện làm thế nào để thay đổi, làm thế nào để đưa mối quan hệ về lại sự tương giao. Cái mình cần làm chỉ là thay đổi thái độ trong lòng mình.
Bây giờ đang ở trong sự ràng buộc mà mình thấy ra được, hiểu được sự tốt-xấu-lợi-hại của các mối quan hệ, khi ấy tâm mình không còn có vấn đề với mối quan hệ đó, nghĩa là mình không còn bị ảnh hưởng hay còn muốn can thiệp vào mối vào quan hệ đó nữa.
Ví dụ như người con hiểu Đạo, mà cha mẹ anh em khác chưa hiểu thì người con ấy cứ sống bình lặng, qua những hoàn cảnh đang xảy ra trong gia đình mà quan sát học hỏi. Chính những hoàn cảnh ấy cũng là bài học để mình thấy ra được sự tương giao và mối quan hệ khác nhau thế nào, thấy ra trong những mối quan hệ ấy mọi mặt lợi-hại-tốt-xấu.
Tuy ở trong mối quan hệ nhưng mình hãy sống với thái độ vượt ra ngoài mối quan hệ. “Thái độ vượt ra ngoài mối quan hệ” nghĩa là thế này, ví như một người ở trong chùa thì phải chịu khuôn khổ của nhà chùa, nhưng vẫn có thể sống với thái độ nhập gia tùy tục và tôn trọng khuôn khổ một cách tự do, chứ không cảm thấy bị ràng buộc. Giống như Thầy thường nói “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau” là vậy.
“Thái độ vượt ra ngoài mối quan hệ” là làm được hai điều sau:
Điều thứ nhất là thay đổi thái độ trong mối quan hệ, nghĩa là ở trong mối quan hệ, vẫn tuân thủ nhưng không hề bị mối quan hệ đó làm trở ngại sự phát triển tâm linh của riêng mình.
Điều thứ hai là riêng bản thân mình luôn luôn có mối quan hệ tốt.
Chỉ cần làm được hai điều này là đủ, chứ không thể mong cầu mối quan hệ trở nên hoàn toàn tốt đẹp như ý mình được.
Hiện tại nếu đang ở trong mối quan hệ nghiêm ngặt thì mình vẫn sống kiên nhẫn. Đồng thời, bất kể bên ngoài ứng xử với mình như thế nào thì mình vẫn cứ ứng xử đúng-tốt là được. Làm như vậy mình sẽ không bị day dứt, ăn năn về sau. Dù mình có thể đang chịu thiệt thòi nhưng mình lại cảm nhận được sự tự do trong nội tâm mình.
T. Viên Minh
Phản hồi