Thái Bình: Lung linh Đêm Hoa Đăng Đạo Hiếu Và Dân Tộc – lễ Vu Lan chùa Khánh Nguyên
PGĐS – Tối ngày 2/9/2023 – nhằm ngày 18 tháng 7 năm Quý Mão, tại chùa Khánh Nguyên, thôn Tô Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đã tổ chức thành công viên mãn chương trình lễ Vu Lan “Đạo Hiếu và Dân Tộc”.
Tháng bảy âm lịch, mùa Vu Lan báo hiếu của Phật giáo ngày nay đã trở thành một ngày hội thiêng liêng về tinh thần tri ân, báo ân về Đạo Hiếu của toàn Dân tộc. Lễ Vu Lan cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta tỏ lòng thành kính đối với Ông, bà, cha, mẹ, hiện tiền cũng như quá vãng, với thầy tổ, đất nước và chúng sinh vạn loài.
Hòa trong không khí hân hoan của những người con Phật, tối ngày 2/9/2023 nhân dịp Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam nhằm ngày 18/7 năm Quý Mão. Tại chùa Khánh Nguyên, thôn Tô Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, chương trình lễ Vu Lan “Đạo Hiếu và Dân Tộc”, đêm hoa đăng, cầu siêu cho anh linh các anh hùng linh liệt sĩ hy sinh vì đất nước, cùng chân linh cửu huyền thất tổ, thuyết giảng, trì Kinh Vu Lan Báo Hiếu, trao quà tri ân cho các cá nhân, gia đình có công với cách mạng tại địa phương, đã được Sư cô Trụ trì chùa Khánh Nguyên cùng Đạo tràng Phật tử trang nghiêm, long trọng tổ chức.
Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh của quý Chư tôn đức Tăng, Ni. Các ông bà là đại diện các cơ quan Đảng, Chính quyền, UBMTTTQ, ban ngành đoàn thể xã An Mỹ, cấp ủy, Chính quyền, mặt trận khu dân cư thôn Tô Hải, và đông đảo bà con nhân dân, đồng bào Phật tử quý thiện hữu tề tựu, cùng chung một lòng kính hiếu trở về tham dự.
Mở đầu là các nghi thức hành chính, chương trình ca nhạc đặc biệt do các ca sĩ, nhạc sĩ đến từ Trường cao đẳng Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, cùng các bạn trong đội văn nghệ Câu lạc bộ Thanh, Thiếu niên Phật tử Hương Thiền huyện Quỳnh Phụ cùng phối hợp biểu diễn. Với các tiết mục ca múa nhạc có nội dung phong phú ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, sự hy sinh, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, tinh thần tri ân và báo ân, nghi thức đọc cảm niệm Vu Lan, cài hoa Hồng lên áo…, đã mang lại nhiều cảm xúc tích cực, một đêm Vu Lan vô cùng xúc động và ý nghĩa.
Chứng minh, tham dự tại lễ Vu Lan chùa Khánh Nguyên Đại đức Thích Nhật Trường đã chia sẻ cùng đại chúng một bài pháp thoại nói về ý nghĩa của Vu Lan trong Phật giáo và tán thán những công đức Phật tử chùa Khánh Nguyên đã làm được trong mùa Hiếu hạnh này: Với giáo lý nhà Phật thì hiếu hạnh là công đức hàng đầu. Đại đức cũng chia sẻ: Lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam rất sớm, năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Ngày nay, Vu Lan không chỉ dành riêng cho Phật tử, mà trở thành ngày lễ báo hiếu của toàn dân tộc Việt Nam. Vu Lan thắng hội nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Thông qua các nghi thức trong buổi lễ giúp mỗi người tiếp cận được những ý nghĩa mang tính giáo dục, nhân văn đó là: tinh thần Từ bi hỷ xả – vô ngã vị tha của nhà Phật. Việc báo hiếu cha mẹ không chỉ vào ngày này, mà cần cả một đời người để thực hiện. Những ai không còn cha mẹ nữa, chúng ta báo ân mong sự tha thứ vì những lỗi lầm, những điều vẫn chưa thể thực hiện được khi cha, mẹ còn sống, vì trong Phật giáo luôn có quan niệm “Vòng luân hồi”.
Cùng với đó trong buổi lễ, sư cô Thích Nữ Như Hiếu – Trụ trì chùa Khánh Nguyên đã dành những phần quà tri ân, trao tận tay cho các gia đình có công với cách mạng, các ông bà là thương, bệnh binh, nguyên là thanh niên xung phong tại địa phương, mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng.
Vật chất ở đây tuy không nhiều, nhưng việc làm là thể hiện tấm lòng biết ơn. Trong tứ trọng ân của Phật giáo, tri ân sự cống hiến hy sinh của các thế hệ những người con quê hương, thể hiện rõ sự nhân văn, tinh thần nhập thế của Phật giáo đối với cộng đồng xã hội.
Đêm hoa đăng lung linh ánh nến, tiếng kinh Vu Lan cầu siêu, nguyện cầu cho các anh hùng Liệt sĩ, chân linh quá vãng, cửu huyền thất tổ được siêu thoát, nguyện cầu cho đất nước ta được hòa bình, toàn dân an lạc hạnh phúc, Đạo pháp trường tồn đã khép lại chương trình lễ Vu Lan năm 2023 tại chùa Khánh Nguyên.
PV: Tronghaitb
Phản hồi