Tết nay Thầy lại không về à!
“Tết nay thầy lại không về à!”, câu hỏi của mẹ cứ văng vẳng bên kia điện thoại và quấn lấy những dòng suy nghĩ lộn xộn trong tôi.
“Dạ, con bận học rồi mẹ ạ!”. “Tết mà học cái gì không biết!”, giọng mẹ vừa như giận lẫy vừa như trách móc làm tôi không khỏi suy nghĩ.
Tôi biết rằng dù ở đâu trên quả địa cầu này thì người Việt cũng tìm đến nhau để mang không khí xuân truyền thống chia sẻ cho nhau như là một lời nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, đừng bỏ quên truyền thống và cùng chung niềm vui đoàn tụ. Nhưng hình như tôi và môi trường tôi đang ở, một tỉnh cách xa Bangkok, nơi rất hiếm thấy người Việt, đã dần lấy đi cái mùa xuân đã từng rất đẹp trong tôi.
Và thế là mỗi lần mẹ hỏi “Tết này Thầy có về không?” thì tôi lại như mọi năm với câu trả lời cũ rích cộng với chút bùi ngùi: “Dạ, con bận học rồi mẹ ạ!”.
Hình như mẹ nghẹn ngào thì phải: “Tết nay Thầy lại không về à!”
Mẹ gọi tôi là “Thầy” bởi vì tôi là một tu sĩ Phật giáo. Có thể các bạn cho rằng mấy ông Thầy tu thì tình cảm với gia đình đã không còn vướng bận và chuyện tôi có về nước đón Tết hay không thì không quan trọng là bao.
Chuyện có vẻ nhàm chán quá! Nhưng tôi muốn kể cho các bạn nghe một điều mà nó làm tôi băn khoăn mãi. Câu hỏi của mẹ sẽ chẳng làm tôi suy nghĩ nhiều nếu chỉ được nói một lần. Nhưng cứ mỗi tuần tôi gọi điện về hỏi thăm thì mẹ lại hỏi câu đó “Tết này Thầy có về không?”.
Tôi biết mẹ đã biết câu trả lời rồi nhưng hình như mẹ cố tìm kiếm trong một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng tôi sẽ có một câu trả lời khác. Mỗi lần nghe mẹ hỏi như vậy tôi không kiềm chế được cảm xúc. Tôi thương và nhớ mẹ. Tôi biết có bao người con không được đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết cũng đồng cảm với tôi.
Mẹ là một phụ nữ nông dân chân chất, thật thà và dễ xúc động. Tôi còn nhớ mấy năm về trước khi tôi đi tu mẹ đã khóc rất nhiều. Từng đêm, mẹ giữ những chiếc áo mà tôi từng mặc để ở dưới gối mẹ nằm. Cho đến giờ mẹ vẫn còn giữ. Có lần tôi gởi cho mẹ những bức hình của tôi chụp ở chùa, mẹ cất kĩ lắm. Khi tôi về thăm, mẹ kéo tôi vào phòng và cẩn thận mở cái rương khoe với tôi những bức ảnh đó.
Ngày tôi về nhà thăm mẹ, nhìn dáng mẹ cười rưng rưng vì được gặp lại con mình làm tôi không kìm được cảm xúc. Ngày tôi đi mẹ lại một lần nữa nhìn theo như mong muốn tôi ở lại thêm vài ngày nữa để mẹ đỡ nhớ mong.
Mẹ là một người rất tằn tiện. Mẹ không dám mua cho mình một cái áo mới hay một đôi dép đẹp. Có anh chị nào cho tiền mẹ đều dành dụm vì chỉ một lý do đơn giản đó là “mua thuốc uống khi ốm đau”. Mẹ kể khi còn con gái, mẹ khỏe và làm nhiều việc lắm. Lúc đó thì chẳng có đủ mà ăn, bây giờ có ăn rồi thì mẹ lại kiêng cữ đủ điều vì những căn bệnh mà mẹ phải mang trong mình.
Có lần tôi nói đùa với mẹ rằng tôi không có tiền về nước thì mẹ bảo về mẹ cho tiền. Tưởng chỉ là một câu đùa cợt với mẹ nhưng khi tôi về mẹ lại giấu mọi người dúi vào tay tôi một triệu đồng gồm năm tờ 200 nghìn còn xếp cẩn thận. Dĩ nhiên là tôi không lấy tiền của mẹ. Mẹ có vẻ buồn.
Mẹ già rồi và tôi sợ. Tôi sợ xuân này không về rồi xuân sau cũng không về được và khi về thì không biết mẹ còn có khỏe mạnh hay không. Có lúc tôi chỉ muốn nghỉ một tuần để về thăm mẹ nhưng chương trình học nhiều quá. Tôi nhớ mẹ, nhớ hương vị mứt mẹ làm, nhớ cái mùi lá khô đốt đêm giao thừa và nhớ cái cảm giác ngồi sum họp bên gia đình đêm giao thừa. Ai xa quê và xa cha mẹ chắc cũng nhớ như tôi.
Xuân về Tết đến sao lòng buồn vời vợi, ai ngoài kia vui xuân đoàn tụ bên gia đình còn mình thì ngậm ngùi nhớ mẹ cha. Có lẽ, nỗi nhớ nhung về một cái Tết bên gia đình đã ăn sâu vào tâm trí người con xa xứ. Nó như một mãnh lực vô hình kéo theo những hàng nước mắt lặng thầm chảy vào tim.
Con không về được mẹ ạ! Nhưng con sẽ tìm thấy mẹ trong con, con sẽ làm cho mùa xuân trong con tươi thắm, mùa xuân dạt dào với nỗi nhớ mênh mông và ở quê nhà mẹ cũng sẽ thấy con có trong mẹ, trong gia đình, mẹ nhé!
Chúc những ai là mẹ là cha có những người con hiếu thuận, có một mùa xuân hạnh phúc.
Tâm Tiến
Phản hồi