Tắm Phật có công đức như thế nào?
Lễ Mộc Dục (Tắm Phật) là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong các chương trình chào đón Đại Lễ Phật đản hằng năm. Theo kinh quá khứ hiện tại nhân quả, nguồn gốc của lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni.
Khi Thái tử ra đời, có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm cho Hoàng hậu Maya và Thái tử. Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện Đản sanh của Thái tử được mô tả trong những bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng Đản sanh trong một bồn sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của Đức Phật”.
Lễ tắm Phật như cam lộ tưới mát, công đức vô lượng khó có thể nghĩ bàn. Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép: “…Đức Phật còn dạy rằng, nhờ việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác. Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau”.
1. Thường biết tàm quý;
2. Phát khởi niềm tin thanh tịnh;
3. Tâm ngay thẳng;
4. Được gần gũi bạn lành;
5: Chứng huệ vô lậu;
6. Thường gặp chư Phật;
7. Luôn hành trì chánh pháp;
8. Làm đúng với lời nói;
9. Tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật;
10. Nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ;
11. Nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên biết niệm Phật;
12. Không bị ma quân gây tổn hại;
13. Hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp;
14. Được chư Phật trong mười phương gia hộ;
15. Mau thành tựu được năm phần Pháp thân.
Trong khi tắm Phật, ngoài việc quán tưởng dòng nước tẩy sạch phiền não của thân tâm, đặc biệt còn quán tưởng đến hai dòng nước ấm-mát của chư thiên, nguyện giữ tâm an nhiên và thanh tịnh trước thuận-nghịch của cuộc sống. Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bụi trần phiền não cùng tâm tham sân si đã che lấp viên ngọc quý ấy. Muốn hiển lộ Phật tánh, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần. Lễ tắm Phật là dịp giúp chúng ta quay vào bên trong nhìn lại và quán niệm đến việc gột rửa thân tâm của chính mình, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm.
Quán niệm:
Gáo nước thứ nhất tắm bên vai trái Phật, con xin quán niệm: nguyện bỏ mọi điều ác;
Gáo thứ hai tắm bên vai phải Phật, con xin quán niệm: nguyện làm mọi điều lành;
Gáo thứ ba tắm dưới chân Phật, con xin quán niệm: nguyện độ hết chúng sanh.
Theo dòng lịch sử dân tộc, lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật, đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam “Mồng tám tắm Bụt không mưa, bỏ cả cày bừa vất cả lúa đi”. Người con Phật với lòng tôn kính Tam Bảo, trên nền tảng của chánh kiến, mỗi khi thắp một nén hương, dâng một cành hoa lên đức Phật, hay rưới những gáo nước thơm tinh khiết lên tôn tượng Như Lai, với một tâm niệm nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi thuận duyên cũng như nghịch duyên từ đó chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ. Phải chăng trong giây phút cảm ứng mầu nhiệm, ta cũng thấy được mình đang tắm gội đức Phật bên trong của chính mình.
“Con nay tắm gội đức Như Lai
Công đức trang nghiêm tịnh trí đầy
Nguyện cho chúng sanh lìa năm trược
Mau chứng Như Lai tịnh pháp thân Giới, định, tuệ… năm phần hương báu
Tỏa ngạt ngào trong khắp mười phương
Khói hương này xin hằng lan mãi
Phật sự làm vô lượng vô biên
Nguyện khổ nạn ba đường bặt dứt
Nhiệt não trừ, an trú thanh lương
Đồng phát tâm vô thượng Bồ-đề
Thoát biển ái lên bờ đại giác.”
Như Thiên Thích Tuệ Tánh
Phản hồi