Sửa đổi mình hay sửa đổi người?
Phật đã khẳng định với các đệ tử của Ngài trong Kinh Hoa Nghiêm rằng: “Muốn cứu khổ ban vui, người con Phật phải dùng sức lực của trí huệ, thuận theo tâm tính của chúng sanh mà làm.”
Hai mươi lăm thế kỷ trước Đức Từ Phụ đã vạch ra một con đường sáng cho hậu bối nương theo mà sống hạnh phúc và tu giải thoát. Tuy nhiên, ngay cả Thế Tôn, Ngài cũng không độ tận được chúng sanh. Ngay cả một bậc đại giác như Phật mà cũng không được cái toàn năng sửa đổi mọi người. Những ai hữu duyên thì đều được Ngài độ, còn những ai vô duyên, Ngài chỉ thương xót chứ không làm gì khác được. Tại sao lại như vậy? Trong thời Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã khẳng định với tứ chúng rằng: “Nếu ta nói rằng mấy ông đừng lo, hễ theo ta sẽ được ta độ tận, thì chắc chắn mấy ông sẽ theo ta nhiều lắm. Nhưng ta không nói được như vậy vì đạo Phật là đạo của chơn lý nên ta đành phải nói sự thật cho mấy ông nghe. Dù sự thật ấy có thế nào đi nữa thì nó vẫn là sự thật đùáng được trân quý.” Sự thật là thay vì tìm cách sửa đổi ngoại trần cho thích hợp với mình là chuyện không tưởng, tự cổ chí kim chưa ai làm được, thế nên người tu theo Phật phải cố gắng tự sửa chính mình để thích ứng với ngoại trần.
Ngoại trần hay hoàn cảnh bên ngoài tự chúng không gây được khổ đau hay hệ lụy cho ai, chúng phải nhờ đến lục căn của chúng sanh làm chất xúc tác để tạo nên lục thức. Người con Phật phải thấy cho được điều nầy để không phải hoài công mất sức trong tiến trình tu tập. Xin khẳng định lần nữa lời dạy dỗ của Thế Tôn: “Tu là tự sửa mình.” Dù quý Thầy có giảng dạy thế mấy mà mình không chịu tự sửa mình thì cũng bằng thừa. Phật giáo là đạo “giải thoát,” giải thoát ở đây có nghĩa là mở ra cho thoát. Từ vô thỉ vô chung, không ai cột mình mà chính mình tự cột, giờ cũng chính mình tự mở. Những gút mắc của luân hồi sanh tử chỉ có tự mình biết và cũng phải tự mình gỡ chứ không ai có thể gỡ được dùm mình. Khi Phật nói “ban vui, cứu khổ,” Phật không bao giờ biểu chúng ta cứu khổ người bằng cách sửa dạy người, hoặc ban vui bằng cách sửa dạy người.
Trong Kinh Niết Bàn, Đức Thế Tôn đã dạy: “Chúng sanh muốn tu hành đến trạng thái Niết Bàn như chư Phật, phải trước nhứt nhận chân đây là khổ, kia là con đường diệt khổ. Rồi sau đó nhiếp tâm tu tập và tu tập. Tu tập bằng con người thật của chính mình, chứ không lấy bản ngã hướng ngoại cầu hình hay hí luận biện giải. Làm được như vậy, bất cứ trạng huống nào ta kinh qua, cũng đều là trạng huống của Niết Bàn.” Thật vậy, nếu chúng ta thực tâm tu hành thì dù ở không gian và thời gian nào, chúng ta cũng đều thấy an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Đi đâu đến đâu chúng ta cũng nhìn tha nhân bằng đôi mắt yêu thương và trái tim cảm thông bi mẫn. Lúc đó không cần phải “đầu môi chót lưỡi,” ngược lại, toàn thân toàn tâm chúng ta chỉ tỏa ngát một thứ kỳ hương: từ bi hỉ xả và cứu khổ ban vui.
Phật đã nói quá rõ trong tiến trình tu Phật thì ai sửa ai? Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta có chịu lắng nghe và làm theo lời Phật dạy hay không mà thôi. Phật đã khẳng định với các đệ tử của Ngài trong Kinh Hoa Nghiêm rằng: “Muốn cứu khổ ban vui, người con Phật phải dùng sức lực của trí huệ, thuận theo tâm tính của chúng sanh mà làm.” Nghĩa là người con Phật phải tự sửa mình trong mọi tình huống, không câu chấp. Nói như vậy không có nghĩa là giáo lý nhà Phật khuyến khích đệ tử tự lợi chứ không lợi tha. Nói như thế để mọi người cùng nhau ý thức rằng mỗi người chúng ta là nhân tố chính cho công cuộc tu tập của chính mình. Muốn an định thân tâm, tự tâm thân nầy phải định tĩnh. Muốn cho sự tương quan giữa con người với con người được tốt đẹp, mỗi con người chúng ta phải tự làm tốt đẹp lấy mình. Muốn thế giới có hòa bình an lạc, tự thân mỗi người phải là một con người hòa bình an lạc trước đã.
Chính Đức Phật đã từng dạy: “Con người là hơn cả vì tất cả kết quả giác ngộ đều được thực hiện bởi tự thân con người. Đức Phật cũng như những trưởng tử hậu bối của Ngài có thể đem pháp âm vi diệu tuyên rao cùng khắp, nhưng có nghe được những pháp âm vi diệu đó hay không là hoàn toàn tùy thuộc ở mỗi người chúng ta. Đạo Phật vốn dĩ nói dễ khó làm, chính vì thế mà Phật đã dạy rằng dù chiến thắng vạn quân, không bằng tự thắng lấy mình. Tự thắng lấy mình mới là chiến công oanh liệt nhứt. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã một lần nữa khẳng định về nét đặc thù “Tự tu tự sửa” trong đạo Phật: “Hãy là ngọn đuốc và nơi nương tựa cho chính mình, chứ đừng phó thác dung thân vào bất cứ nơi nào không phải là mình.” Phật không dừng lại ở đây, mà Ngài khẳng định thêm: “con người là tối thắng vì con người có thể thực hiện mọi điều tốt đẹp.”
Tuy nhiên, Ngài lại tiếp tục cảnh tỉnh quần sanh qua lời dạy trong Kinh “Pháp Cú: “Con người có thể thực hiện mọi pháp lành, nhưng cũng chính con người đã và đang tạo ra mọi ác pháp.” Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp của vạn triệu năm về trước và vạn triệu năm về sau cũng vẫn vậy, nhưng chúng thâm nhập và thẩm thấu qua mỗi chúng sanh mỗi khác. Cũng như vậy, vô minh, hành, thức, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, và sanh lão tử có tác dụng khác biệt trên mỗi chúng sanh. Đồng ý khi nào con người chịu đi ngược lại với dòng luân hồi sanh tử, chịu đoạn tận vô minh thì trí huệ sáng ngời. Tuy nhiên, dù đèn trí huệ có giống nhau, cường độ lội ngược dòng sanh tử ở mỗi người mỗi khác. Thấy như vậy để đừng ai bắt ai phải theo mình và cũng đừng ai làm kéc học tiếng người, rồi lập đi lập lại những lời dạy của Phật của Tổ.
Theo giáo lý nhà Phật thì “gieo nhân nào, ắt gặt quả đó.” Cách duy nhứt để tránh gieo nhân, hoặc giả nếu phải gieo chỉ gieo những nhân lành là người con Phật phải tự “sửa đổi lấy chính mình.” Sẽ không bao giờ có giác ngộ và giải thoát cho ai nếu người đó chỉ làm kéc học tiếng người. Phật luôn khẳng định giá trị tuyệt đối của con người: “Nhân thị tối thắng.” Mà thật vậy, con người có một địa vị hết sức đặc biệt trong vũ trụ vô cùng vô tận nầy. Âm thanh phát ra từ một con người sẽ ngân vang mãi mãi về phía hư không dù chúng ta không còn được nghe thấy nữa, nhưng vạn triệu kiếp về sau nầy, âm thanh ấy vẫn còn đây. Chính vì thế mà sự sửa đổi từng cá nhân trong bất cứ xã hội nào, trong bất kỳ không gian hay thời gian nào, cũng rất ư là quan trọng cho nhân quần xã hội. Một người không sát sanh, vạn triệu người không sát sanh.
Một người không trộm cắp, vạn triệu người không trộm cắp. Một người không tà dâm, vạn triệu người không tà dâm. Một người không vọng ngữ, vạn triệu người không vọng ngữ. Một người không uống uống rượu, vạn triệu người không uống rượu. Được như vậy, xã hội chúng ta đang sống đích thực là một xã hội loài người. Tương tự như vậy, từng người giữ thập thiện thì xã hội nầy là một thiên đường. Từng người tự thanh tịnh hóa lấy chính mình thì chúng ta còn bàn chi đến một thế giới Cực Lạc xa xăm nào nữa? Làm được như vậy, Thế Giới Hoa Nghiêm mà Phật đã tuyên lưu năm xưa không ở đâu xa, mà là ở đây, ở ngay trong cõi Ta Bà ngũ trược ác thế nầy.
Thiện Phúc
Phản hồi