“Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc” luôn là tâm niệm của mỗi người
Con người ai cũng muốn sống cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn, nhưng tại sao lại rất ít người hạnh phúc mỹ mãn? Bởi gì mọi vật đều có giá của nó, thứ càng quý hiếm thì phải trả cái giá càng cao, thứ vô giá thì cái giá phải trả cũng lớn phi thường.
Các bậc thánh hiền xưa kia thường hay giáo huấn con người: “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”. Tuy nhiên bản tính con người thường tránh khổ tìm sướng, điều ấy đặc biệt đúng với con người trong xã hội ngày nay.
Khi đời sống vật chất không ngừng được nâng cao, rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không phải chịu khổ. Phần lớn bọn họ đều lớn lên trong sự chăm sóc cưng chiều của ông bà cha mẹ, dần dần dưỡng thành bản tính vị tư ích kỷ, hành sự bá đạo cường quyền. Người như vậy lớn lên càng không hiểu thế nào là đạo lý “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”. Trong nhân sinh quan của họ, theo đuổi cuộc sống hưởng lạc là lẽ đương nhiên, không làm mà hưởng, một bước thăng thiên, ngông cuồng xa xỉ đã trở thành giá trị triết lý sống, niềm mơ ước của họ. Thậm chí rất nhiều người trẻ đã không còn muốn nỗ lực nữa, họ không dám nghĩ không dám làm, tư tưởng thường trực là “sống không cần làm vẫn có tiền tiêu”, hoặc giả tìm được một việc nhẹ lương cao lại ở gần nhà để làm. Đặc điểm của kiểu người này là thích oán giận, không có khả năng chịu áp lực, trong cuộc sống gặp chút khó khăn là bắt đầu bất bình, luôn cảm thấy bản thân phải chịu thiệt chịu khổ.
Những điều này đều là bởi họ không thấu hiểu đạo lý: “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”. Kỳ thực chịu khổ không phải là việc gì xấu, tục ngữ có câu: “Không trải gió mưa sao thấy sắc cầu vồng”; “Trăm luyện mới thành tài”; “Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”.
Câu thành ngữ “Huyền lương thích cổ” (Treo tóc lên xà nhà, đâm dùi vào bắp đùi) là câu chuyện thú vị về tấm gương khổ luyện thành tài. Thời Chiến Quốc, Tô Tần học vấn uyên bác, tầm nhìn sâu xa, ông du thuyết và được cả 6 nước phong làm tể tướng. Đằng sau thành công đó là thuở thiếu thời miệt mài đèn sách. Hôm nào ông cũng đọc sách đến khuya, buồn ngủ quá bèn lấy dùi đâm vào đùi để tỉnh táo học tiếp. Lại như Tôn Tĩnh thời Hán hàng ngày đóng cửa học cả ngày và tận đêm khuya. Nhiều hôm mệt quá ngủ gật trên bàn học. Ông bèn buộc tóc lên xà nhà để mỗi lần ngủ gật, bị giật tóc đau mà tỉnh táo học tiếp, cuối cùng đã trở thành học giả uyên bác nổi tiếng.
Trên thực tế, khổ nạn chính là để tôi luyện ý chí con người, khiến cho nội tâm trở nên kiên định mạnh mẽ. Đây chính là đạo lý thứ nhất của triết lý “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”.
Thử nghĩ, nếu một người chỉ sống trong hoàn cảnh thoải mái dễ chịu như giường ấm nệm êm, công việc nhàn hạ, gia đình có điều kiện có địa vị. Vậy là họ không muốn thức khuya dậy sớm học tập, nâng cao năng lực làm việc, không biết vì người khác mà suy nghĩ. Cơ thể được chăm bẵm càng kỹ lưỡng thì tinh thần lại vì thế mà càng sinh ra sa sút, lười nhác. Thực tế chứng minh rằng những việc có lợi cho con người thì phần lớn đều không đơn thuần khiến con người sung sướng. Ví như dậy sớm rèn luyện thân thể tuy có vất vả nhưng đổi lại cơ thể cường tráng, ăn uống tiết chế tuy khiến con người không được thoả mãn khẩu vị nhưng lại tránh được những bệnh mãn tính lâu ngày. Đi làm nghiêm khắc với cấp dưới sẽ khiến mọi người ức chế khó chịu nhưng lại bồi dưỡng được nhân tài.
Âu Dương Tu là nhà chính trị, nhà văn, thơ, từ và bình luận văn học nổi tiếng đời Bắc Tống đã đúc kết kinh nghiệm cuộc đời mình để răn dạy con cháu rằng: “Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ quý. Người không học thì không biết đạo lý. Nhưng ngọc là vật, có đức trường tồn bất biến, tuy không mài giũa thành món đồ quý, cũng không có hại gì đến ngọc. Tâm tính con người thay đổi theo ngoại vật, nếu không học thì sẽ không trở thành bậc quân tử được, mà sẽ là kẻ tiểu nhân, có thể không ghi nhớ sao”
Thuốc uống tuy đắng nhưng lại chữa được bệnh, trung ngôn thì nghịch nhĩ, lời thật thì mất lòng. Đạo lý có mất thì mới được, khổ trước sướng sau, khổ tận cam lai, hay bĩ cực thái lai… đều nói lên một quy luật của vũ trụ. Đạo Đức Kinh có viết: “Đạo Trời như dương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu”. Đạo con người ghét cái đầy mà thích cái khiêm hạ”. Tất cả những điều này cũng là đạo lý thứ hai trong câu: “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”.
Từ góc độ thâm sâu hơn một chút mà nói, trong giới tu luyện, các bậc tôn sư cũng thường giảng con người nên vui vẻ chịu khổ. Trong giới tu luyện, người ta nhìn nhận rằng, con người là vì có tư tâm nên mới phải làm người, vì làm điều không tốt mới phải làm người, con người sinh ra là có nghiệp lực, vì nghiệp lực sinh ra nên mới phải chịu khổ. Con người trong quá trình chịu khổ chính là quá trình dần dần tiêu bỏ nghiệp lực của mình. Nếu như một người sống tại thế gian chỉ có hưởng phúc mà không chịu khổ vậy thì nghiệp lực của họ không được tiêu bỏ mà ngược lại, ngày càng tích tụ thêm nhiều, khi đến một giai đoạn giới hạn nào đó ắt sinh mệnh đó sẽ bị tiêu huỷ đến triệt để. Vậy nên mới bảo con người nên chịu khổ, trong giới tu luyện người ta nhìn nhận chịu khổ chính là việc tốt. Đây chính là hàm nghĩa thứ 3 của câu: “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”.
Ấy là vài kiến giải nông cạn của người viết đối với vấn đề “Sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”. Người viết mong nhận được những lý giải thấu đáo hơn từ quý độc giả. Tuy nhiên bất luận thế nào thì: “Khổ trước sướng sau, làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít, tiền nào của ấy.. “ vẫn là những đạo lý không thể phủ nhận xưa nay. Vậy nên đừng bao giờ lấy sự an nhàn để tránh sự khổ cực, vì món nợ ấy chỉ có thể ngày càng lớn mà thôi.
Tác giả: Tích Thời
Theo zhengjian.org
Phản hồi