Sống bình thường là đạo – Tu mà như không tu
Sự khác biệt giữa “tu” và “không tu” vốn không nằm ở hoàn cảnh hay điều kiện sống bên ngoài, mà khác biệt duy nhất chính tại cảnh giới tinh thần bên trong.
Không phải cứ ngồi tĩnh toạ trên bồ đoàn, giữ cho lòng không tạp niệm, mới được gọi là tham thiền. Tu hành là trong khi thực hiện tất thảy những hành động hàng ngày như ăn ở đi lại…đều giữ cho tâm trong sáng, tĩnh tại, từ đó có thể lĩnh hội cảnh giới thiền ở mọi thời khắc.
Tâm động tức vạn vật động, hết thảy khổ não trên đời đều xuất phát từ cái tâm “động” này. Nếu tâm an thì dù cảnh “động”, lòng vẫn sẽ thanh tịnh tự tại, bình thản không vướng bận.
Trên thực tế, “tu” là một quá trình điều chỉnh hành vi và nhận thức về đúng với bản chất thanh tịnh bên trong. Người tu cũng không nhất thiết phải “sống” cách biệt với thế giới bên ngoài. Bởi lẽ, với một người tâm không ngừng hướng ra ngoài tìm cầu những thứ mới mẻ thì dù ở chốn Thiền hay cõi tục cũng đều như nhau thôi!
Mọi khuôn khổ dựa trên giới luật vốn được xây dựng nhằm mục đích giúp người tu buông xả bớt dục vọng, chứ không phải để tạo nên một thế giới hạn hẹp trong tư tưởng của con người.
Ví như mục đích của việc “ăn chay” vốn là để trưởng dưỡng lòng từ bi, nhưng một khi người ăn chay khởi tâm phân biệt, chấp trước quá nhiều vào bữa ăn, cảm thấy những người chưa ăn chay là xấu là tệ, còn mình là tốt, là hơn người… lời khuyên xây dựng tích cực sẽ khác, còn lời trỉ trích hơn thua thì mục đích tốt đẹp thật sự của “việc ăn chay” cũng không còn.
Sự khác biệt giữa “tu” và “không tu” vốn không nằm ở hoàn cảnh hay điều kiện sống bên ngoài, mà khác biệt duy nhất chính tại cảnh giới tinh thần bên trong.
Bậc chân tu là người luôn có mặt trong hiện tại, sẵn sàng đón nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng bình thản nhất, không định kiến, không áp đặt suy nghĩ của bản thân lên người khác và cũng không tự tạo nên rào cản trong tư tưởng của chính mình.
Sống một cuộc đời bình thường, làm những việc bình thường, tỉnh táo quan sát dòng chảy cuộc sống bằng cái tâm trong sáng hồn nhiên, từ đó lặng lẽ chiêm nghiệm mọi chướng ngại của ngoại cảnh, đó cũng chính là “tu mà như không tu” vậy.
Phản hồi