Sống an lạc, bớt phiền não
Phiền não về căn bản là tham, sân si. Sống an lạc là tâm bớt buồn phiền, oán, hận, bớt tham, sân, si; luôn vui tươi, nhẹ nhàng, tự tại như mây bay, tâm không gợn chút oán hận thế sự. Cho nên, một ngày sống an lạc trước hết phải là một ngày không oán hận, không muộn phiền hay bớt phiền muộn.
Ngày nọ, Ni sư trụ trì mang rất nhiều túi nhựa và rất nhiều củ khoai tây thật to đặt trên chiếc bàn. Sau đó, Ni sư phát cho quý Phật tử và bảo “Quý vị nhắm mắt lại và tự hỏi lòng mình: Nếu tâm mình có gợn lên sự phiền buồn chán sư muội A, sư tỷ B, bực mình chúng ni trong chùa, oán giận ai, hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, không ưa ai, ghen tị với ai, liếc háy ai… thì hãy viết tên của từng người đó lên từng củ khoai tây rồi cho vào túi nhựa. Nếu có 10 vị mình ghim trong tâm thì viết tên 10 vị không ưa hay oán hận vô 10 củ khoai”.
Trong kinh Lăng nghiêm, Đức Phật nói: “Trực tâm là đạo tràng”, nên phải chân thành nói ra, viết ra nguyên nhân của bịnh thì mới trị được bệnh. Nếu chân thành viết đúng những người mình ghét, không ưa hay hờn mát chút chút cũng viết xuống thì thực tế cho thấy, chỉ vài phút sau, chiếc túi của quý vị sẽ nặng và đầy khoai tây. Thậm chí có người, một túi không chứa hết khoai, phải thêm một, hai, ba túi nữa kèm theo.
Sau đó, Ni sư trụ trì yêu cầu quý Phật tử hãy mang theo bên mình túi khoai tây đó đi bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào trong một tuần lễ, giống như mình mang theo ví tiền và thẻ căn cước công dân vậy. Đi đâu cũng mang theo, đi xe buýt thì cũng để kế bên, đi chợ cũng mang theo, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi có tiệc tùng sinh nhật cùng bạn bè cũng phải đem theo. Kết quả cho thấy, chỉ sau một thời gian ngắn ba ngày hay bảy ngày, quý vị sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước, mọc nấm, mọc rễ hôi thối.
Cuối cùng, đến một lúc nào đó, quý vị quyết định quăng hết số khoai ấy đi và khi đó sẽ cảm thấy thật nhẹ nhàng thoải mái vì hưởng được trạng thái tay không nhẹ nhàng. Cũng vậy, lòng oán hận, không ưa, không thích, thù ghét người này và người kia đã làm chúng ta thật nặng nề, không an lạc và khổ sở. Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng. Thế nên, tâm an lạc là trạng thái đẹp nhất trong đời người.
Đức Phật dạy: “Ngũ uẩn giai không, duyên sinh, vô ngã” (năm ấm vốn là không, do nhân duyên sanh, không có cái ta). Thế nên, nếu có ai nói xấu về mình, thì hãy xem lời nói đó như một cơn gió thoảng qua, chẳng có chi đáng để phiền não. Bởi những lời nói không thể thay đổi được sự thật mà chỉ làm tâm ta thêm rối loạn. Giữ tâm an bình, không phiền não, thì sự thật rồi sẽ được phơi bày.
Có câu nói rằng: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!” Cho nên, ta sân si với đời là ta đang tự làm khổ chính ta, chứ chẳng phải ai khác. Vì vậy, quý vị hôm nay, sau khi đã tham dự khóa tu một ngày an lạc hãy buông bỏ hết “những gánh nặng” trong tâm, để khoảng trống cho tâm hồn lãnh thọ Phật pháp, để nụ hoa tâm luôn nở giữa dòng đời và để tâm kia không nặng nợ kiếp người.
Vâng, chúng ta cất tiếng khóc chào đời với đôi bàn tay trắng, lúc lìa đời cũng trắng tay, nào có mang theo được gì qua kiếp sống bên kia ngoài nghiệp thức. Thế nhưng, vì lòng tham, sân, si có gốc rễ từ vô minh đã khiến ta khi còn hiện hữu cứ mãi tham cầu, bám víu, gánh nặng, chất chứa phiền muộn để rồi mãi khổ đau trong vòng luân hồi sanh tử. Cho nên sự cảm thông, lòng vị tha, xóa ghen ghét, hận thù là hạnh tu an lạc, là món quà vô giá ta trao tặng cho đời và cũng là cho chính ta vậy.
Phản hồi