Sáng nay em đã mỉm cười chưa?

Người xưa nói: “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Giá trị nụ cười mang lại rất lớn cho con người, không chỉ có tác dụng cho thân mà còn cho tâm nữa.

Tập mỉm cười là sự thực tập chánh niệm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thi kệ:

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời

Mỗi sáng, chỉ cần vừa mở mắt ra, em niệm bài kệ này và thực tập theo, nụ cười nở trên môi, em chào ngày mới và thấy, mỗi phút giây qua trong ngày đều là giờ phút tuyệt vời. Em có mặt ngay hiện tại. Em thở thật nhẹ. Và em mỉm cười.

10

Nắng bên ngoài cửa sổ đang len nhẹ vào phòng. Em mở cửa ra. Ban công đầy nắng. Chiếc lá chào em bằng ngôn ngữ riêng. Em có thể chào chiếc lá bằng một nụ cười và quán niệm: Chiếc lá này là chiếc lá sáng qua em nhìn thấy nhưng thực ra cũng không phải là chiếc lá mà hôm qua em nhìn thấy. Chiếc lá đã có sự thay đổi, được tiếp thêm mưa nắng, sương đêm, được thêm hăm bốn giờ sinh diệt và hiến tặng oxi cho cuộc đời. Chiếc lá thay đổi âm thầm, em không nhìn thấy nhưng thực sự chiếc lá sáng nay đã có thêm hoặc bớt đi những chất liệu của chiếc lá ngày hôm qua. Em cũng vậy.

Em thử quan sát bên trong mình. Em có thêm hay bớt đi nỗi buồn hoặc niềm vui nào không? Em có còn muộn phiền, sân si như em của ngày hôm qua? Em có đang có lo lắng, sợ hãi nào không? Nếu có, em hãy mời tất cả những “người bạn” ấy lên ngồi chơi cùng em cùng nắng. Mời các bạn ấy cùng thở và lắng dịu cùng em. Những người bạn ấy đã theo em từ rất lâu trong hành trình sinh diệt.

Ai đó nói, mỗi người sinh ra trong đời là để học bài học của đời mình. Bài học ấy không ngoài chuyện quán chiếu nhân-duyên-quả. Cái gì đang đến với mình. Mình đang trải qua điều gì. Và mình đang gặp những ai. Họ xấu hay tốt với mình, thương hay ghét ta, tất cả đều có nguyên nhân… từ ta. Nếu thấy nhân-duyên là quy luật đang vận hành trong cuộc đời này, chi phối tất cả mọi người, mọi loài, mọi hành tinh trong Ta-bà thế giới này, ta sẽ thôi trách móc, phiền muộn, chạy theo ngoại cảnh mà về làm mới bên trong mình.

Khi lòng ta đủ an, đủ yên, tâm ta đủ thương yêu, nhiều bao dung, trí ta được khai phóng, có thể nhìn sâu, nhìn xa… thì ta sẽ không còn bị kẹt lại bởi những thương/ghét, được/mất, vui/buồn xung quanh. Ta sẽ có thể mỉm cười “chào em” khi mọi thứ tới, vì ta biết đó là bài học mình phải trải qua (tất yếu). Đó là quả mà ta đã gieo. Và đây cũng có thể là duyên để ta trau mình, nâng mình lên. Khi ta thực sự bản lĩnh thì sóng gió, bão giông sẽ làm ta mạnh hơn. Và ngược lại.

Ta nhìn sâu như vậy, ta sẽ có thể mỉm cười một cách thật nhẹ, chỉ giữ mỗi nguyện và cũng là lẽ sống – “mắt thương nhìn cuộc đời”.

Có mắt thương, ta sẽ thương được khổ đau nơi đời và thương cả cái xấu ác nơi đời. Bởi ta nhìn vào tất cả biểu hiện và đều thấy nhân-duyên-quả trùng trùng, đan xen, vô thủy vô chung. À, té ra vì vô minh mà ta đã từng trách đời trách người. Khi có chánh niệm, tỉnh thức, ta vén bức màn sân si, tham giận, não phiền và mọi thứ nhẹ tênh.

Sáng nay em đã mỉm cười chưa?

Đó là câu hỏi mà ai cũng có thể dành để tự hỏi chính mình, hỏi cái tôi vô minh, phiền não của mình. Câu hỏi như một tiếng chuông chánh niệm để ta dừng lại, thở và mỉm cười. Rồi bước tiếp, những bước chân nhẹ nhàng, không vội vã, không lao chen. Giây phút ấy, ta đi vào Tịnh độ. Cõi an lạc thực ra hiện tiền, ngay đây và bây giờ, ta bước vào khi có sự an yên, tỉnh thức…

Lưu Đình Long

Bài viết liên quan

Phản hồi