Rốt cuộc chúng ta sống trên đời để làm gì, thưa thầy?
Cái gì đã đưa chúng ta vào đời sống này? – Thầy đặt câu hỏi ngược lại như vậy vì muốn con hiểu được hai vấn đề, hai mặt của kiếp nhân sinh, đó là nghiệp và nguyện.
Con đặt câu hỏi đó bởi con cảm thấy cuộc đời thật bế tắc, buồn khổ, trong khi ai cũng mong muốn được sống theo nguyện, theo ý của mình và coi cuộc sống đó là vui nhất, có ý nghĩa nhất. Nhưng Thầy lại đặt câu hỏi thứ hai, để buộc con phải suy nghĩ xem điều gì trong quá khứ đã đưa con vào hoàn cảnh này, kiếp sống này. Và con phải trả lời được câu hỏi thứ hai trước thì mới có thể tìm ra lời giải cho câu hỏi đầu tiên.
Tại sao?
Vì con người luôn nỗ lực đi tìm một lý tưởng để sống, luôn theo đuổi một mục tiêu mà họ coi là hạnh phúc. Đó là nguyện. Nhưng con người không bao giờ được toại nguyện và thường băn khoăn, đau khổ mỗi khi gặp chuyện trái ý nghịch lòng. Mỗi lúc như thế họ lại tự hỏi “rốt cuộc chúng ta sống trên đời này để làm gì?”. Họ thường quên mất một điều quan trọng là “cái gì đã đưa chúng ta vào hoàn cảnh này?”. Đó là nghiệp từ quá khứ.
Vì tin nhân quả, nên dù hoàn toàn không biết trước được điều gì sẽ xảy ra với mình, nhưng chúng ta tin rằng tất cả những may rủi như thế không phải là chuyện ngẫu nhiên vô tình, mà đó đều là quả báo của những việc chúng ta đã tạo tác từ các kiếp xa xưa.
Trong cuộc sống này, nghiệp và nguyện thường lẫn với nhau, đan xen vào nhau chứ không phải luôn tách ra làm hai. Nếu như nghiệp đưa chúng ta vào cuộc sống này thì nguyện cho ta định hướng đúng, giúp ta thanh thản hơn, dễ chịu hơn khi đi trên con đường ấy. Chúng ta có mặt trong kiếp sống này vừa là do nghiệp, vừa là bởi nguyện. Nghiệp đẩy ta đi nhưng nguyện giúp ta chọn nơi tốt nhất để đến.
Vì thế, nếu chúng ta có đạo lý, có trí tuệ thì khi nhìn vào cuộc sống, ta luôn thấy được hai mặt của nó là nghiệp và nguyện. Hai mặt này tuy khác biệt nhau nhưng bổ sung cho nhau, hoàn thiện lẫn nhau. Và chỉ khi nào chúng ta nhìn được cả hai điều này, thì mới có thể vượt lên trên hoàn cảnh mà bình tĩnh hơn trước những biến thiên của cuộc đời, trước niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay khổ đau của cuộc đời.
Trích sách: Tương đồng và dị biệt 03 – TT. Thích Chân Quang
Phản hồi