Phật giáo với lựa chọn nghề nghiệp
Hãy lựa chọn nghề nghiệp bằng cả lòng từ bi và trí tuệ để nghề nghiệp đó sẽ là nơi chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi, chính niệm và tinh tấn trên con đường thực hành và nuôi dưỡng Phật tính của mình.
Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người, không ai có thể sống mà không làm việc. Thông qua công việc, chúng ta không chỉ kiếm đủ tiền cho cuộc sống tốt mà còn học hỏi và tu tập trong công việc hàng ngày.
Trong thực tế, nhiều người chú trọng quá mức vào công việc, dù kiếm được rất nhiều tiền và có cuộc sống dư dả nhưng họ lại không hạnh phúc, mà ngược lại, chịu nhiều đau khổ. Cuộc sống vật chất rất dễ được cải thiện nhưng cuộc sống về tinh thần lại phải chịu nhiều đè nén, căng thẳng.
Khi lựa chọn nghề nghiệp, chúng ta cần xác định rõ mục đích của công việc là xây dựng cuộc sống vật chất nhưng phải không tổn hại đến chúng sinh và cản trở đời sống tinh thần của chúng ta. Chọn được một nghề nghiệp chân chính thì mới có được cuộc sống an lạc, có điều kiện tu tập tinh tấn và tạo điều kiện cho gia đình, con cái có được môi trường sống lành mạnh.
Mới đầu ta thấy, Phật giáo với công việc thì không có chút mối liên quan nào, tuy nhiên khi đi tìm hiểu kỹ, sâu, nương nhờ tuệ giác sáng suốt thì ta có thể thấy, Đức Phật đã dạy ta rất nhiều và đầy đủ về công việc cũng như lựa chọn nghề nghiệp
Khi chọn nghề nghiệp, ta không câu nệ công việc sang hay hèn, là lao động trí óc hay lao động tay chân, đã là lao động thì mọi nghề đều đáng quý và đáng trân trọng như nhau. Tuy nhiên, để công việc không gây hại cho chúng sinh, không cản trở sự phát triển Phật tính của bản thân, sự an lạc trong tâm hồn thì ta cần phải đặc biệt chú ý đến những lời giáo pháp mà đấng giác ngộ đã trao truyền.
Bát chính đạo là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi đau khổ. Trong đó, Đức Phật từng chỉ dạy rằng: “Chính mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chính mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện”. Một cách cụ thể, người tu tập Chính mạng phải cố gắng xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá…) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chính ngữ, Chính nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chính mạng.
Lựa chọn công việc “Chính mạng” không chỉ nhằm bảo vệ cho người khác mà còn bảo vệ cho chính chúng ta. Bởi khi làm tổn hại đến người khác thì không chỉ tự hành động đó đã vi phạm căn bản đạo đức mà còn gây tổn hại cho bản thân người làm công việc này.
Trong cuộc đời có vô vàn công việc khác nhau và không ai có thể phân loại từng công việc một, nhưng chúng ta cần nhớ trong lòng: bất cứ công việc, nghề nghiệp nào cũng có thể được coi là chính mạng nếu nó không đem lại tai hại cho bản thân người làm công việc đó hay gây tai hại cho bất cứ ai khác. Lựa chọn công việc đúng chính mạng không chỉ nhằm bảo vệ cho người khác mà còn bảo vệ cho chính chúng ta.
Những người làm những việc không chính mạng sẽ không thể tu tập, không khơi dậy được Phật tính trong mình, và không được hưởng thụ niềm vui an lạc trong cuộc đời.
Lựa chọn công việc chính mạng thì đã đáp ứng được yêu cầu ban đầu, nhưng chưa đủ. Là một người con Phật, trong mọi hành động của cuộc sống, ta cần phải giữ đúng Ngũ giới. Trong công việc cũng không ngoại lệ.
Ngũ giới bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Dù làm công việc nào thì chúng ta cũng cần phải tuân theo năm giới luật này. Do vậy, Phật tử được khuyến khích không làm những nghề như: nuôi, buôn bán súc sinh; chế tạo, buôn bán súng đạn, bom mìn; sản xuất, buôn bán các loại rượu và các loại ma túy; sản xuất hoặc buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa có nguồn gốc không lương thiện;…
Có nhiều công việc khi mới nghe thì thấy không có gì xấu, mà rất đúng chíunh mạng, không hề vi phạm ngũ giới, nhưng khi thực hiện hàng ngày thì rất dễ phát sinh những điều vi phạm ngũ giới này. Chẳng hạn như: Viên công an làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn an ninh nhân dân là rất tốt nhưng nếu viên công an này nhận hối lộ để tha cho tội phạm thì đã đi vào con đường xấu, đã phạm cả giới trộm cắp và giới nói dối. Một cán bộ tham nhũng thì không thể có chính mạng.
Ngoài việc suy xét công việc, nghề nghiệp có chính mạng không, có vi phạm Ngũ giới mà Đức Phật đã tuyên chỉ hay không thì chúng ta cũng cần dùng kiến thức, trí tuệ của bản thân mình để đánh giá xem công việc này có những tác hại nào tới bản thân mình và ảnh hưởng đến người khác hay không?
Chọn nghề nghiệp hay công việc “sai lầm” không chỉ gây hại cho những chúng sinh liên quan mà sẽ cản trở ta trong quá trình tu tập, tinh tiến về tâm linh, tăng trưởng Phật tính và gây nên những nghiệp báo xấu về sau này.
Khi đã lựa chọn được công việc phù hợp, bản thân hằng ngày, hàng giờ cần phải quán chiếu, không ngừng kiểm soát những hành động, lời nói của mình để không đi lệch hướng.
Trên cơ sở của quy luật Nhân – Quả ta thấy nhân quả chắc chắn sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Gieo nhân lành thì có quả lành, ngược lại cũng thế, không thể oán trách được ai.
Đặc trưng của cuộc sống và công việc ngày nay là sự che đậy, dối trá, không trung thực. Con người vì kiếm tiền, vì lợi nhuận, vì tranh giành thị trường mà làm bậy, làm ẩu. Dù xã hội như vậy nhưng những Phật tử cần luôn giữ mình, không vì lợi nhuận, lợi ích cho bản thân mà nói dối dù là lời nói dối nhỏ nhất.
Đương nhiên ai cũng cần được hưởng thành quả lao động của mình với số tiền kiếm được để sinh sống. Nhưng một người biết làm phúc là người đóng góp nhiều hơn hưởng thụ. Hãy làm việc thế nào mà cho chúng ta cảm thấy sự đóng góp của mình đối với xã hội luôn cao hơn quyền lợi thu về. Được như vậy chúng ta sẽ có phúc về sau. Còn những kẻ chỉ muốn hưởng thụ tối đa với công sức bỏ ra tối thiểu, trước mắt họ có vẻ giàu sang nhưng tương lai họ sẽ làm một người khốn khổ vì thiếu phúc.
Hãy thực hành giữ chánh niệm trong mọi hành động, trong cả công việc. Hãy chú tâm vào việc ta làm, hãy giúp đỡ đồng nghiệp, hãy thực tập đức hạnh từ bi và trong giao tiếp cần phải giữ đúng lời nói trong chánh niệm.
Cuộc sống và công việc là cơ hội cho chúng ta thực tập chánh niệm, thực hành chánh niệm để vượt qua những tình huống xấu trong cuộc sống và công việc, như đồng nghiệp xấu, căn thẳng hay môi trường làm việc không thuận lợi.
Và điều hơn cả, đó là việc trân trọng công việc của mình. Dù có làm nghề nghiệp gì thì cũng ta cũng đang góp phần vào việc xây dựng xã hội chung. Nghề nghiệp nào cũng có vai trò nhất định. Hãy trân trọng công việc của mình. Chúng ta làm việc bởi công việc của chúng ta có ý nghĩa, có đóng góp vào cuộc sống chung.
Cuộc sống luôn phức tạp, nhiều dèm pha…khi chúng ta biết tận dụng Phật tính trong mình, sự từ bi, hiểu biết Phật pháp thì ta có thể suy ra điều gì là đúng, điều gì là không đúng. Chọn nghề nghiệp bằng cả lòng từ bi và trí tuệ để nghề nghiệp đó sẽ là nơi để mỗi chúng ta nuôi dưỡng chính niệm, Phật tính trên con đường tu tập đến độ giải thoát của mình.
Phản hồi