Phật dạy về lòng từ mẫn của hàng đệ tử xuất gia đối với Phật tử

Những vị xuất gia nào thực hiện được năm điều này trong hành xử với người Phật tử, theo Thế Tôn, người ấy đã thực sự từ mẫn, yêu thương, tôn trọng và biết ơn đệ tử, tín đồ, những người đã ủng hộ mình.

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo trú tại chỗ có lòng từ mẫn đối với các gia chủ. Thế nào là năm?

Khích lệ tăng thượng giới; khiến chúng sống theo gương pháp; khi đến thăm người bệnh, an trú niệm cho người bệnh như sau: “Các vị hãy an trú niệm và hướng đến quả A la hán”; khi đại chúng Tỷ kheo đi đến từ nhiều địa phương khác nhau, vị ấy nói với các gia chủ đi đến như sau: “Nay đại chúng Tỷ kheo đã đến từ nhiều địa phương khác nhau. Các vị hãy làm các phước đức. Nay là thời làm các phước đức”; họ có cúng dường các món ăn gì, hoặc thô hoặc tế, tự mình thọ dụng, không làm cho của tín thí rơi rớt.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo trú tại chỗ có lòng từ mẫn đối với các gia chủ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Trú tại chỗ, phần Có lòng từ mẫn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.736)

Theo Dấu Chân Phật Kỳ XIX (12/2/2023), Ảnh: Ngọa Tùng Am.

Theo Dấu Chân Phật Kỳ XIX (12/2/2023), Ảnh: Ngọa Tùng Am.

Lời bàn: 

Quan hệ giữa hàng đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của Thế Tôn luôn gắn bó, thân thiện và hòa hợp như nước với sữa. Chúng xuất gia chuyên tâm tu học để thành tựu giải thoát, giác ngộ nhằm soi sáng, hướng đạo cho chúng tại gia. Và chúng tại gia vừa nương tựa tu tập, vừa hộ pháp đắc lực cho chư Tăng trong sự nghiệp bảo vệ, hoằng dương Chánh pháp. Vì thế, hàng Phật tử có vai trò quan trọng, là đối tượng chính yếu để chư Tăng quan tâm chăm sóc, trưởng dưỡng, dìu dắt tu học và thể hiện lòng biết ơn.

Sự thương tưởng và tri ân hàng Phật tử được chư Tăng thể hiện qua lòng từ mẫn, luôn khuyến khích họ thực hành đạo đức, giữ gìn và phát huy năm nhân cách cao thượng (năm giới) của người Phật tử. Chư Tăng phải thật sự mẫu mực, phạm hạnh để làm gương cho Phật tử noi theo. Mỗi khi gia đình Phật tử hữu sự như có người bệnh hoạn, tai nạn hoặc mất mát thì chư Tăng cần lân mẫn thăm viếng để chia sẻ, động viên và nhất là trợ duyên hộ niệm, giúp họ “an trú niệm và hướng đến quả A la hán”. Khi có chư khách Tăng du hành từ nơi khác đến, chư Tăng địa phương luôn hoan hỷ, kêu gọi các Phật tử hỗ trợ, cúng dường mà không hề móng khởi niệm phân biệt, đây là trụ xứ của chúng tôi, là Phật tử của chúng tôi v.v… Đối với những phẩm vật Phật tử dâng cúng, chư Tăng tùy thuận thọ dụng trong niệm muốn ít, biết đủ và tiết kiệm, không lãng phí dù đó là hạt gạo, cọng rau.

Những vị xuất gia nào thực hiện được năm điều này trong hành xử với người Phật tử, theo Thế Tôn, người ấy đã thực sự từ mẫn, yêu thương, tôn trọng và biết ơn đệ tử, tín đồ, những người đã ủng hộ mình. Và đây chính là một trong những vấn đề mấu chốt nhằm thắt chặt đoàn kết, gắn bó giữa chư Tăng và Phật tử nhằm bảo vệ và phát triển Chánh pháp ngày càng vững mạnh.

Quảng Tánh

Bài viết liên quan

Phản hồi