Phật dạy lấy lòng từ bi để hóa giải tình cảm mù quáng
Khi chúng ta thương người nào là do kiếp trước ta có duyên, có nợ với người đó. Lòng từ bi vượt lên những tình cảm thường tình, ích kỷ. Nếu chúng ta không có lòng từ bi thì phước ta không có, nếu phước ta không có thì ta không khắc phục được thói hư tật xấu hay nghiệp xưa.
Ví dụ như cha mẹ với con cái cũng vậy, cũng do có duyên nợ qua lại mới thành cha mẹ, con cái với nhau. Khi người cha mẹ mắc nợ người con nào nhiều thì sẽ thương người con đó nhiều hơn.
Cái nợ ở đây có nghĩa là ví dụ như đời trước người đó thường hay giúp đỡ mình bởi lòng tốt, lòng ưu ái gì đó thì đời này khi gặp lại người giúp đỡ mình họ thấy bình thản lắm, nhưng riêng mình thì mình lại thấy thương người đó.
Cho nên tình cảm thực sự hư ảo lắm, đó chỉ là một cái trung gian thúc đẩy mình phải trả cái nợ kiếp trước. Chứ tình thương yêu của thế gian không có thật và rất mong manh. Nhưng khi nó xuất hiện thì mình tưởng nó là tất cả, là chắc thật và bền vững.
Trong số đó điển hình như tình yêu nam nữ, đó là tình yêu mãnh liệt nhất và ích kỷ nhất. Chính vì nó mãnh liệt nhất nên người ta tưởng nó hạnh phúc nhất, không biết bao nhiêu văn, thơ, nhạc con người sáng tác ra chỉ để ca ngợi tình yêu đôi lứa. Nhưng đến khi đi qua nó rồi thì người ta mới biết nó là đau khổ nhiều nhất. Vì nó quá ích kỷ, nên con người luôn làm khổ nhau.
Tình cảm thực sự hư ảo lắm, đó chỉ là một cái trung gian thúc đẩy mình phải trả cái nợ kiếp trước.
Tình yêu nam nữ là một loại tình cảm rất ích kỷ, luôn xuất hiện sự ghen tuông. Nếu chỉ là thương mến thì người ta chỉ ganh tị chút đỉnh thôi. Nhưng trong tình yêu có ghen tuông và trong ghen tuông, người ta có thể giết nhau, tạt a-xít, đánh ghen và làm đủ mọi chuyện trên đời.
Tình yêu mạnh chừng nào thì ích kỷ mạnh chừng đó. Và khi ích kỷ mạnh thì người ta ghen tuông, hờn giận, trói buộc, hành hạ lẫn nhau. Đa phần người ta sống trong hôn nhân không hạnh phúc, phần nhiều chỉ là đau khổ. Có người hỏi thật các cụ già, những người đã đi qua đời sống hôn nhân, trong suốt cuộc của mình, các cụ có cảm nghĩ gì về nó?
Thì tất cả đều lắc đầu, ngao ngán, thở dài và không một ai nói là hạnh phúc hết. Cho nên tình yêu là cái gì đó hư ảo, mong manh và không có thật. Giai đoạn đầu khi ở tuổi còn xuân thì do bản năng của tuổi trẻ thì người ta bồng bột, hăm hở, và tưởng rằng đó là hạnh phúc, nên người ta tìm đến nhau, hy vọng cuộc đời ở bên nhau sẽ tràn đầy hạnh phúc, vui vẻ.
Nhưng khi đến với nhau được rồi thì chuỗi ngày còn lại chỉ là sự hành hạ thôi, chỉ là những nổi khổ, những nỗi buồn, những giận hờn, bất mãn. Những quý thầy cô được làm người xuất gia là do có phước thoát được cảnh vợ chồng, con cái. Thoát được cái ngục tù trá hình. Còn người đời họ không có phước nên họ chìm trong đó và không có ngày thoát khỏi, bị ràng buộc trong đó rồi thì sự ích kỷ ngày càng gia tăng, vì tình thương yêu bản chất là ích kỷ.
Trong cuộc đời này người ta chỉ thương những ai đem lại hạnh phúc cho mình.
Mà khi đi trong đó rồi thì mình cứ nuôi dưỡng sự ích kỷ mà không có ngày thoát ra được. Trong cuộc đời này người ta chỉ thương những ai đem lại hạnh phúc cho mình thôi.
Nếu không đem lại hạnh phúc thì người ta không thương yêu. Khi người chồng còn thấy người vợ đem lại hạnh phúc cho mình thì còn thương, nhưng đến một lúc vợ mình già và xấu, thì người chồng lại tìm những cô gái khác. Cho nên ta đừng bao giờ hy vọng vào tình thương yêu thế gian. Lòng từ bi vượt lên những tình cảm thường tình, ích kỷ.
Nếu chúng ta không có lòng từ bi thì phước ta không có, nếu phước ta không có thì ta không khắc phục được thói hư tật xấu hay nghiệp xưa. Ví dụ như quý thầy kiếp này tu, nhưng nhiều kiếp trước không phải kiếp nào cũng tu hoàn toàn, cũng có những kiếp sống đời cư sĩ có vợ chồng. Do duyên nghiệp xưa mà người vợ tiền kiếp trở lại tìm gặp. Do nghiệp xưa thúc đẩy nên tình yêu rất dễ khởi lên.
Nếu mình có phước thì mình sẽ thắng được, độ họ rồi mình thoát. Nhưng nếu mình không đủ phước thì mình sẽ bị nghiệp xưa lôi cuốn. Phước này là do lễ Phật và tu tập lòng từ bi. Lòng từ bi thương yêu mọi người sẽ phá được những ích kỷ, phiền não, làm cho tâm mình yên vui.
Khi không có lòng từ bi thì tâm luyến ái sẽ chiếm chỗ. Sau này mình sẽ không kháng cự lại được nghiệp cũ. Do vậy, để thoát khỏi tâm luyến ái thì chúng ta cần phải khởi được lòng từ bi yêu thương tất cả chúng sinh và lễ Phật mỗi ngày.
Phản hồi