Pháp thoại “Soi Sáng Thực Tại”

Sáng 30.4.2023 (nhân 11.3.Quý Mão), trong khuôn khổ khoá tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 69, sau thời khoá ngồi thiền và kinh hành nơi Vườn Phật, Ni sư Thích Nữ Liễu Pháp đã có thời pháp thoại với chủ đề “Soi sáng thực tại”.

Ni sư giải thích, thực tại là chân như, là bản thể của tất cả vạn vật. Ngay chính nơi ta sống mà tâm an, vắng lặng, không còn khởi tâm sân, không còn tham ái thì nơi đó chính là thực tại, là Niết Bàn mà không cần phải đi tìm ở đâu xa.

Đức Phật đã từng nói rằng những điều Ngài biết nhiều như lá trong rừng, còn những điều Ngài thuyết giảng chỉ như nắm lá trong tay. Ngài chỉ nói những điều mang lại lợi lạc, giải thoát cho chúng sanh. Tu tập cốt yếu chính là từ bỏ việc ác mà làm các điều lành.

Người đời thường có câu “Tâm viên ý mã”. Tâm viên là vượn tâm, là tâm loạn động như vượn khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyển hết từ cành cây này sang cành cây khác, lại hay phá phách. Ý mã ý nói đến nhận thức, thái độ của con người luôn thay đổi ví như hình tượng ngựa chạy với bản chất luôn dời đổi, khó lường. Tâm người ta cũng thế, không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Tâm này sẽ đưa con người đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não. Vì vậy, là người tu phải thực tập chánh niệm, luôn thắp sáng ngọn đèn chánh niệm trong tâm để có thể thấy rõ được thực tại. Ni sư dạy, trong giao tiếp, sống có chánh niệm là phải: nói đúng sự thật, nói có lợi ích, nói hợp thời và khiến người nghe hoan hỷ.

Chúng ta không có quyền kiểm soát những yếu tố khách quan bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi cá nhân nhưng nội tâm bên trong thì mỗi người có thể tự làm chủ được mình. Người biết tu tập sẽ an lạc, còn người không biết tu sẽ sống trong dằn vặt, đau khổ.
Khi có được trí tuệ, có được sự tỉnh thức thì sẽ nhận chân ra vấn đề rằng không có cái gì là ta, là của ta. Không ai có thể tự quyết định cuộc đời người khác, mỗi chúng sanh chỉ là một chuỗi tiến trình sinh diệt liên tục không gián đoạn, có duyên sẽ tương hợp, hết duyên tự khắc phân ly.

Thân người là tập hợp của ngũ uẩn, không có bất kì bản ngã nào. Chết chỉ là chấm dứt tiến trình này và bắt đầu một tiến trình khác ở một hình hài khác. Thân là do tứ đại hợp thành, do nhân duyên tương hợp. Vì thế Ni sư khuyến tấn hành giả sống chánh niệm chính là cốt lõi của sự tu tập, kiểm soát thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, thu thúc lục căn, khi ái khởi lên thì phải nhận biết và không được bám víu, khi đó Niết Bàn hiển hiện trong thực tại.

 

Ngọc Ánh

Bài viết liên quan

Phản hồi