Oán đối vốn không
PGĐS – Một thiền sư dạy thị giả như sau:
1. Nếu như có ai đó rắp tâm hại con, điều đáng hổ thẹn nhất là con chưa thể tha thứ cho họ.
2. Nuôi cái giận trong lòng , tìm mọi cách trả thù mà mong muốn họ đau khổ, chẳng khác nào con tự uống thuốc độc mà mong muốn người khác chết.
3. Đừng biến nội kết nơi con trở thành tư thù của đệ tử mình. Như thế con đã dạy đạo một cách sai lầm vì thiếu hẳn lòng từ bi và buông xả.
4. Nên cám ơn những người gây nghịch cảnh cho con. Vì họ là những bậc thầy vô điều kiện, đến lấy đi nghiệp chướng trong con. Không có họ, con không thể nào thành Phật.
5. Đã phát nguyện thành Phật, thì con không có quyền ghét bỏ một chúng sanh nào. Nhất là những Bồ Tát nghịch hạnh đến độ con, vì con mà họ chịu thọ báo nơi địa ngục.
6. Nếu có ai mắng chửi, đánh đập, hạ nhục hay gây oan trái cho con, thì con hãy ngày đêm đảnh lễ họ, cho đến khi con buông xả được. Hãy xem đó như nghiệp báo mình phải trả và tha thứ cho họ.
7. Khoan dung được người khác là khoan dung cho chính mình. Đừng đem lỗi lầm người khác ra soi mói, dù là lầm lỗi với con. Hãy cho họ cơ hội để sửa đổi và dè dặt với chính mình trong tương lai. Vì chắc chắn con không thể trong sạch hoàn toàn.
8. Với những người ác kiến, tà thuyết và phi phạm hạnh trong Tăng Đoàn. Con nên dùng lòng từ bi và nhẫn nhục đối đãi với họ. Thà kính nhi viễn chi, chứ đừng gây cảnh nồi da xáo thịt.
9. Nếu vì thương xót Phật tử, tín đồ, con hãy y pháp, y luật, tỏ bày chánh kiến nói đúng chánh pháp. Không cần thiết phải nói pháp sư này sai, pháp sư kia đúng. Gây ra cảnh “Phá hòa hợp Tăng”, khiến cho ngoại đạo “ tị thế cơ hiềm”. Bóng tối ngàn năm sẽ bị ẩn mất chỉ nhờ thắp một ngọn đèn.
10. Mục đích của người tu là buông xả ngã và ngã sở. Bất kỳ hoàn cảnh nào đừng để nó trở thành sợi dây oan nghiệt trói buộc chân con, lòng Từ Bi là Giải thoát, đó chính là biểu hiện tuyệt đối của Tánh Không. Hãy xả bỏ oán thù đừng để lâm vào cảnh “oan oan tương báo” trong vô lượng kiếp sau.
Phật dạy: “Tăng hận bất cách túc”, nên con phải tập thương lấy những người khó thương, bao dung được những người phụ bạc mình, cứu giúp những kẻ từng hãm hại con. Hãy xem việc nâng đỡ người khác vươn tới thành công là trách nhiệm con phải làm. Đừng bận tâm vào sự bạc bẽo của thế gian. Nếu con sống được như thế, thì “Vô Ngã là Niết Bàn”. Chớ để một chút giận, một chút hờn mà trôi lăn trong sanh tử.
Dạy xong, sư nói kệ:
“ Ta vốn không đến, ai hại được?
Người hại cũng không, chi oán thù?
Mặc người phỉ nhổ, sanh hoan hỷ.
Ma ha bát nhã tát bà ha.”
Lý Diện Bích
Phản hồi