Nỗi niềm yêu thương
Ly cafe nóng nhỏ từng giọt tí tách tí tách, nghe như tiếng nhạc thổn thức giữa bốn bề vắng lặng, Sài Gòn trong nỗi nhớ và niềm đau.
Nhớ lại thời gian hơn mười năm về trước, từ Miền Trung xa xôi tôi vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, chiếc áo muôn màu tươi thắm của hòn ngọc Viễn Đông tung tăng với khúc nhạc; “ đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, Thành phố xa hoa suốt từ bao thế kỷ qua”. Một Thành phố với bao niềm mơ ước, một Thành phố thắm đượm những bản tình ca du dương, một Thành phố xa hoa tráng lệ kết nối tình người trên khắp muôn phương.
Những ngôi chùa cổ kính nằm giữa lòng Sài Thành với dáng vóc uy nghi vững chãi, nhưng mang dáng vẻ dịu dàng như ôm ấp tình người xa xứ. Tiếng chuông chùa nhè nhẹ ngân vang đã thức tỉnh những bước chân lạc lối sớm quay về.
Ngày đó, Sài Gòn muôn màu muôn vẻ, lung linh huyền ảo trông rất đẹp và mộng mơ, cứ ngỡ rằng Sài Gòn sẽ không bao giờ có thời gian được nghỉ. Thế mà; đột nhiên Sài Gòn ngã bệnh, Sài Gòn lặng im và Sài Gòn đã được nghỉ ngơi trong thời gian khá dài.
Đường Sài Gòn phân làn xe, phân giờ, để người tham gia giao thông, bây giờ thì con đường ấy lại nằm im vắng lặng , chỉ có những hàng cây lặng lẽ với tiếng gió vi vu, như đang ru lòng người, không còn sự náo nhiệt, không còn những tuyến đường bị kẹt xe nữa.
Tiếng nhạc reo vang trong các quán cafe xen lẫn với ánh đèn màu lấp lánh, giờ đã thay vào đó là tiếng còi xe cứu thương với ánh đèn nhấp nháy hú vang khắp các ngã đường, một chiếc, hai chiếc, ba chiếc….Sài Gòn đang chìm vào nỗi đau . Thường ngày thì gặp nhau, chia sẻ cùng nhau niềm vui nỗi buồn, còn bây giờ…! Nhà nhà cửa đóng then cài, thỉnh thoảng nghe nhà bên có những tiếng nấc lên vì phải xa người thân mà không lời từ biệt, dù ở sát vách nhau nhưng đành nuốt lệ ngậm ngùi chứ không ai an ủi chia sẻ với ai được.
Sài Gòn nằm im trong vô vọng, miền Trung ,miền Bắc giang tay che chở. Những bó rau, những quả cà, những nhu yếu phẩm có được từ những vùng miền khác gửi về. Người dân của Sài Gòn khó khăn bao nhiêu thì những người công nhân lao động sống ở những khu nhà trọ ở Sài Gòn càng khó bấy nhiêu, với những mơ ước ; về Sài Gòn để được đổi đời, nhưng than ôi!!! Còn nỗi cay đắng nào bằng khi đại dịch Covid hoành hành khắp nơi. Cha mất con, vợ mất chồng, anh, em, cha, me, bạn bè giờ đây không ai còn buồn quan tâm đến ai nữa, trong lòng mỗi người đều một nỗi lo chung là…mình có bao giờ bị F0 không??? Nhìn nhà bên cạnh thấy thương quá và mong thôi điều ấy đừng đến với gia đình mình… ,nhưng nỗi lo ấy đâu có ngăn được bước chân của Covid.
Những chiếc áo Cà-sa nay đã chuyền thành áo blu trắng, rất mạnh mẽ và rất nhân từ để bước vào tuyến đầu chống dịch, rồi cũng những chiếc áo Cà-sa làm hậu phương cho tuyền tuyến, cùng với chính quyền địa phương kêu gọi khắp nơi chia sẻ về Sài Gòn. Khi đất nước bình yên thì người Tu sĩ Phật giáo ở Chùa “tay chuông tay mõ” sớm hôm kinh kệ, nay đại dịch hoành hành thì đổi thành “tay kim tay thuốc”. Đấy là chưa nói đến việc giải cứu nông sản cho các vùng như : các tỉnh miền Tây, tây Nguyên.v.v… những hộp cơm nghĩa tình từ những ngôi chùa trao đi. Những chiếc áo Cà-sa ấy, họ không phải là thần tiên biến hóa, họ cũng là con người bằng xương bằng thịt, họ vẫn có thể bị nhiễm Covid bất cứ lúc nào. Nhưng cao quý thay; họ hy sinh không ngại khổ ngại khó , họ chỉ ngại rằng .. không thể cứu được bệnh nhân mà thôi. Có những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dich bị cha mẹ mất, anh chị em và người thân ra đi mãi mãi, nhưng họ không thể về được để thắp nén nhang tiễn biệt. Họ gạt nỗi đau mất người thân, để lo việc chung cho dân tộc
Hôm nay; đường phố đã trở lại như xưa, cuộc sống người Sài Gòn trở lại như xưa , nhưng lòng người vẫn còn trong e dè khi tiếp xúc với nhau. Thật là!!! một thời đại mở cửa công nghệ nhưng lại khép cửa lòng dù trong thâm tâm không ai muốn có những cách ngăn.
Ngồi nơi đây; chỉ có một mình với ly café và chìm trong hoài niệm, ước mong rằng: Sài Gòn sẽ sẽ sớm hửng sáng ánh bình minh, cho cuộc sống không còn tẻ nhạt đau buồn nữa.
TN. Huệ Định
Phản hồi