Những thí nghiệm khoa học càng khẳng định hiệu quả của Thiền học Phật giáo
PGĐS – Tiến sĩ Dylan DeLosAngeles nói: “Thay vì gia tăng sự hôn trầm, hành giả trở nên nhanh nhẹn và tỉnh táo hơn. Điều này ủng hộ ý kiến cho rằng Thiền có thể giúp chúng ta tăng trưởng sự tập trung trong cuộc sống hàng ngày”.
Những thử nghiệm gần đây do các nhà nghiên cứu ở Adelaide, Australia cho thấy rằng khi người ta nhập vào cảnh giới thiền định thì não bộ của họ có nhịp điệu vận chuyển theo hướng tập trung đến tiêu điểm mạnh hơn.
Điều này giúp cho niềm tin đã tồn tại lâu đời rằng việc thực tập Thiền có thể làm tăng trưởng mức độ tập trung và sự nhạy bén trong những hoạt động hàng ngày. Các khoa học gia về thần kinh tại Trung tâm Y học Flinders đã hoàn tất bài chứng minh khoa học đầu tiên về những thay đổi của não bộ trong các trạng thái thiền định. Họ đã đo hoạt động của điện cực trong não bộ của một nhóm người, từ những hoạt động đơn giản nhất như nhắm mắt “buông thư” cho đến trải qua 5 giai đoạn của Thiền như được giải thích trong giáo lý Phật giáo.
Sự kiểm chứng này bằng máy ghi điện não (EEG) dựa trên những điện cực được đặt trên da đầu. Kết quả, được báo cáo tại hội nghị về khoa học thần kinh thế giới ở Melbourne, cho thấy những thay đổi rõ ràng về hoạt động của não bộ khi hành giả đi sâu hơn vào những giai đoạn của thiền định.
Sóng não đồ alpha, loại sóng có liên quan đến sự tập trung và chú ý được tăng lên, và sóng não đồ delta, loại sóng có liên quan với hôn trầm lại giảm xuống. Khi hành giả nhập vào thiền định sâu hơn thì sóng não đồ alpha cũng bắt đầu giảm xuống, vì não bộ không còn cần ráng sức để chú tâm nữa.
Tiến sĩ Dylan DeLosAngeles nói: “Thay vì gia tăng sự hôn trầm, hành giả trở nên nhanh nhẹn và tỉnh táo hơn. Điều này ủng hộ ý kiến cho rằng Thiền có thể giúp chúng ta tăng trưởng sự tập trung trong cuộc sống hàng ngày”.
Những kết quả của nghiên cứu trước đây đã được báo cáo một cách tổng hợp về hoạt động của não bộ. Thiền đã được phát triển hơn 2.500 năm qua như là phương pháp để khai mở sự tỉnh thức, là một nguyên lý để giúp con người đạt đến trạng thái hữu hiệu của tâm. Ông De Los Angeles nói: “Thiền rất khác với việc nhắm mắt và thư giãn. Trong giáo lý truyền thống của đạo Phật, việc thực tập Thiền đòi hỏi phải có “đề mục” để giúp hành giả tập trung vào một “mục tiêu” hay một hành động đơn giản như quán niệm về hơi thở”.
Kết quả nghiên cứu này cũng được trình bày tại Hội nghị Thế giới thường niên của Tổ chức Nghiên cứu Não bộ.
Nguồn: phatgiao.org.vn
Phản hồi