Những ai đang đau đớn vì mất người thân hãy lắng nghe lời Phật dạy
Đức Phật giúp chúng ta hiểu rằng cuộc sống này luôn có những điều không được như ý và ta phải chấp nhận, phải tiếp tục sống, không để những mất mát khiến ta tự hủy hoại đi cuộc sống của chính mình.
Đức Phật giúp bà mẹ vượt qua nỗi đau mất con
Tài liệu ghi chép lại, một lần khi Đức Phật đi giảng pháp, ngài gặp một bà mẹ ôm đứa con thơ vừa mất. Người mẹ này cầu xin ngài làm phép để con mình sống lại.
Người phụ nữ nói với Đức Phật: Con của con đã chết, con làm sao bây giờ, ngài hãy giúp con. Hãy cứu nó sống dậy. Ngài là chúa tể của sự sống chết, đã vượt qua sự sống chết. Hãy cứu chúng con. Nó là niềm vui của gia đình. Từ nhiều năm nay, chúng con không mong gì hơn là được đứa con. Bây giờ nó chết vì một thứ bệnh hiểm nghèo. Hãy mang ánh sáng lại trong mắt của nó. Hãy công bằng. Đứa con nhỏ tuổi này chết đi quá sớm.
Đức Phật ôn tồn nói với người mẹ: Hãy nghe ta, ngươi hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hạt cải về đây và để xem ta có thể làm gì được không.
Người mẹ nghe Đức Phật chỉ cách như vậy, với niềm tin và lòng thương con vô hạn, cả ngày bà đi gõ cửa từng nhà để hỏi xin hạt cải, không quên hỏi xem nhà họ có ai qua đời không. Có người vì quá cảm động về tình mẫu tử này đã cho vài hạt cải với lời đề nghị giấu chuyện trong nhà có người chết.
Khi trời đã nhá nhem tối mà không tìm được nhà nào như lời Đức Phật nói, bà mới nhận ra rằng, chẳng có hạt cải nào được cất trong ngôi nhà chưa có ai chết. Sự thật là ai cũng như bà, từng chịu cảnh đau đớn vì người thân qua đời. Chính vì thế, bà chấp nhận sự thật là mình đã mất đi đứa con, không còn cách gì cứu nổi.
Thông qua việc làm đơn giản, Đức Phật giúp người phụ nữ thoát khỏi nỗi đau mất con, khiến bà hiểu rằng cuộc sống này luôn có những điều không được như ý và chúng ta phải chấp nhận, phải tiếp tục sống, không vì những mất mát mà ta tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Lời Phật dạy giúp giảm đi nỗi đau mất mát
Từ câu chuyện Đức Phật giúp người phụ nữ vượt qua nỗi đau mất con thông qua tìm hạt cải trong nhà của những ai chưa từng có người thân qua đời, chúng ta hiểu rằng, hãy cố gắng chấp nhận và vượt qua nỗi đau, và chính bản thân phải tự mình làm được điều đó.
Đời là vô thường
Quy luật vô thường là một trong những quy luật chi phối cuộc sống của con người. Lời Phật dạy về vô thường đã chỉ cho chúng ta thấy rõ bản chất của sự vật không hề như cách chúng ta biết. Mọi thứ đều liên tục thay đổi và trạng thái hình dáng ban đầu sẽ liên tục biến đổi.
Đức Phật đã nói:
“Cái gì được sinh ra, cái đó sẽ hoại diệt
Cái gì được tụ lại, cái đó sẽ tan rã
Cái gì được tích lũy, cái đó sẽ cạn kiệt
Cái gì được xây dựng, cái đó sẽ sụp đổ.
Cái gì được đưa lên, cái đó sẽ sụp xuống”.
Sự hiện hữu của chúng ta thoáng qua như những đám mây mùa thu. Quán chiếu sự sinh và chết của chúng ta giống như sự chuyển động của một điệu nhảy. Đời giống như tia chớp trên trời, vừa sáng liền tắt, giống như thác nước đổ nhanh xuống triền dốc núi.
Con người có thể hôm nay đau đớn dường như chỉ muốn chết nhưng qua thời gian nỗi đau sẽ nguôi ngoai phần nào, để rồi cuối cùng chỉ là kỷ niệm buồn đã qua.
Chúng ta đừng vì thực tế hiện tại quá đau buồn mà không thấy được tính vô thường của sự vật, để rồi bám chấp, tự gây phiền não sầu khổ cho bản thân.
Con người không tránh được cái chết
Chúng ta thường tập luyện thể thao, duy trì vóc dáng khỏe đẹp, ăn uống điều độ với mong muốn bản thân luôn khỏe mạnh. Thế nhưng, con người dù có thân thể cường tráng đi chăng nữa thì rồi cũng sẽ có ngày ta phải từ biệt cuộc sống.
Dù con người sống thọ nhưng cũng không thể nào trường sinh bất lão, vẫn phải đối diện với cái chết.
Con người có thể sợ rằng việc chấp nhận và nghĩ về cái chết sẽ khiến họ trở nên khốn khổ, hoặc làm hỏng sự ham muốn của họ về những thú vui của cuộc đời. Tuy nhiên, từ chối cái chết sẽ làm cho chúng ta căng thẳng; chấp nhận nó lại mang đến sự an bình trong tâm.
Điều này còn giúp chúng ta ý thức được những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Chẳng hạn, lòng tốt, yêu thương, trung thực và vị tha để chúng ta sẽ đưa năng lượng tích cực vào những điều đó và tránh làm những gì sẽ khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi và hối tiếc khi đối mặt với cái chết.
Của cải khi chết không mang theo được
Trong Tương Ưng Bộ Kinh có ghi lời Phật dạy: “Tất cả lúa, đậu, tài sản, vàng bạc châu báu, tiền của, mọi vật sở hửu đều để lại hết khi người chủ của các thứ ấy chết đi. Người đó không mang theo được bất cứ thứ gì dù lúc còn sống người ấy ôm giữ từng giờ từng phút. Chỉ có cái đi theo người ấy lúc chết, đó là Thân, Khẩu, Ý và những gì người ấy đã làm lúc sống. Tất cả những thứ ấy đi theo để tạo Nghiệp báo cho đời sau mà thôi. Biết được vậy thì khi sống ta phải tạo việc lành, phải biết bố thí giúp người…”.
Lòng tham khiến con người lúc nào cũng nghĩ đến tiền, cố gắng vơ vét của cải về mình. Họ không biết rằng khi chết đi rồi cũng chẳng mang theo được. Người giàu hay kẻ nghèo, lúc lâm chung thì cũng trắng tay như nhau mà thôi. Thậm chí, có người chiếm tài sản không phải của mình, để rồi phải chịu quả báo khuynh gia bại sản. Việc làm đó, vừa gieo rắc thêm tội lỗi cho mình, cuối cùng sau này chết đi cũng chẳng được gì.
Khi còn sống trên cõi đời này, chúng ta hãy thực hành bố thí, làm việc thiện giúp đỡ người khác, thứ mà chúng ta có được còn quý giá hơn tiền bạc, của cải.
Vạn sự tùy duyên
Nhân sinh có hợp ắt sẽ có tan, dù con người cố gắng nắm giữ cũng không được. Những người thân quanh ta, cha mẹ, vợ chồng, bạn bè thân hữu, hợp rồi lại tan. Chỉ khi chúng ta thôi đau khổ, chấp nhận sự ly biệt, suy nghĩ lạc quan thì cuộc sống mới nhẹ nhàng, an nhiên.
Mọi sự trên đời hãy học hai chữ “tùy duyên”, duyên đến duyên đi hãy thuận theo tự nhiên mà đối đãi, duyên đến thì đón mà duyên đi thì cũng nhẹ nhàng tiễn đi.
Phản hồi