Nhờ thọ dụng và kham nhẫn mà đoạn trừ phiền não
Trong kinh văn, Đức Phật nói đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Đoạn trích này chúng ta chỉ đề cập đến pháp “4. Có lậu được đoạn do dụng” và “5. Có lậu được đoạn do nhẫn”.
Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu… Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? 1. Có lậu được đoạn do kiến, 2. Có lậu được đoạn do hộ, 3. Có lậu được đoạn do ly, 4. Có lậu được đoạn do dụng, 5. Có lậu được đoạn do nhẫn, 6. Có lậu được đoạn do trừ, 7. Có lậu được đoạn do tư duy.
4. Có lậu được đoạn trừ do dụng là gì? Tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, chẳng phải để cầu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để trang sức, chẳng phải để mập béo mà vì để làm thân thể ở đời lâu dài, trừ phiền não, ưu buồn, vì để thực hành phạm hạnh, vì muốn để bệnh cũ tiêu trừ đừng sanh bệnh mới, và vì để sống lâu, an ổn, không bệnh hoạn. Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì để lúc mệt mỏi có nơi an nghỉ, để được tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để mưu lợi, không phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo, mà chỉ để trừ bệnh hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, sầu lo, còn thọ dụng thì không sanh phiền não sầu lo. Đó là hữu lậu được đoạn trừ do dụng.
5. Có lậu được đoạn trừ do nhẫn là gì? Tỳ-kheo tinh tấn đoạn trừ ác, bất thiện, tu tập thiện pháp, nên luôn luôn có ý tưởng trỗi dậy, chuyên tâm tinh tấn; thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy, thà để khô kiệt tất cả chớ không bỏ tinh tấn. Phải đạt được mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Tỳ-kheo lại phải chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn chịu thì sanh phiền não, ưu buồn, còn nhẫn chịu được thì không sanh phiền não ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do nhẫn”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Lậu tận, số 10 [trích])
Trong kinh văn, Đức Phật nói đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Đoạn trích này chúng ta chỉ đề cập đến pháp “4. Có lậu được đoạn do dụng” và “5. Có lậu được đoạn do nhẫn”.
Dụng ở đây là thọ dụng, bao gồm ăn uống, y phục, phòng xá, thuốc men để cho thân thể được khỏe mạnh. Dù hạnh nguyện của người tu là buông xả nhưng khi còn mang thân này thì tất yếu cần sự thọ dụng những nhu cầu tối thiểu để có sức khỏe, thân tâm quân bình điều hòa mới có thể tiến tu. Nếu thiếu những vật phẩm thiết yếu này thì sẽ sinh phiền não, sầu lo, bệnh tật và không thể tu được nên cần thọ dụng.
Nhẫn là kham nhẫn, chịu đựng. Thân thể vốn quen được cung phụng, nuông chiều theo dục vọng. Nên khi khép mình vào giới luật thì cơ thể có khuynh hướng phản kháng, bứt phá để được tự do theo bản năng nên cần phải kham nhẫn. Mặt khác, phải kham nhẫn với thời tiết nóng lạnh, sự quấy nhiễu của côn trùng, sự thương ghét của những người xung quanh. Kể cả những lúc bệnh tật ốm đau cùng tất cả những chuyện không vừa ý đều phải kham nhẫn. Chính nhờ sự cố gắng kham nhẫn mà phiền não, lậu hoặc được tiêu trừ.
Mới hay, để điều phục thân tâm rất cần sự uyển chuyển, linh động, sử dụng nhiều phương cách phù hợp với thực tiễn của thân tâm. Khi cần thọ dụng hãy thọ dụng, khi cần kham nhẫn thì kham nhẫn để đoạn trừ phiền não.
Phản hồi