NHỚ PHẬT
Chỉ một lần lòng hướng về Phật, chỉ một lần cầu đạo giải thoát thì có trôi dạt về đâu đi nữa chúng ta cũng có cách trở về thôi. Có được hạt giống bồ đề, có được chủng tử giác ngộ thì không sớm thì muộn chúng ta cũng có cách. Trong chú giải của bộ Apadāna tập một, nói rằng nếu một người không có tâm nguyện gì đặc biệt thí dụ không nguyện thành Phật Chánh Đẳng Giác, Độc Giác hay Thanh văn giác, nếu người như vậy mà có lòng cầu đạo giải thoát thì những công đức họ làm được xem là Ba-la-mật. Nếu một thời gian quá dài, quá lâu mà không vị Chánh Đẳng Giác nào ra đời, với một người có lòng cầu đạo giải thoát tha thiết cộng với sự tu thiện không ngừng thì tự nhiên chuyển thành Độc Giác.
Niềm tin của mình đối với Đức Thế Tôn sẽ dẫn đến công đức rất lớn, tuy nhiên niềm tin đó phải tùy thuộc vào sự hiểu biết của mình về Ngài. Muốn hiểu được ân đức của Phật trước hết phải học giáo lý để nhận thức của mình về Đức Phật càng sâu càng rộng.
Tôi có những lời nguyện như: “Con nguyện từ nay cho đến ngày con được vô sanh bất diệt, bao nhiêu công đức đã làm chuyển hết vào tài khoản giác ngộ. Xin tất cả những công đức đó hãy biến thành nguồn lực để mai này con đủ điều kiện tâm lý diệt trừ phiền não trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Mỗi lần tôi cắt hoa hồng vô tôi cúng cho Ngài tôi chỉ niệm một điều thôi: “Ngài xứng đáng nhận những hoa này, đời Ngài là hoa, con xin cúng hoa cho Ngài”. Khi tôi thắp hương đối trầm cho Ngài tôi cũng chỉ niệm: “Xin cho con được giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương như của ngài”, hoặc những khi lạy Phật tôi chỉ niệm có một câu thôi: “Ngài là người đã làm chuyện khó làm, đã nhịn chuyện khó nhịn, đã cho cái khó cho, nên Ngài đã thành tựu cái khó thành tựu”, chỉ vậy thôi. Chứ còn tôi sợ nghe niệm Phật mà cứ đọc ê a như con két mà không biết những gì mình đọc như Điều Ngự Trượng Phu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Minh Hạnh Túc là cái gì. Đối với tôi mà nói, niệm Phật mà không có cái lòng dính vào đó giống như niệm nam mô Lê Văn Hai, nam mô Nguyễn Văn Tèo vậy đó, không có ý nghĩa gì hết, niệm một nơi mà làm một nẻo. Niệm Phật phải hiểu được ý nghĩa; nên tôi nhắc ở đây chuyện rất quan trọng, phước báu của mình khi mình lạy Phật, lễ Phật, cúng Phật công đức sẽ nhiều ít tùy thuộc vào khả năng hiểu biết về Ngài.
Nếu một người tin Phật, tu Phật thì trong từng ngày, từng giờ phải để ý xem con đường mình đang đi, kiểu sống mình đang sống, thế giới mình đang có mặt nó ra làm sao. Đừng tưởng rằng mình đang ở dưới mái che có vách có cột có sàn có trần là đang ở trong nhà. Nếu ta đang sống bằng tâm bất thiện thì đó là chuồng cũi lồng chậu của bàng sanh. Nếu ta đang sống bằng bốn pháp cộng trú thì đó là Phạm cung và cảnh giới của Phạm thiên. Nếu ta đang sống trong trí tuệ trong tam tướng danh sắc, thì đó chính là trụ xứ của thánh nhân.
Có nhiều cách nhớ Phật: nhớ Phật đại bi không muốn ai bị khổ như vậy; Phật đã dạy dỗ chúng sanh về chánh pháp để chúng sanh tu hành giải thoát và không bị cảnh này. Như bà Suppavasa, trong lúc sanh khó đã niệm tưởng thế này: “Thế Tôn là vị đã tu hành tới nơi tới chốn, chấm dứt nỗi đau mình đang chịu, kiếp cuối cùng Ngài không còn sinh tử để chịu cảnh như mình; Thế Tôn là vị đã thuyết giảng chánh pháp có nội dung hướng dẫn người ta đạt đến giải thoát không bị nỗi đau như mình đang chịu; chư tăng và đệ tử Thế Tôn đang trên đường tu tập để chấm dứt nỗi đau này”. Phải như vậy mới là niệm chớ không phải niệm Buddho Buddho Arahaṃ Arahaṃ như con két. Phải niệm là Thế Tôn không còn nỗi đau này và Ngài đã dạy dỗ chúng sinh thoát khỏi nỗi đau khổ sợ hãi này; chánh pháp của Đức Thế Tôn thuyết giảng là chấm dứt nỗi khổ này.
Niệm là phải thường xuyên tâm niệm rằng cái gì có sẽ phải mất; niềm vui nỗi buồn và kể cả sự sợ hãi, có rồi sẽ mất; trên đời này không gì đáng sợ bằng chuyện sa đọa, không gì đáng sợ cho bằng cái chết, ngoài ra thì là chuyện nhỏ. Một người sợ sanh tử thì hình ảnh Đức Phật là hình ảnh tuyệt vời nhất, là sự an toàn, an lạc. Một người có niềm tin nơi đạo thì ngoại trừ những phút dễ duôi riêng mình ra thì không có hình ảnh nào an toàn bằng hình ảnh Đức Phật.
Sư Giác Nguyên
Nguồn: Những bài giảng của sư Toại Khanh
Phản hồi