Nhẫn nhịn để thấu tỏ khác với nhẫn nhịn đè nén cơn sân hận
Người có thể nhẫn nhịn thường rất trầm tĩnh và tự tin, vì vậy người ấy có đủ sáng suốt để tránh được những cách xử sự nóng nảy hấp tấp và biết sống sao cho hài hoà với mọi người, dù xấu hay tốt một cách hợp tình hợp lý, không độc tài cũng không xu nịnh.
Hỏi:
Thưa Thầy… Con có trải nghiệm là càng nhẫn nhịn con càng dễ dàng cho kẻ xấu thực hiện mưu đồ đen tối. Dường như sự nhẫn nhịn luôn bị kẻ xấu lợi dụng, vậy có nên nhẫn nhịn mãi không?
Đáp:
Thế thì xem ra con chưa đủ nhẫn nại hoặc còn có điều sai lầm trong đó, bởi vì mặc dù con nói đã nhẫn nại nhưng rõ ràng là con vừa mới tỏ ra còn ít nhiều ấm ức bất mãn, phải không?
Nhẫn nhịn không có nghĩa là nuốt hận chịu thua để cầu an hoặc để phục hận về sau.
Người có thể nhẫn nhịn thường rất trầm tĩnh và tự tin, vì vậy người ấy có đủ sáng suốt để tránh được những cách xử sự nóng nảy hấp tấp và biết sống sao cho hài hoà với mọi người, dù xấu hay tốt một cách hợp tình hợp lý, không độc tài cũng không xu nịnh.
Nhẫn nại là mảnh đất vững chắc thích hợp để nảy nở tình thương yêu thông cảm và sự hiểu biết đúng đắn, nhờ đó con có thể cảm hoá người xấu thay vì tranh chấp với họ.
Chúng ta cần phải thận trọng trong việc đánh giá người tốt kẻ xấu, chẳng hạn như người đối nghịch với mình chưa hẳn là xấu, kẻ ủng hộ mình chưa hẳn là tốt.
Xấu hay tốt tuỳ thuộc vào bản chất đạo đức của mỗi người. Nói chung, kẻ xấu thường hành động, nói năng, suy nghĩ hại mình, hại người.
Ngược lại, người tốt không những không làm hại ai mà còn đem lại lợi ích cho mọi người. Thực ra, người xấu thật bất hạnh, cần được thương yêu tha thứ, vì dù thế nào đi nữa, họ sẽ chịu nhiều khổ đau khi phải trả giá cho tâm địa xấu xa tội lỗi của mình.
Dù khi nhẫn nại, nếu cần, con có thể nghiêm khắc để họ khỏi quấy phá, nhưng con phải chắc rằng đó không phải là phản ứng phát xuất từ giận dữ, thù ghét, mà con chỉ muốn giúp họ trở nên tốt hơn hoặc ngăn chặn sự thiệt hại cho nhiều người khác mà thôi.
Con không nên trừng trị kẻ ác một cách chủ quan theo kiểu “Thay Trời hành đạo” mà cứ để “ác hữu ác báo” theo luật nhân quả tự nhiên…
Hòa thượng Viên Minh
Phản hồi