Nghi thức tắm Phật trong lễ Phật Đản bắt nguồn từ đâu?
Nghi thức tắm Phật trong lễ Phật Đản bắt nguồn từ đâu? Lễ tắm Phật là nghi thức truyền thống trong ngày lễ Phật đản (mùng 08 tháng 4 âm lịch). Lễ tắm Phật bắt nguồn từ câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh.
Nghi thức tắm tượng Phật xuất hiện lâu đời tại Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Trung Á, đến nay được thực hiện trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo trên thế giới để thể hiện sự hân hoan của Phật tử đối với sự xuất hiện đấng Giác ngộ vào năm 624 trước Công nguyên.
Trong nghi thức này, sau khi đạo tràng tụng kinh, mọi người cùng tụng kệ và chú Tắm tượng Phật rồi đi đến lễ đài, nơi có tượng Phật sơ sinh đặt trong bồn, chắp tay đảnh lễ, múc nước thơm nhẹ nhàng tưới lên hai vai ngài, đồng thời lắng lòng quán tưởng về dòng nước cam lộ rửa trôi tham, sân, si ra khỏi tâm tư. Nước tắm tượng Phật được nấu từ các loại hoa thơm hoặc hương liệu, hay đơn giản là nước mưa tinh sạch.
Nghi thức này xuất phát từ câu chuyện đản sinh của đức Phật hơn 2.600 nặm trước. Theo kinh điển Nam tông, sau khi mẹ ngài, hoàng hậu Mahamaya, sinh ra ngài ở vườn Tâm Tỳ Ni, bên gốc cây vô ưu, bốn vị đại phạm thiên từ trời hạ xuống, dùng lưới vàng quấn lấy hài nhi. Ngay lúc đó, hai trận mưa từ trên trời dội xuống vị Phật tương lai.
Trong kinh Đại Bổn (thuộc Trung Bộ kinh – Đại Tạng kinh Việt Nam) có ghi lại rằng: Khi Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử, bỗng nhiên trên hư không xuất hiện hai dòng nước, một nóng và một lạnh của chư Thiên tưới xuống để tắm cho Thái tử và Hoàng hậu. Còn trong kinh Phổ Diệu nói rằng: Trên hư không lúc ấy có chín con rồng phun nước tắm cho Thái tử.
Tuy ở mỗi kinh điển ghi chép lại có phần khác nhau nhưng câu chuyện Thái tử khi đản sinh được tắm bởi dòng nước kỳ diệu trên hư không là sự kiện có thật. Đây là sự màu nhiệm của bậc vĩ nhân, bậc thánh nhân khi xuất thế. Như vậy, chúng ta thấy rằng nghi thức tắm Phật trong ngày lễ Phật đản xuất phát từ sự kiện dòng nước tắm cho Thái tử khi Ngài đản sinh.
Tuệ An
Phản hồi