Nghệ An: Tuyên truyền chủ quyền biển đảo, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ

PGĐS – Nằm trong chương trình Lễ hội Quan Âm Nam Hải, chiều ngày 05/11/2023 tức ngày 22/9/Qúy Mão. Ban Trị sự GHPGVN huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu và Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận tổ chức chương trình Tuyên truyền chủ quyền biển đảo, an toàn giao thông, an ninh mạng và phòng cháy chữa cháy cho Tăng Ni, Phật tử và bà con nhân dân.

Tham dự chương trình có ĐĐ. Thích Minh Hải – Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Quỳnh Lưu; ĐĐ. Thích Thanh Sơn – Chánh Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Hải Tân – Trưởng Ban Văn hóa Thông tin Truyền thông GHPGVN huyện, cùng Chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài huyện. Chương trình được đón tiếp Đại tá Đào Văn Minh – Phó Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu, Thượng tá Phạm Hưu Tình – Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận; Trung tá Hồ Khắc Dương – Đội Trưởng Đội QL HCVTTXH Công an huyện; cùng Lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, Đồn Biên phòng 148.

Nhằm thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo; cung cấp thông tin về biển, đảo và chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển,…đến Tăng Ni, Phật tử và người dân. Thượng tá Phạm Hữu Tình – Chính trị viên Đồn Biên phòng 148 đã khái quát về biển, đảo và chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển của Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan đến biển, đảo và những điều ngư dân cần biết. Tiếp theo, Hội nghị được nghe Đại úy Ths. Tô Tiến Thành – Cán bộ Đội An ninh Công an huyện: “Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và các mạng xã hội nói riêng phát triển rất mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của người dân, nhất là giới trẻ. Nếu không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, hành vi và lối sống của mỗi bạn trẻ. Hiện nay, không ít bạn trẻ “sống ảo” vì mục đích “câu like, câu view” có thái độ, hành vi không phù hợp, phản cảm,… thậm chí là vi phạm pháp luật”. Tại buổi tuyên truyền, Đại úy Ths. Tô Tiến Thành thông tin một số nội dung chính về Luật An ninh mạng; những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng; mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Đồng thời, hướng dẫn kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội và phòng tránh những văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng, lợi ích, tác hại của internet, mạng xã hội; cách tiếp cận những cái tốt, phòng tránh những cái xấu trên mạng xã hội; cách ngăn chặn bạo lực học đường,… Qua tuyên truyền giúp Tăng Ni, Phật tử, học sinh và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật khi tham gia mạng xã hội, từ đó hình thành kỹ năng cần thiết, có ý thức phòng tránh, xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Hội nghị cũng được nghe Đại úy Phan Văn Thắng – Cán bộ Đội CSGT TT Công an huyện tuyên truyền về văn hóa khi tham gia giao thông và trật tự an toàn giao thông: “Tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào. Mỗi ngày trôi qua có nhiều sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do uống rượu, bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành – thậm chí chống người thi hành công vụ. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu hiệu An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành pháp luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình. Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và mọi người, việc chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông phải trở thành ý thức, thói quen của mọi người dân. Vì vậy việc tìm hiểu pháp luật về giao thông là vô cùng cần thiết”.

Đại úy Phan Văn Thắng đã chia sẻ về quy tắc chung khi tham gia giao thông: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, một số hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông. Thực tế, tai nạn giao thông là một sự cố bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Sự cố ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như ý thức, đạo đức và sức khỏe của người lái xe không đảm bảo theo quy định, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chất lượng phương tiện giao thông không đảm bảo, thiếu sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Cần phải nhận thức được một điều là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành Luật giao thông của chính những người tham gia giao thông không đảm bảo theo quy định dẫn đến những hành vi vi phạm an toàn giao thông như vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, vượt xe không đúng quy định…. Không chỉ vậy, ý thức về văn hóa giao thông của con người còn rất hạn chế.

Những người tham gia giao thông nhưng không hề trang bị cho bản thân những kiến thức, những kỹ năng về luật giao thông. Và quan trọng hơn, họ quên đi trách nhiệm, phép lịch sự của người làm chủ tay lái, cho nên những hành vi trái luật như sử dụng rượu bia, chạy xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, tránh vượt không đúng quy định,… đã gây ra tai nạn giao thông nhan nhản xảy ra hằng ngày. Con người là thủ phạm gây ra tai nạn giao thông và chính con người phải gánh chịu hậu quả. Chúng ta hãy ngăn chặn tai nạn giao thông bằng những hành động thiết thực để mỗi con đường đi là con đường an toàn, con đường bình yên chứ không phải là những cung đường của tử thần. Muốn vậy: Thứ nhất: mỗi người dân chúng ta cần phải học luật và nhớ luật giao thông , thực hiện đúng luật an toàn giao thông ngay từ bây giờ; Thứ hai: mỗi người dân chúng ta cần có ý thức khi tham gia giao thông, khi đi đường các bạn cần phải đi về phía bên phải, không đi dàn hàng ngang, khi qua đường phải nhìn trước, nhìn sau, không chạy băng qua đường, ngồi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không thả trâu bò. Đồng thời mỗi người dân hãy là những tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông.


Tại Hội nghị, Ban Trị sự GHPGVN huyện và Công an huyện Quỳnh Lưu phát động phong trào xây dựng mô hình điểm: “Nhà tôi có bình chữa cháy” đến 100% Tăng Ni, Phật tử huyện nhà. Phong trào được nhân rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy, từ đó mỗi gia đình tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy để đề phòng rủi ro thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống cháy nổ. Nhân dịp này, đã trao 32 bình chữa cháy, bộ tiêu lệnh chữa cháy và phát 27 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu. Hội nghị cũng được nghe Thượng úy Nguyễn Duy Khiêm – Cán bộ Đội QL HCVTTXH Công an huyện hướng dẫn, tập huấn giúp Tăng Ni, Phật tử nắm chắc một số biện pháp phòng chống cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ hiệu quả, góp phần giảm thấp nhất số vụ và thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra.


Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:

 

   

ĐĐ. Minh Hải

Bài viết liên quan

Phản hồi