Nghệ An: Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo

PGĐS – Sáng ngày 23/06/2023 (nhằm ngày 06/05 năm Quý Mão), tại chùa Diệc – Trụ sở văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An (phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã trọng thể khai mạc Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo tại hạ trường chùa Diệc cho chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu giữa Ban Trị sự GHPGVN tỉnh với Ban Tôn giáo sở Nội vụ tỉnh.

Về tham dự Hội nghị có Hòa thượng Thích Thọ Lạc – UV TT HĐTS, Trưởng Ban Văn hóa TƯ, Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Ni sư Thích Diệu Nhẫn – UV HĐTS, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Tâm Thành – Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Minh Hải – Chánh Văn phòng GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Châu Phong – Trưởng Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh; Thượng tọa Thích Minh Hương – Trưởng ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh, cùng chư Tôn đức và gần 400 Tăng Ni, Phật tử.

Về phía chính quyền tham dự có ông Nguyễn Văn Long, Quyền trưởng Ban Tôn giáo sở Nội vụ tỉnh; ông Phạm Quốc Vinh, Phó Ban Tôn giáo tỉnh; bà Phạm Thùy Linh, Trưởng phòng Ban Tôn giáo tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh cho biết được sự thống nhất với Ban Tôn giáo sở Nội vụ tỉnh, Phật giáo tỉnh tổ chức buổi hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo và gặp gỡ nhằm truyền đạt thông tin một số chương trình cần thiết, về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo liên quan đến tự viện trên địa bàn để Tăng Ni an tâm tu học.

Phát biểu tại buổi chia sẻ, bên cạnh việc phổ biến tóm lượt nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đến chư Tôn đức Tăng Ni, ông Phạm Quốc Vinh cũng đã nói về những khó khăn, bất cập mà tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đang gặp phải trong thời gian gần đây.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long đã có buổi chia sẻ với chư Tôn đức Tăng Ni về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tại trường hạ tập trung chùa Diệc. Tại đây, ông đã nhấn mạnh và giải thích rõ cơ sở pháp lý đối với các vấn đề liên quan đến việc thành lập cơ sở tôn giáo; hồ sơ pháp lý về cấp giấy phép sử dụng đất tôn giáo; việc quản lý cư trú của Tăng Ni và tác hại của việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội thiếu kiểm soát trong môi trường Phật giáo.

Ông Nguyễn Văn Long còn thông tin thêm, theo thống kê của Giáo hội, hiện nay toàn tỉnh có gần 62 cơ sở tự viện; 1 Niệm Phật đường, trong đó có 30 chư Tăng Ni trụ trì ở 36 chùa. Còn khoảng 26 chùa, chưa có sư trụ trì. Đây cũng là vấn đề cần được lưu tâm, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ban Tôn giáo và Giáo hội nhằm sớm có hướng giải quyết thỏa đáng với từng trường hợp cụ thể.

Bà Phạm Thùy Linh cũng có những chia sẻ về nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý cơ sở tôn giáo, đăng ký cư trú Tăng Ni… cần chú ý quan tâm hơn trong thời gian sắp tới.

Qua đây, chư hành giả an cư trên địa bàn phần nào nắm được thông tin cơ bản về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo hiện hành; thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với tư cách là tu sĩ Phật giáo và cũng là một công dân Việt Nam. Nói cách khác, người tu sĩ cần sống đúng theo tinh thần giới luật Đức Phật chế định; đồng thời tuân thủ quy định của của pháp luật.

Đây là một hoạt động thiết thực hàng năm trong công tác phối hợp giữa Ban Trị sự và các cơ quan, Mặt trận, sở, ngành… nhằm phổ biến và cập nhật cho Tăng Ni về kiến thức pháp luật, văn bản mới, những quy định pháp lý có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo…

Nguyễn Văn Nguyên

Bài viết liên quan

Phản hồi