Nền tảng của thương
Hiểu là nền tảng của thương. Hiểu là trái tim của hợp tác, tự do và hiến tặng. Hiểu được mình bao nhiêu, có tự do bấy nhiêu. Hiểu được người bao nhiêu, thêm thương yêu, hợp tác và hiến tặng bấy nhiêu.
Không hiểu mình, không cách nào có thể giải phóng được mình và bước tới khung trời cao rộng. Không hiểu được người, không cách nào có thể thương yêu, hợp tác và hiến tặng trọn vẹn. Những phán xét và oán trách, đặc biệt giữa những người thân quý, phần lớn có nguồn gốc từ không hiểu nhau.
Thầy trò không hiểu nhau. Cha mẹ con cái không hiểu nhau. Vợ chồng không hiểu nhau. Anh chị em không hiểu nhau. Thiện hữu không hiểu nhau. Từ không hiểu nhau, mỗi người nhìn mình và nhìn nhau bằng nhận thức, kinh nghiệm và cảm xúc riêng. Người bên kia không còn được lắng nghe và người bên này không còn được tôn trọng. Một loạt sầu bi, khổ não xuất hiện. Có lúc, vấn đề có thể rất nhỏ từ góc nhìn của người này, nhưng ngọn lửa sầu bi và ưu não lại vô cùng lớn ở người kia, vì không hiểu nhau.
Ngồi yên, thành thật, chúng ta thấy được hiểu là một nhu cầu. Mình và người đều có nhu cầu được hiểu. Bạn có hiểu tôi không, mình rất thường hỏi. Tôi có hiểu bạn không, mình rất ít hỏi. Phải chăng có cái gì đó chưa thoả đáng khi mình quan tâm cho nhu cầu của mình, mà không quan tâm cho nhu cầu của người?
Trong bất cứ mối quan hệ nào, nếu mình chỉ đòi hỏi cho mình, mối quan hệ đó sẽ không bao giờ bền vững. Khả năng hợp tác để đi xa cùng nhau khi không hiểu nhau là bất khả thi, dù ở bất cứ lãnh địa nào.
Hoà bình và có hạnh phúc cho cộng đồng và xã hội cũng không thể hiện thực, khi hiểu nhau không được thiết lập.
Không hiểu nhau, mọi cố gắng dù có tên nhân đạo hay trách nhiệm đều chỉ là những miễn cưỡng có tính thời gian. Nhiều lúc, nhiệt tình mà không hiểu nhau còn có thể cho nhau kết quả ngược.
Hiểu, đặc biệt hiểu mình, là rất quan trọng. Hạnh phúc cá nhân tuỳ thuộc vào hiểu mình. Từ hiểu mình, hiểu người sẽ theo thời gian mở rộng. Cảm xúc của mình như thế nào? Tâm tư của mình như thế nào? Nhận thức của mình như thế nào? Sức khoẻ của mình như thế nào? Ký ức của mình như thế nào? Mình cần tĩnh lặng đủ để nhìn và sáng suốt đủ để hiểu. Hiểu mình thấy mình là bước đầu của những bước tiếp theo đi tới thương yêu, tự do, hợp tác và hiến tặng. Không có hiểu mình, mình nói hiểu người là không thể, ngoại trừ tìm kiếm một ít thông tin của người để mình có nhiều giá trị và lợi ích nhất.
Hiểu, từ hiểu mình, chúng ta đi đến hiểu nhau. Thế giới sống là thế giới có nhau. Không có một thực thể nào biệt lập tồn tại. Mình còn sống là mình còn cần có nhau. Mà hiểu nhau mới có nhau được. Hợp tác, thương yêu, chia sẻ, bao dung đều từ hiểu nhau mà lớn. Nhân loại có hoà bình, gia đình có thân ái hay không cũng từ hiểu mình và hiểu nhau.
Cho nên, hiểu, hiểu mình và hiểu nhau, rất cần được thực tập mỗi ngày. Mỗi sáng mình tập hiểu người. Mỗi tối mình tập hiểu mình. Mình thành thật nhìn lại cảm xúc, nhận thức, ký ức, tâm tư và xác thân mình, cũng như khách quan nhìn lại hành vi, ngôn ngữ và tính cách của người. Nhìn hết sức khách quan và thành thật. Nhìn để hiểu và từ bỏ cái không tích cực, phát triển cái tích cực.
Mình khổ cái gì; mình vui cái gì; cái gì làm cho mình cảm xúc như vậy, nhận thức như vậy và suy nghĩ như vậy. Cái gì làm cho người nói năng như vậy, hành động như vậy và suy nghĩ như vậy. Lắng nghe quá khứ của nhau, trân trọng thời gian sống giới hạn và nhân lành gặp gỡ cũng sẽ trợ duyên rất lớn để hiểu mình và hiểu nhau. Hiểu được quá khứ sẽ chấp nhận và thương yêu được hiện tại.
Cánh cửa tự do, bao dung, tha thứ, thương yêu, trân trọng và hợp tác sẽ rộng mở cho mình khi mình hiểu mình và sẽ rộng mở cho nhau khi mình hiểu nhau.
Nhuận Đạt
Phản hồi