Muốn sống hạnh phúc hơn, hãy hạ thấp kỳ vọng
Kỳ vọng là cách bạn tạo ra một loạt mục tiêu, rồi khi không đạt được, bạn thấy mình thất vọng.
Trong thời đại ngày nay, việc đặt kỳ vọng vào người khác dường như trở thành một xu hướng tâm lý xã hội. Ngay từ khi mới sinh, các bậc phụ huynh đã tìm tới các nhà chiêm tinh để hỏi về dự đoán tương lai cho con trẻ, cố gắng hình dung sau này chúng sẽ ra sao, tương lai dành cho chúng là gì, kỳ vọng chúng phải trở thành người này người khác. Khi chúng lớn lên và đi làm, không một giây phút nào chúng ta quên chất lên vai chúng đủ mọi gánh nặng của kỳ vọng. Một nhân viên bị đánh giá bằng những kỳ vọng của tổ chức và của cấp trên, cũng tương tự như sinh viên được đánh giá bằng kỳ vọng của thầy giáo, con cái được đánh giá bằng kỳ vọng của cha mẹ.
Rất nhiều người coi kỳ vọng là một điều tốt – vì giúp mọi người có động cơ vươn tới thành công, cố gắng kiếm tiền cho bản thân và gia đình, với tới những nấc thang xã hội cao hơn. Nhưng theo quan điểm của tôi, kỳ vọng thường bị đẩy cao quá mức. Thường thì người ta sẽ vạch ra một loạt những điều kiện và mục tiêu cần đạt được và chỉ khi đạt được chúng ta mới được phép nói mình đã “thành đạt” và tự cho phép mình “hạnh phúc”; còn khi không đạt những mục đích ấy, chúng ta thấy mình thê thảm và tuyệt vọng.
Ví dụ, buổi sáng bạn đặt cho mình mục tiêu cả ngày là dành nhiều thời gian cho gia đình hơn và hoàn thành danh sách “những việc cần giải quyết” ở chỗ làm. Rồi đến cuối ngày, bạn cảm thấy vô cùng chán nản khi nhận ra còn cơ số việc mình chưa hoàn thành. Trong khi đó, thực ra bạn có thể bắt đầu ngày mới với mong muốn đơn giản là bày tỏ sự trân trọng của mình đối với mọi người xung quanh và cố gắng tận hưởng một ngày thật trọn vẹn. Hãy tập trung vào việc mình đang làm, thay vì lo lắng về những việc chưa kịp thực hiện. Một chút thời gian dành cho người thân có thể ngắn ngủi song vô cùng giá trị, bởi bạn thực sự ở đó và cho họ thấy bạn đang hạnh phúc. Đây là một sự thay đổi trong cách nhìn.
Bạn hoàn toàn không phụ thuộc vào kết quả của những dự định mà sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học, nỗ lực tỉnh thức trong từng khoảng khắc hiện tại, hân hưởng niềm vui của từng bước tiến, không lo lắng cho tương lai và hoan hỷ chấp nhận mọi kết quả tùy theo duyên của nó.
Khi biết chú tâm vào việc mình làm, bạn sẽ thực sự sống trong hiện tại. Điều quan trọng là việc bạn đang làm. Mọi dự tính của bạn đều xuất phát từ tâm nguyện nên tôi không có ý khuyên bạn từ bỏ các mục tiêu như hoàn thành một cấp học hay được thăng quan tiến chức… Một mặt, những mục tiêu này kích thích chúng ta hoàn thiện năng lực bản thân. Mặt khác, càng tập trung vào ý định, động cơ phía sau và cố gắng hài hòa chủ định đó với mong muốn của mình, bạn sẽ càng làm việc hiệu quả và dễ dàng đạt tới đích. Điều quan trọng là bạn chỉ cần tập trung vào dự định và động cơ thay vì bám chấp vào kết quả cụ thể, vì sự bám chấp này sẽ khiến bạn căng thẳng và có thể nhận lấy những thất vọng không đáng có. Hạnh phúc là hành trình, chứ không phải là đích đến, và sau một chặng đường hạnh phúc bạn vẫn về đích như thường.
Trong khi kỳ vọng càng cao, khả năng thất vọng của bạn càng nhiều, thì việc chủ định làm một điều gì mà không đặt nặng kỳ vọng vào kết quả sẽ giúp bạn có được tâm bình an.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo kế hoạch, vậy việc gì bạn phải góp phần đè nén hạnh phúc của mình bằng cách chồng chất thêm nhiều kỳ vọng nặng nề?
Nhiều người cho rằng họ sẽ hạnh phúc hơn nếu có thể cân bằng công việc và cuộc sống. Đôi khi người ta quên mất công việc cũng là một phần của cuộc sống chứ không phải một thứ gì tách biệt mà chúng ta phải vất vả gồng gánh, để sau đó mới có thể yên ổn tận hưởng tiện nghi vật chất. Trong cách tiếp cận khác, người ta đo mức độ hạnh phúc qua công việc, bởi đó là một chuỗi ngày cảm xúc lên xuống như tàu lượn siêu tốc, trong đó có cả niềm vui, sự hăng say phấn khích, những trách nhiệm, kỳ vọng, áp lực, những mối quan hệ và cả mục tiêu cần giải quyết luôn tác động ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc của mỗi người.
Điều hài hước là chúng ta tự tạo cho mình bối cảnh sống như vậy. Và một bất ngờ nữa: chính chúng ta là đồng phạm gây nên rắc rối mình gặp phải mỗi ngày. Bản thân ta cũng đặt nhiều kỳ vọng nơi người khác – từ bạn bè, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp, cấp trên hay cha mẹ. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần nhận thức được cả hai – cả những kỳ vọng người khác áp đặt lên bạn cùng những kỳ vọng bạn đang đặt vào người khác. Hãy thực hành tỉnh thức một cách đầy đủ để nhận ra sự phi lý của những kỳ vọng đang bủa vây mình. Nhận thức này sẽ tiếp thêm cho bạn nguồn năng lượng. Khi hiểu ra mình không cần quá nặng nề, không phải cố gắng chạy theo bất cứ kỳ vọng nào, bạn hoàn toàn thoải mái trong công việc cũng như ở nhà, làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống vừa với sức của mình, tự tại và giải tỏa mọi áp lực để trải nghiệm cuộc sống theo ý nghĩa tích cực của nó.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Phản hồi