Một lần tri ngộ rồi thiên thu
Sáng nay đọc báo tôi mới biết ông Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập vừa qua đời ở tuổi 94 tại Athens. Ông người gốc Hy Lạp đã từng sinh sống ở Việt Nam và chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Ông đã có mặt ở Việt Nam từ hơn 70 năm trước, tham gia Mặt trận Việt Minh thời kháng Pháp và đã được nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huy chương, huân chương cao quý. Tôi đủ duyên được gặp ông nhân mùa Vu lan báo hiếu tại Athens cách nay đúng 10 năm.
Tháng 9/2011, theo lời mời của anh Vũ Bình, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hy Lạp và anh Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hy Lạp, tôi có chuyến hành đạo tại Hy Lạp. Cùng đi có chị Bích Thủy, Phó Chủ tịch hội PTVN tại CH Séc, chị Lệ Chiến phóng viên VOV và một số Phật tử đến từ Đức, Séc, Hungary
Anh Vũ Bình những ngày còn ở Việt Nam làm việc tại Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao. Thỉnh thoảng tôi và anh có gặp nhau trong những sự kiện lớn của Phật giáo, nhất là thời kỳ mà Giáo hội thường xuyên kết hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang khắp cả ba miền. Anh Vũ Bình là người đại diện Bộ Ngoại giao kết nối với Giáo hội về công tác tổ chức. Tôi là người điều phối chương trình đại lễ. Vậy nên chúng tôi quen biết và thân nhau từ đó. Khi gặp nhau ở Hy Lạp, cả hai đều xúc động trong sự hội ngộ kỳ thú.
Tôi với anh Thành không biết nhau, nhưng qua những chuyến hoằng pháp của tôi tại Châu Âu nên anh và cộng đồng đã biết nên mời sang. Tôi rất xúc động khi vừa nhận lời mời thì anh Thành bay thẳng sang Cộng hòa Séc. Anh là Chủ tịch của cộng đồng, là ông chủ của một chuỗi nhà hàng tại Athens nhưng sẵn sàng gác qua công việc để sang Séc đón tôi. Đó là tình cảm người Việt sống xa quê, khát khao đạo pháp, nơi mà không có được mái chùa, tiếng chuông, nhịp mõ hay bóng áo nâu, nên nghe nói có chư tăng là họ tha thiết vậy đó.
Cộng đồng người Việt sống ở Hy Lạp không đông lắm, tại Athens chỉ khoảng vài trăm, số còn lại sống rải rác trên các đảo, nghề mưu sinh chủ yếu là mở nhà hàng ăn uống. Người Việt sống bằng nghề này rất vất vả. Bắt đầu từ chiều tối họ nấu nướng rồi phục vụ khách cho tới sáng hôm sau, còn ban ngày thì …. ngủ.
Chuyến bay trong đêm từ Praha khá vất vả, đến Athens thì cũng đã quá khuya. Đoàn được bố trí nghỉ tại nhà Đại sứ Vũ Bình. Đến trưa hôm sau, chúng tôi mới gặp nhau trong một buổi cơm trưa thân mật, nghĩa tình. Trong bữa cơm, chị Ngọc phu nhân đại sứ Bình bộc bạch “Có lẽ thầy gặp con lần đầu nhưng con thì gặp thầy khá nhiều … trên mạng, với nhiều pháp thoại quí giá. Được gặp thầy đây, con có mong ước duy nhất là xin qui y làm đệ tử Phật. Tâm nguyện của chị làm tôi xúc động. Phu nhân của một đại sứ mà tôi làm lễ quy y đầu tiên là chị Ngọc Anh ở Ba Lan (phu nhân cố đại sứ Nguyễn Hoằng) có pháp danh An Ngọc. Chị Ngọc là phu nhân của đại sứ thứ hai xin phát nguyện qui y Tam Bảo. Và, tôi đã trả lời với chị lễ quy y sẽ được tổ chức sau đại lễ Vu Lan và chị rất hoan hỷ.
Từ trái qua: ông Nguyễn Trung Thành, Người viết, ông Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập, PT. Lệ Chiến- PV VOV
Chiều đến, đại lễ Vu lan được tổ chức tại nhà hàng mang tên Hạ Long. Đây là nhà hàng do anh Thành làm chủ, người đến dự độ khoảng 3 – 40 người. Trong buổi lễ này có hơn 10 người phát nguyện qui y Tam Bảo và chị Ngọc – phu nhân đại sứ Vũ Bình cũng được quy y với pháp danh An Hoa. Cũng trong buổi lễ này, tôi tiếp xúc và trò chuyện với một nhân vật đặc biệt đó chính là ông Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập, người mang hai quốc tịch Hy Lạp – Việt Nam.
Tôi ngạc nhiên là ông nói tiếng Việt khá giỏi và hiểu về đạo Phật Việt Nam cũng khá tường. Sau buổi lễ, ông ngậm ngùi thốt lên: “Ai trong chúng ta cũng có quê hương, tôi hạnh phúc hơn có được quê hương thứ hai là Việt Nam. Nhưng cũng chính niềm hạnh phúc này làm tôi khắc khoải. Cái khắc khoải của một đại lễ Tình người, gợi lại ơn cha mẹ, tình quê hương. Tôi chừng này tuổi rồi không biết có đủ sức để về lại quê hương thứ hai Việt Nam một lần nữa không!”. Câu nói của ông khiến tất cả chúng tôi đều nhìn nhau như muốn ôm lấy trái tim mình để hướng về quê hương, tổ quốc. Và ai trong chúng tôi cũng rất xúc động với một người mang dòng máu Châu Âu nhưng lại có một trái tim rất Việt Nam.
Ông là người Hy Lạp nhưng sống gắn bó chặt chẽ với người Việt tại đây. Chính nhờ ông làm sợi dây kết nối mà người bản xứ có cái nhìn thiện cảm, gần gũi và thân thiện hơn với người Việt chúng ta. Ông là người mà cộng đồng Việt tại Athens rất kính trọng, rất quý mến như một người cha, một người anh của cộng đồng.
Năm sau, 2012, tôi một lần nữa đến Hy Lạp. Nhưng lần này bay đến Rhodes, một hòn đảo nằm độc lập khá xa với Athens. Lần đi thứ 2 có thêm chị Lê Thiếu Ngân (phu nhân anh Nguyễn Phú Bình nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), chị An Thiện – Nguyễn Thị Lương – Chủ tịch Trung tâm văn hóa PGVN bang Sacchen, Đức Quốc và chị Bích Thuỷ, Phó chủ tịch hội Phật tử Cộng hoà Séc và một số Phật tử đến từ Séc, Hungary. Tại đây, đoàn gặp chị Hồng, người Việt có chồng gốc Israel, vợ chồng sinh sống và làm việc tại Hy Lạp hàng chục năm, đã đưa chúng tôi tham quan rất nhiều nơi.
Từ trái qua: chị Lê Thiếu Ngân, chị An Thiện, Người viết, chị Bích Thủy, chị Hồng
Đến Hy Lạp mà không gặp gỡ được cộng đồng người Việt tại đây thì tôi cảm nhận chuyến đi không trọn vẹn, mà từ Rhodes quay vào Athens thì không còn đủ thời gian, nên tôi chỉ gọi điện trò chuyện với anh Chủ tịch Thành. Anh tâm sự “Năm ngoái, Thầy đi rồi dư âm Vu lan vẫn trào dâng trong lòng cộng đồng suốt một thời gian dài, mong được thầy sang lần thứ hai để tổ chức đại lễ. Bác Lập hễ cứ gặp nhau là bác nhắc đến thầy”.
Câu nói của anh làm tôi cứ trăn trở mãi, như vẫn còn mắc nợ cộng đồng người Việt tại Hy Lạp một ân tình chưa trọn đáp. Và nếu như có một lần nữa đến Hy Lạp thì người mà tôi không bao giờ gặp lại đó là ông Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập.
Kính trọng ông!
Trí Chơn
Phản hồi