Lời khuyên của mẹ

Bằng những lời khuyên dịu dàng mà cứng rắn của một người mẹ, một nữ Phật tử thuần thành, một nữ hành giả đã nhận chân được cốt tủy của Thiền…, mẹ của Jiun đã góp phần to lớn cho sự nghiệp giác ngộ và hoằng pháp vẻ vang của Thiền sư Jiun sau này.

Jiun, một thiền sư phái Shingon, vốn là một học giả chữ Phạn thời Tokugawa. Lúc còn là thiền sinh, ngài hay thuyết giảng kinh luận cho các đồng môn.

Khi hay tin, mẹ ngài liền viết cho ngài một lá thư: “Con ạ, mẹ không tin rằng khi con hiến mình vào cửa Phật là cốt để trở thành một cuốn từ điển sống. Biện bác, sành sõi, vẻ vang và tự mãn chẳng đi đến đâu. Mẹ muốn con hãy dẹp cái trò lên lớp đó đi. Hãy dọn mình tĩnh tu trong một tu viện ở chốn thâm sơn cùng cốc. Dành mọi thì giờ cho việc thiền quán, may ra con mới ngộ được Chánh đạo”.

Theo 101 câu chuyện Thiền.

01

Bài học đạo lý: 

Trong đời thường, hầu hết những người đàn ông thành đạt đều thừa nhận rằng, đằng sau những vinh quang chói sáng của họ đều có sự sẻ chia, trợ duyên âm thầm của người đàn bà, họ có thể là người mẹ, người vợ, người em và cả những người bạn nữ.

Trong sự nghiệp tu tập, kinh sử Phật giáo ghi nhận có không ít các bậc Thánh tăng, cao tăng nhờ vào sự hộ pháp đắc lực của các nữ tín chủ hay chính mẫu thân của các ngài mà vượt qua được vô vàn chướng duyên để thành tựu đạo nghiệp.

Bằng những lời khuyên dịu dàng mà cứng rắn của một người mẹ, một nữ Phật tử thuần thành, một nữ hành giả đã nhận chân được cốt tủy của Thiền…, mẹ của Jiun đã góp phần to lớn cho sự nghiệp giác ngộ và hoằng pháp vẻ vang của Thiền sư Jiun sau này.

Thiền sư Jiun (1718-1804) thuộc phái Chân Ngôn tông (Shingon), là một nhà cải tổ Phật giáo thời Tokugawa ở Nhật. Ngài chú trọng vào giáo dục Phật học và thực hành Chánh pháp. Thiền sư Jiun rất giỏi về nhiều khía cạnh của Phật pháp, dạy tiếng Phạn (Sanskrit) đầu tiên ở Nhật, thành lập ngành học về luật (Vinaya) trong truyền thống Chân Ngôn tông.

Khi còn là thiền sinh, Jiun đã trở nên thông tuệ, bác lãm nhiều lãnh vực trong Phật pháp. Không chỉ uyên bác về Phạn ngữ, giỏi về thư pháp, hội họa, ông còn là một pháp sư tài năng, một giáo thọ danh tiếng. Trong một chừng mực nào đó, có thể xem đây là những thành công trên bước đường tu tập.

Tuy vậy, đối với người đã thể nhập và thân chứng Thiền sâu sắc thì những thành công ấy chỉ là bước đầu, đang đứng ngoài cửa đạo và nếu không khéo thì dễ dàng rơi vào sa ngã bởi tâm tham ái và ngã mạn. Bởi lẽ dù uyên bác, thông tuệ cùng với tài hùng biện giảng thuyết Phật pháp hay giữ những chức vụ quan trọng trong tu viện hoặc giáo hội đến mấy cũng chỉ là phước báo hữu lậu của thế trí biện thông. Những tài năng ấy không có công năng trị liệu dứt điểm các khổ đau, không đoạn trừ gốc rễ phiền não để thành tựu giác ngộ. Chấp thủ vào những thành công này, dù vô tình hay cố ý, đều là bệnh, không thể tiến đến giác ngộ và giải thoát tối hậu nên cần phải xả ly để vượt lên.

Dù không dự phần vào hàng ngũ xuất gia nhưng mẹ của Jiun luôn dõi theo từng bước chân con. Bà đã mạnh dạn cảnh báo cho con không nên dừng lại ở “Hóa thành” mà phải hướng về “Bảo sở”. Cao quý và hạnh phúc thay cho những ai có người mẹ vừa trí tuệ lại vừa từ bi như mẹ của Thiền sư Jiun. Chính nhờ lời khuyên ấy mà thiền sinh Jiun đã chuyên tâm thiền định để về sau trở thành thiền sư danh tiếng, thực sự ích đạo lợi đời.

Quảng Tánh

Bài viết liên quan

Phản hồi