Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nói về vụ kiểm tra tiền công đức
Trước thông tin “50 chùa không báo cáo thu chi công đức” và “băn khoăn cách tính tiền công đức ở Yên Tử”, Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Uỷ viên HĐTS – Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký PGVN tỉnh Quảng Ninh trao đổi với Cổng thông tin PGVN về việc này.
Sáng 24/7, Thượng toạ Thích Đạo Hiển trao đổi với Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam cho biết:
Báo chí nhầm lẫn giữa ‘chùa’ và ‘di tích’
– Ban trị sự PGVN tỉnh Quảng Ninh có đọc các bài viết về việc Bộ Tài chính kiểm tra thu chi công đức tại Quảng Ninh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông nhầm lẫn cơ bản hai khái niệm “chùa” (Phật giáo) và “di tích”. Ta có thể thấy di tích bao gồm đình, miếu, đền thờ, các di tích văn hoá, lịch sử khác, trong đó có chùa.
Vậy nên họ đưa tin “50 chùa không báo cáo” số liệu thu chi công đức là không đúng về khái niệm, về chủ thể phải báo cáo công đức trong đợt kiểm tra vừa rồi và về tinh thần nội dung Thông tư 04 của Bộ Tài chính.
Trung ương Giáo hội hướng dẫn thực hiện Thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính
Cái này chúng tôi biết nhưng cũng không muốn, không có ý đối thoại với báo chí. Ban Trị sự PGVN tỉnh Quảng Ninh thấy rằng đã hiểu về Thông tư 04 của Bộ Tài chính, đã thực hiện việc ghi nhận thu chi tiền công đức đúng, minh bạch và công khai trong tổ chức của mình nên không thấy có vấn đề gì lớn. Mình làm đúng pháp luật, công khai và minh bạch nên nếu báo chí có nói chưa đúng thì cũng không vấn đề gì lớn.
Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký PGVN tỉnh Quảng Ninh.
‘Thực tế, Chùa Yên Tử đón nhận khoảng 600 ngàn lượt khách viếng thăm chùa thôi’
Thưa Thượng toạ, còn tình tiết “băn khoăn về cách tính tiền công đức ở Chùa Yên Tử” thì Ban Trị sự PGVN tỉnh nhà có “băn khoăn” gì không ạ?
– Như trên tôi đã nói, Ban trị sự PGVN tỉnh Quảng Ninh và Chùa Yên Tử cung cấp đầy đủ hồ sơ, minh bạch và công khai việc thu chi tiền công đức theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Tài chính cho đoàn kiểm tra, không có gì điều gì băn khoăn.
Trên thực tế, Chùa Yên Tử đón nhận khoảng 600 ngàn lượt khách viếng thăm chùa thôi, chứ không như báo chí nêu đâu. Trong số những Phật tử, khách thăm Chùa có nhiều đoàn là khách du lịch, khách thập phương mà họ không công đức, không giọt dầu cho nhà chùa.
Hiện nay, du khách về Chùa Yên Tử cũng bị khó khăn về kinh tế do hậu quả của dịch Covid-19, chi phí dịch vụ đi lại của họ cũng nhiều, nhiều khách người ta đi nghỉ dưỡng là chính chứ không viếng Chùa, không đặt ra chuyện công đức, cúng dàng giọt dầu vào chùa…Cho nên nếu chúng ta tính số khách thập phương viếng thăm ra số tiền công đức là không đúng cả về thực tiễn lẫn phương pháp tính toán.
Tiền công đức nào thì cơ quan Nhà nước được quyền kiểm tra?
Bạch Thượng toạ, nhưng theo Thông tư 04 thì đâu phải tiền công đức nào cơ quan Nhà nước cũng có quyền kiểm tra, báo cáo?
– Đúng vậy. Theo Thông tư 04, chùa và cơ sở thờ tự Phật giáo không có nghĩa vụ báo cáo, thống kê tiền công đức mà Phật tử cúng dàng, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Thưa Thượng toạ, cảm giác nhiều người đang không hiểu, không phân biệt được nguồn thu chi phải báo cáo và nguồn thu chi không phải báo cáo theo Thông tư 04?
– Thông tư 04 của Bộ Tài chính nói khá rõ về việc này. Giáo hội PGVN cũng có hướng dẫn về việc thực hiện Thông tư 04 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra thí điểm vừa rồi, trên thực tế là Bộ Tài chính giao cho các cơ quan cấp dưới liên quan như UBND xã phường thực hiện việc kiểm tra tại các chùa, có một số bất cập nảy sinh. Do cách hiểu, cách thực hiện của người kiểm tra, báo cáo chưa đúng nên nhiều sư trụ trì không hài lòng.
Theo Hiến chương của Giáo hội PGVN, chùa là tài sản thuộc Giáo hội, hoạt động của chùa bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau. Chúng tôi minh bạch tiền công đức trong tổ chức Giáo hội PGVN để đảm bảo rằng hoạt động của nhà chùa đúng với luật pháp và Hiến chương; có nhiều hoạt động của chùa là quyền tự chủ, tự do tôn giáo, không luật pháp nào bắt buộc phải báo cáo, kiểm tra.
Xin Thượng toạ nói rõ thêm ý này…
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính kiểm tra thí điểm hoạt động thu chi công đức các di tích tại tỉnh Quảng Ninh. Bộ Tài chính và tỉnh Quảng Ninh chỉ kiểm tra các di tích thuộc 4 khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Yên Tử, Khu di tích Cửa Ông, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và Khu di tích Bạch Đằng, còn lại các di tích khác thì các cơ quan cấp phường, xã thực hiện kiểm tra.
Tại các địa phương, nhiều chùa của Giáo hội PGVN không phải là di tích đã xếp hạng, không có lễ hội mà các vị vẫn đề xuất kiểm tra là không đúng với Thông tư 04 của Bộ Tài chính. Các địa phương cũng chưa hiểu đúng Thông tư 04 nên “bắt” các chùa báo cáo hết các khoản thu chi mà chưa phân biệt được đâu là tiền công đức tài trợ di tích, lễ hội, đâu là nguồn thu thuần tuý hoạt động Đạo Pháp nên đã gây ra những phản ứng nhạy cảm về tôn giáo.
Vụ việc vừa rồi, Chùa Ba Vàng bức xúc về thông tin nhà chùa không báo cáo thu chi tiền công đức do chùa không nhận được văn bản nào yêu cầu phải báo cáo, cũng không có ai đôn đốc báo cáo là có lý do chính đáng.
Chúng con xin cám ơn thông tin quý giá từ Thượng toạ.
Diệu An (thực hiện)/ Phatgiao.org.vn
Phản hồi