Làm thế nào để sống lạc quan giữa cuộc sống đầy biến động?

Phật pháp có thể giúp cho chúng ta có sự hiểu biết chân chính về sự tốt xấu, phải quấy, đúng sai của cuộc sống. Thế gian con người thường có cái nhìn đối với đời sống không ngoài hai vấn đề là bi quan và lạc quan.

Người Phật tử cần cố gắng tu tập để chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Ảnh: Pixabay.

Người Phật tử cần cố gắng tu tập để chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Ảnh: Pixabay.

Bi quan là sao? Bi là buồn, buồn chán, thương xót. Bi quan là quan niệm nhìn đời sống trên thế gian này không có gì vui, tất cả đều chán chường, sầu thảm. Người bi quan lúc nào cũng có những nét suy tư, đăm chiêu, nản chí; có thái độ không muốn làm việc dấn thân đóng góp, mà cũng không thích vui chơi, trác táng, họ trở nên thụ động, khép kín. Lạc quan là quan niệm thoải mái, vui vẻ, chấp nhận những gì có được trong hiện tại hoặc các việc đã qua, đang tới hay sắp đến. Đối nghịch với lạc quan là bi quan.

Trong thực tế cuộc sống ai làm người cũng không muốn mình là kẻ bi quan, chán đời! Vì người bi quan lúc nào cũng sống trong tâm trạng buồn chán. Người bi quan hay sống về nội tâm, họ cảm thấy mình bị kém may mắn, họ tự cho rằng mình được sinh ra dưới các vì sao xấu bởi một bàn tay vô hình nào đó đã sắp đặt và định đoạt số phận của họ.

Con người hơn hẳn các loài vật là nhờ có suy nghĩ hiểu biết, nhưng cũng chính sự suy tư không đúng sự thật về cuộc đời, sẽ giết chết lần mòn cuộc sống của người bi quan trong từng giây phút. Nhất là những con người sinh ra đời trong hoàn cảnh không được thuận lợi tốt đẹp cho lắm về mọi mặt, họ thường suy nghĩ vẩn vơ mà không có hướng đi và mục đích rõ ràng. Họ mang lấy mặc cảm thua sút mọi người, do đó thường hay lẫn tránh đám đông, hay ít tham dự vào sinh hoạt cuộc sống cộng đồng xã hội.

Cuộc sống của con người lúc nào cũng mang hai yếu tố thể xác và tinh thần. Người bi quan thường bắt đầu trong hoàn cảnh không được may mắn, cảm thấy thua sút mọi người nên hay mặc cảm tự ti, tránh né. Nội tâm của họ hoạt động rất mạnh, bởi những suy tư thiếu hiểu biết dẫn đến thái độ chán chường, bi quan và nản chí.

Thái độ bi quan vì không nhìn thấy được lẽ thật, nên họ cảm thấy bất an bởi những quan niệm đời người ngắn ngủi, mạng sống tạm bợ vì ai cũng sẽ chết, chính vì vậy mà họ ủ rũ, đăm chiêu buồn thảm và lo lắng, sợ hãi.

Có nhiều người do không nhìn xa hiểu rộng nên họ nhìn đạo Phật có vẻ như bi quan, yếm thế bởi những tập tục hủ lậu có tính cách mê tín như xin xâm, bói toán, coi ngày giờ tốt xấu, dâng sớ cúng sao giải hạn. Những tập tục tín ngưỡng này đi ngược lại với học thuyết nhân quả của đạo Phật, bởi sự xâm nhập của tư tưởng đạo lão, đạo khổng của Trung Quốc trong thời tam giáo đồng nguyên. Một số người tu sĩ họ vẫn biết đó không phải là văn hóa Phật giáo theo lời Phật dạy, nhưng vì phương tiện quá đà mà làm mất đi niềm tin của nhiều người.

Trong cuộc sống bộn bề lo toan, phiền nào, chúng ta cần biết tĩnh tâm, lắng đọng và gạt bỏ tham-sân-si để có được sự an lạc...

Trong cuộc sống bộn bề lo toan, phiền nào, chúng ta cần biết tĩnh tâm, lắng đọng và gạt bỏ tham-sân-si để có được sự an lạc…

Người sống lạc quan là người luôn có thái độ sống tốt và tử tế với tất cả mọi người luôn vui vẻ, yêu đời. Do đó, trong mối quan hệ giao tế làm ăn giao dịch họ rất dễ thành công và được nhiều người kính mến yêu thương tôn trọng. Chính thái độ sống lạc quan sẽ giúp cho chúng ta tự tin đối mặt với những khó khăn, mà cố gắng tìm ra giải pháp để khắc phục hậu quả không tốt. Chính vì thái độ sống lạc quan sẽ giúp cho chúng ta dễ dàng làm chủ được bản thân và nắm bắt mọi tình huống khó khăn để giải quyết kịp thời. Ta chỉ cần lạc quan yêu đời thì coi như mình nắm chắc 50% cơ hội thành công và phần còn lại là do sự cố gắng và thiện chí của chúng ta.

Chính vì vậy, chúng ta hãy luôn sống với tinh thần lạc quan đón nhận niềm vui cuộc sống và chúng ta hãy tìm cách chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, để được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi, sẽ có lúc chúng ta vấp phải sai lầm, sự thất bại đó có thể sẽ làm cho ta chùn bước mà bỏ mặc cho cuộc đời. Nếu quá bi quan thì chúng ta sẽ đánh mất niềm tin về nhân quả và rất có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt để làm mới lại chính mình. Khi con người luôn sống lạc quan sẽ không bao giờ thất vọng, buồn phiền mà cố gắng tìm cách khắc phục trong những lúc khó khăn nhất.

Sự phát triển để nhân loại được tồn tại là một cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập nhau. Cuộc sống này luôn luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu, có tích cực là phải có tiêu cực, có vui là phải có buồn, có sinh là phải có tử, có thiện là phải có ác,…

Thế gian này những mặt đối lập luôn tồn tại song song với nhau, chúng ta hãy nhận thức sáng suốt để hiểu rõ điều đó mà vui vẻ lạc quan để làm những gì có ích lợi cho nhân loại. Có những chuyện làm cho ta được hài lòng vừa ý, lại có những chuyện khiến cho ta đau buồn khổ sở, nhưng đó là những điều không thể thiếu để tạo nên cuộc sống.

Phật dạy trong bầu vũ trụ bao la này từ con người cho đến muôn loài vật là sự nương tựa vào nhau, không tách rời nhau, theo nguyên lý duyên sinh cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt kia làm tiền đề cho nhau. Có nhiều người được thành công một khoảng thời gian dài, nhưng đến khi thất bại thì lại bị suy sụp tinh thần và sống trong tuyệt vọng. Thực tế trong cuộc sống sự thành công và thất bại là hai điều kiện luôn đồng hành với nhau, bởi nhân quả đã gieo trong quá khứ và hiện tại, cho nên có người tốt kẻ xấu.

Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự phát triển để thay đổi cho phù hợp cuộc sống hiện tại. Nếu không có mâu thuẫn đối kháng thì sẽ không có sự tiến bộ. Có nhiều khi, vì những mâu thuẫn trong cuộc sống mà ta quyết tâm phải vươn lên vượt qua số phận tối tăm. Chính những mâu thuẫn đó lại giúp cho chúng ta mạnh mẽ hơn để đạt được thành công. Nếu nhìn nhận cuộc sống theo quan điểm đúng đắn của nhà Phật thì sẽ thấy cuộc đời là một chuỗi nhân duyên đan xen chằng chịch diễn ra rất logic, không có gì là vô lý cả.

Có một anh chàng nọ làm nghề lái xe sống rất lạc quan, yêu đời dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm anh buồn lòng, nản chí. Trong một tai nạn bất ngờ anh bị cưa một chân, bạn bè đến thăm mới hỏi cuộc sống anh lúc này ra sao, anh vui vẻ trả lời bây giờ chỉ tốn tiền mua một chiếc giày thôi! Rõ ràng, người lạc quan dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm cho họ thất chí nản lòng mà sinh ra buồn khổ, bởi mọi thứ đến với ta tốt hay xấu đều do nhân quả chi phối.

Báo sức khỏe nói: Thái độ sống lạc quan, yêu đời sẽ giúp cho chúng ta có thêm nghị lực sống, ý chí quyết tâm cũng như cách vượt qua stress và hơn thế nữa là tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Chắc bạn nghĩ đó là chuyện không thể phải không? Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh thái độ sống lạc quan, tích cực sẽ kích thích việc sản sinh hormone endorphin có tác dụng làm giảm đau và serotonin giúp điều hòa tâm trạng, hệ miễn dịch được tăng cường dẫn đến tăng sức đề kháng cơ thể, một liều thuốc tự nhiên kỳ diệu. Ngược lại thái độ bi quan, tiêu cực sẽ sản sinh cortisol, gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ, kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm xơ cứng động mạch, gây ra bệnh tim mạch. Bi quan tiêu cực thật sự là liều thuốc độc đối với cơ thể.

Khi chúng ta là một người bình thường có đầy đủ sáu căn, có cơm ăn áo mặc, có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống ấm no bên gia đình người thân và những người xung quanh, thì chúng ta đã may mắn hơn nhiều người khác. Do đó sống lạc quan với thái độ tích cực, yêu đời, tức là chúng ta có cơ hội tốt để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đóng góp lợi ích xã hội một cách nhiệt tình thì còn gì mà bi quan.

Thay đổi tư duy và tin sâu nhân quả là quy luật sống. Những ai chỉ biết bám víu và tiếc nuối vào quá khứ thì sẽ đánh mất mình trong hiện tại. Chúng ta tư duy tích cực để nhận ra bản chất của cuộc đời, nhờ vậy chúng ta biết cách làm chủ bản thân để không bị rơi vào trạng thái bi quan, chán nản.

Có nhiều người nói đạo Phật rất bi quan vì cho rằng “đời là bể khổ”, sự thật không phải như vậy. Người bi quan thường có thói quen nghĩ rằng việc sắp đến đều là xấu cả, nên chán nản, không tin tưởng, hoặc mất niềm tin vào hiện tại và tương lai. Đạo Phật chỉ nói rằng sống làm người thì phải chịu khổ về thể xác lẫn tinh thần. Giáo lý của đạo Phật được phát xuất từ kinh nghiệm dựa trên thực tế cuộc sống, cho nên làm thế nào để chúng ta thoát khỏi khổ đau lẫn thể xác và tinh thần.

Vì cuộc sống này là vô thường nên chúng ta cần biết quý trọng từng phút giây, sống sao cho ý nghĩa...

Vì cuộc sống này là vô thường nên chúng ta cần biết quý trọng từng phút giây, sống sao cho ý nghĩa…

Những lời Phật dạy về con người, về cuộc đời chính là cách thức, giúp ta suy tư, nghiệm xét nhờ vậy mà có một hiểu biết chân chính để sống tốt hơn. Những người chưa biết đạo Phật, thường nghĩ rất sai lầm, họ cho rằng đạo Phật là chán đời, bi quan, yếm thế, làm cho con người trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình người thân và xã hội.

Đạo Phật nói “vô thường”, để cho chúng ta thấy rõ được bản chất mọi hiện tượng sự vật không thực thể cố định mà cố gắng tu tập để sống tốt hơn và biết cách làm chủ bản thân. Nhiều người cứ nghĩ rằng thân tâm và hoàn cảnh đều vô thường thì không nên siêng năng làm việc. Nghĩ như thế thật là hiểu lầm lời Phật dạy. Chúng ta hiểu được lý vô thường thì mình sẽ bình tĩnh an nhiên trước những thay đổi bất ngờ, và ta sẽ có thể không bị khổ đau chi phối nặng nề khi mất mát chia lìa.

Hiểu được vô thường, con người mới dám hy sinh tài sản của cải, hoặc hy sinh thân mạng để làm những việc có lợi ích chung. Thật ra đạo Phật mới là đạo rất yêu đời, vì biết rõ bản chất từ con người cho đến muôn loài vật đều chịu sự chi phối của vô thường. Con người thì sinh, già, bệnh, chết hoàn cảnh sự vật thì thành, trụ, hoại, không nhờ hiểu biết như vậy ta sẽ bớt buồn khổ khi sự việc đổi thay.

Ngày xưa có một người sống sung sướng trong cảnh vương giả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan như vậy mà vẫn quyết chí xả bỏ tất cả để ra đi tìm cầu chân lý, giúp cho chính mình vượt thoát khổ đau. Trải qua một chặng đường dài trên 11 năm, Ngài đã tu chứng dưới cội Bồ đề biết cách làm chủ bản thân để thoát khỏi khổ đau sinh già bệnh chết. Ngài thấy rõ ràng chúng sinh luân hồi sinh tử lăn lên lộn xuống trong ba cõi sáu đường giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường là do mình tạo ra.

Nếu chúng ta là người vui vẻ lạc quan, yêu đời thì khi nhìn thấy những chiếc lá rơi đó là sự tuần hoàn sự sống của cây, bởi chúng ta đang nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Còn nếu ta là người bi quan luôn than thân trách phận, nhìn cuộc sống bởi một màu xám xịt chúng ta sẽ cảm thấy u buồn, sầu khổ trước những hiện tượng tự nhiên đó.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bài viết liên quan

Phản hồi