Làm sao để thấy một người tài giỏi hơn, mình không có tâm đố kỵ?

Hỏi: Thưa Thầy cho con hỏi, làm sao để khi gặp một người tài giỏi hơn mình, thì mình không có sanh tâm đố kỵ?

Có một điều kỳ lạ thế này, mình càng ghét người thông minh, học giỏi hơn mình bao nhiêu thì sự thông minh, học giỏi của mình chỉ càng đi xuống. Ảnh minh họa.

Có một điều kỳ lạ thế này, mình càng ghét người thông minh, học giỏi hơn mình bao nhiêu thì sự thông minh, học giỏi của mình chỉ càng đi xuống. Ảnh minh họa.

Đáp:

Thầy có giảng một bài Pháp với chủ đề là “Nhân quả để thông minh, học giỏi”. Thầy sẽ lấy một ví dụ để từ đó mình hiểu rộng ra.

Bạn nào muốn học giỏi, thì hãy nghe lại bài pháp đó. Thầy có kể một số ý để các bạn thực hành.

Có một điều kỳ lạ thế này, mình càng ghét người thông minh, học giỏi hơn mình bao nhiêu thì sự thông minh, học giỏi của mình chỉ càng đi xuống. Các con nên biết, sự học giỏi phải đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó chính phải kể ra là:

1. Là sự cố gắng, siêng năng:

Người học giỏi phải thật sự cố gắng, siêng năng thì mới có kết quả. Có một nhà Bác học nói rằng, nhân tài hay sự thông minh chỉ có 1%, còn lại 99% là sự cố gắng.

2. Phải có phước:

Nói theo nhà Phật, một người phải có phước thông minh, học giỏi thì mới được thông minh, học giỏi. Các bạn để ý thử trong lớp của mình xem, có những bạn rất siêng học nhưng không bao giờ được học sinh giỏi, có những người học chơi chơi mà lại giỏi đều đều. Có những người học trong lớp rất giỏi, nhưng đến khi ra thi cử thì không bao giờ đạt vị trí cao. Có điều gì rất lạ phải không, giống như câu “học tài thi phận” vậy. Nhưng không phải trường hợp nào cũng như vậy để các bạn lấy làm biện minh cho cái lười học của mình nha.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, một người có thông minh, học giỏi, hay nói rộng ra là người đó có đẹp, có giàu, có khoẻ, người đó có uy quyền… không phải là tự nhiên có. Không phải tự nhiên các con được đẹp. Nói theo nhà Phật, là các con trong kiếp trước có làm một trong bốn phước: bố thí về vật thực; bố thí về y phục; dọn rác, sạch sẽ trang nghiêm; bớt giận.

Khi gặp người tài giỏi hơn, mình phải làm gì để không sanh tâm đố kỵ? Các con phải suy nghĩ như thế này, họ giỏi hơn là do phước họ đã thực hiện, đã tu tập được, điều này là cả một quá trình của họ từng làm, bây giờ họ mới được giỏi. Còn hôm nay tại sao mình dở hơn họ? Là mình biết là do mình thiếu phước, chưa đủ sự cố gắng. Vì vậy, người nào hiểu được, thay vì đố kỵ mình sẽ cố gắng làm phước, tu tập để sau này được cái phước tốt đẹp, tài giỏi như vậy.

Ông bà mình hay nói “Nồi nào úp vung đó”, mọi cái đều có cái giá xứng đáng của nó, mây tầng nào thì gặp mây tầng đó. Hoặc nói theo Kinh Dịch là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Phương Tây cũng có một câu nói rất hay: “Anh hãy cho tôi biết những người bạn của anh, tôi sẽ nói về con người của anh”, tức là con người của mình như thế nào, mình sẽ chọn những người bạn tương xứng như thế.

Từ đó, mình đúc kết ra một điều rằng, khi mình thấy người khác tài giỏi hơn mà lại sinh tâm đố kỵ, thì con người của mình không được đẹp. Chính cái không đẹp này, tự mình đã đưa cái đẳng cấp của mình đi xuống. Thầy nhắc các bạn như thế này, các bạn muốn mình học giỏi thì không nên cầu mong người kia học dở, mà phải mong họ học giỏi. Người nào làm được điều này, người đó mới có thể bức phá thành công được. Hoan hỷ với thành tựu của người khác, điều này rất khó làm phải không?

Khi mình có thể hoan hỷ, mong muốn thật sự người khác được tài giỏi hơn mình, lúc đó tâm mình rộng lớn, sẽ chiêu cảm được những điều cao đẹp.

Khi mình có thể hoan hỷ, mong muốn thật sự người khác được tài giỏi hơn mình, lúc đó tâm mình rộng lớn, sẽ chiêu cảm được những điều cao đẹp.

Tại sao, thầy muốn các bạn phải hoan hỷ với thành tựu của người khác vậy? Các bạn nhìn xem, chai nước và lu nước thì cái nào chứa được nhiều nước hơn hơn? Chính sự dung chứa của lu nước to hơn cái chai nên mới có thể chứa được nhiều nước. Tâm của mình cũng vậy. Tâm mình càng rộng lượng, to lớn bao nhiêu thì càng dung chứa được nhiều tài năng và đức hạnh cao đẹp. Còn cái tâm mình mà lúc nào cũng đố kỵ, nhỏ nhen, tham lam, kẹo kéo thì tâm đó có chút xíu thôi, làm sao có thể chứa nổi những điều hay, điều tốt đẹp. Khi mình có thể hoan hỷ, mong muốn thật sự người khác được tài giỏi hơn mình, lúc đó tâm mình rộng lớn, sẽ chiêu cảm được những điều cao đẹp.

Cũng giống như sông và biển, vì sao biển lại chứa được nhiều nước hơn. Thứ nhất, là vì biển rộng hơn sông. Và thứ hai, biển thấp hơn sông. Con người mình cũng vậy. Con người muốn phát triển thì tâm lượng phải rộng rãi, bao dung, biết khiêm cung, biết lễ độ, biết cúi xuống. Giống như cây lúa chín thì nó cúi đầu.

Thầy liên hệ ví dụ riêng về bản thân Thầy, nếu hôm nay Thầy đi giảng cho các con, mà Thầy thấy một Quý Cô nào, một Quý Thầy nào, hay một bạn nào giảng hay hơn Thầy. Nếu Thầy sanh tâm ghen ghét, đố kỵ với người đó, thì xin thưa ngày hôm đó Thầy chỉ đi xuống thôi. Vì chắc chắn rằng, ngày hôm đó trong tâm Thầy sẽ không chứa được những điều cao đẹp để nói ra, để giảng dạy cho các bạn, Thầy sẽ không giảng được nữa.

Vậy, Thầy xin chốt lại một câu “Đạo lớn không chứa được trong tâm của người nhỏ bé”.

Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp

Bài viết liên quan

Phản hồi