Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021) với chủ đề ’40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và Phát triển cùng đất nước’ sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng 7/11/2021.
Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Qua đó khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng thống nhất các sơn môn, hệ phái của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam.
Trải qua 8 nhiệm kỳ, trong chặng đường 40 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo. Thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước. Phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Giáo hội thành lập và xây dựng 04 Học viện Phật giáo mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP Cần Thơ. Đến nay các Học viện đã đào tạo trên 10.000 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 Tăng Ni sinh.
Giáo hội cũng đã chủ động gửi các Tăng Ni đi đào tạo, du học nước ngoài. Đến nay Giáo hội đã giới thiệu gần 1000 Tăng Ni đi du học ở các nước: Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Sri Lanka… Đã có khoảng hơn 200 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Tăng Ni của Giáo hội.
Công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng tâm của Giáo hội, của Tăng Ni, Phật Công tác từ thiện tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động. Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 01 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân hàng năm.
Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo quốc tế trước các thảm họa thiên tai động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Nepal, Indonesia…và gần đây nhất, trong làn sóng đại dịch COVID-19, Giáo hội đã ủng hộ lương thực, trang thiết bị vật tư y tế cho nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal…trong công tác phòng chống dịch.
Trong phòng, chống đại dịch COVID-19, Giáo hội đã chỉ đạo các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện dừng sinh hoạt tập trung đông người, dùng tổ chức tất cả các lễ hội, các khóa lễ, khóa tu tập đông người; có văn bản kêu gọi các Phật tử thực hiện các quy định, các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế thực hiện 5K và động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ vắc xin và Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc cho bệnh nhân…trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Nhiều Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khôi phục và xây dựng 09 ngôi chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử các vị Sư Tăng ra trụ trì các chùa ngoài đảo, sống cùng với các chiến sỹ, quân và dân trên đảo để ngày đêm bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên biên giới đất liền, Giáo hội đã xây dựng các ngôi chùa vùng biên cương ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum… đây là những cột mốc tâm linh góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực chủ động trong hội nhập quốc tế và mở rộng hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế với các tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới và các tổ chức tôn giáo theo phương châm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Thành tựu nổi bật trong quan hệ quốc tế là Giáo hội đã tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Việt Nam vào các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Qua các kỳ Vesak rất thành công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội. Qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, giới thiệu về truyền thống văn hóa, hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam để có những bước đi vững chắc cùng đất nước trong tương lai xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng hướng đến 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước…
Phản hồi