Kiêu căng và khiêm tốn
Kiêu căng và khiêm tốn là hai khái niệm thuộc phạm trù đạo đức tâm lý học. Đạo đức vì nó nằm trong mối tương quan so sánh giữa người này với người khác. Tâm lý vì nó xuất phát từ nhận thức của mỗi cá nhân trước một sự kiện nào đó.
Trước khi bàn luận sâu hơn về nội hàm của hai khái niệm, chúng ta cùng tìm hiểu nó qua định nghĩa của từ điển tiếng Việt tí nhá.
Kiêu căng: tự cho mình hơn người nên xem thường người khác một cách lộ liễu. Đồng nghĩa với nó là kiêu ngạo. Trái nghĩa của nó là khiêm tốn.
Khiêm tốn: có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng tự phụ. Trái nghĩa của nó là kiêu căng, kiêu ngạo.
Định nghĩa trên cho ta hai góc độ:
– Thứ nhất là so sánh mình với người khác
– Thứ hai là đề cao mình và hạ thấp người khác hoặc biết mình biết người một cách đúng mực.
Bây giờ xin đi sâu hơn một chút về nội hàm của hai khái niệm trên.
Kiêu căng, theo Phật giáo, là một trong mười món căn bản phiền não. Nghĩa tương đương của nó trong thuật ngữ Phật giáo mà Mạn. Tại sao chúng lại được liệt vào căn bản phiền não? vì chúng là gốc rễ sinh ra 20 món tuỳ phiền não khác như phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, kiêu, xiểm, hại, vô tàm, vô quý, điệu cử, hôn trầm, tán loạn, phóng dật, bất tín, giải đãi, thất niệm và bất chính tri.
Có 7 tình huống được xác định là kiêu căng, gồm có: mạn, ngã mạn, quá mạn, mạn quá mạn, tăng thượng mạn, ty liệt mạn và tà mạn.
– Mạn: hơn người ít mà nghĩ mình hơn nhiều.
– Ngã mạn: ỷ mình giỏi mà lấn lướt người.
– Quá mạn: mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà cho là bằng.
– Mạn quá mạn: người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.
– Tăng thượng mạn: chưa đạt được mà cho mình đã đạt được.
– Ty liệt mạn: mình thua người nhiều mà cho rằng thua ít.
– Tà mạn: có chút giỏi giang xuất chúng mà khinh khi người.
Vậy là cả 7 tình huống trên đều được đặt trong mối tương quan so sánh mình với người và điểm chung của chúng là đề cao những gì mình có và hạ thấp những gì người khác có.
Khiêm tốn, đối lập với kiêu căng, được coi là pháp môn tu tập nhằm giảm trừ cái Tôi và cái của Tôi. Khi biết bớt đi những cố chấp vào cái Tôi và cái của Tôi thì an lạc và hạnh phúc tăng trưởng. Giải thoát tỷ lệ nghịch với tư tưởng chấp Ngã và Ngã sở.
Từ 7 tình huống trong phạm vi của khái niệm kiêu căng, chúng ta cũng có thể suy ra 7 tình huống được xác định là khiêm tốn. Giá trị cốt lõi của chúng là buông bỏ chấp Ngã và Ngã sở, tính tương đối của khái niệm nằm trong phạm trù biết rõ về chính ta. Khi ta biết ta có gì, không có gì thì ta có thể định vị chính xác ta đứng ở đâu trong các mối quan hệ giữa người với người.
Từ nội hàm và bản chất của hai khái niệm trên, chúng ta nhận thấy chúng chỉ có ý nghĩa khi ta bắt đầu có sự so sánh hơn thua, cao thấp… Nếu từ chối mọi sự so sánh thì hai khái niệm trên tự nhiên sẽ trở thành thừa thãi.
Tính tiêu cực trong khái niệm kiêu căng nằm ở chỗ nó quá đề cao cái Tôi, vượt hơn thực tại mà mình có. Chính thái độ đó khước từ khả năng học hỏi của ta với người khác, khước từ khả năng nhìn nhận thực tế như chúng là, khước từ khả năng hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.
Tính tích cực trong khái niệm khiêm tốn nằm ở chỗ nó giúp ta buông bỏ dần dần sự cố chấp vào cái Tôi ích kỷ, nhỏ nhặt. Nó mở ra khả năng tiếp nhận và học hỏi điều hay lẽ phải, là cơ sở cho sự hoàn thiện nhân cách, là điều kiện giúp ta có được sự an lạc và giải thoát.
Có đôi chút nhầm lẫn trong việc đánh giá đạo đức của cá nhân thông qua hai khái niệm trên. Người ta lầm tưởng rằng một người tin vào những gì mình đang có, nói chúng ra bằng ngôn ngữ là kiêu căng; ngược lại người nào lúc nào cũng nhún nhường, tỏ vẻ từ chối những thành quả mình đạt được là khiêm tốn. Kỳ thật không phải vậy.
Người ta có quyền tin vào những gì mình đã làm, dõng dạc tuyên bố nó trước đám đông, và đó không phải là thái độ kiêu căng ngạo mạn như một số người nghĩ, mà người đó, thực tế là người tự tin vào khả năng của mình. Và khi họ nói ra điều đó nghĩa là họ đã đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm với lời nói của mình.
Ngược lại, người nào tỏ ra nhún nhường, khép nép, không dám nói thì đa phần đều chỉ là một lũ nhu nhược và hèn nhát. Họ không có khả năng biết mình, và khi đó cũng chẳng có khả năng biết người, biết việc. Và tôi cam đoan phần lớn những kẻ đó cũng chẳng đủ bản lĩnh để nhận trách nhiệm mà mình đã vô tình gây ra hoặc góp phần gây ra.
Một người khiêm tốn thật sự không phải là kẻ nhu nhược. Họ biết rõ về mình, họ không so sánh mình với ai, họ đủ can đảm nói lên việc mình làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm với hành động đó. Họ không cúi đầu trước bất kỳ ai nhưng họ chịu khó học hỏi trong mọi tình huống. Vì họ biết rõ mình nên họ cũng biết rõ người, họ đánh giá chúng dựa trên năng lực và sự thật chứ không phải là những ngôn từ nhún nhường sáo rỗng.
Thay vì quan tâm đến chuyện kiêu căng hay khiêm tốn, hãy học biết mình và biết người.
Thay vì quan tâm đến chuyện so sánh người này người khác, hãy tự so sánh mình của ngày hôm nay với ngày hôm qua và ngày mai.
Nếu bạn khen tôi, và điều bạn khen tôi là đúng, tôi sẽ nhận. Khi tôi nhận, bạn sẽ ngừng khen và tôi sẽ không phải sống mãi trong hào quang của tâng bốc nịnh nọt.
Nếu tôi giả vờ từ chối, ấy là lúc tôi đang thèm người ta khen tôi thêm một câu nữa: “bạn thật là khiêm tốn”và thế là tôi vừa được khen giỏi giang, vừa được khen khiêm tốn.
Tùng Huỳnh
Phản hồi