Không thể được
Khi nhìn trẻ con khóc lóc cố đòi cho bằng được những vật ngoài khả năng sở hữu của cha mẹ nó, người lớn chúng ta hay mỉm cười cảm thông độ lượng. Chỉ có trẻ con mới cố đòi những vật “không thể được”. Khi nào lớn khôn các cháu sẽ hiểu.
Vậy mà không ít người đã lớn khôn, học rộng hiểu nhiều, thừa kinh nghiệm sống nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn không hơn trẻ con là mấy. Vẫn hy vọng, mong chờ vô số điều vốn “không thể được”. Câu chuyện vua Văn-trà dưới đây là một điển hình.
“Một thời Tôn giả Na-la-đà ở trong vườn trúc của trưởng giả nước Ba-ca-lê. Bấy giờ vua Văn-trà có đệ nhất phu nhân mạng chung. Vua rất yêu bà chưa từng lìa tâm. Khi ấy, có một người đến tâu vua:
– Đại vương nên biết! Nay đệ nhất phu nhân đã mạng chung.
Vua nghe phu nhân chết, ôm lòng sầu lo, nói với mọi người.
– Các ngươi mau khiêng xác phu nhân, ướp dầu mè cho ta được thấy.
Bấy giờ, người ta vâng lệnh vua, đem phu nhân đặt trong dầu mè. Vua nghe phu nhân đã chết, hết sức sầu não, không ăn, không uống, không cai trị theo vương pháp, cũng bỏ bê việc vua. Khi ấy, tả hữu có một người tên Thiện Niệm, thường cầm kiếm hầu đại vương, tâu:
– Đại vương nên biết! Trong nước này có Sa-môn tên Na-la-đà đắc A-la-hán, có đại thần túc, hiểu rộng biết nhiều, không gì chẳng rành, biện tài dũng tuệ, khi nói thường cười nụ. Xin vua hãy đến nghe ngài thuyết pháp. Vua nghe pháp sẽ không còn sầu lo, khổ não nữa. (…)
Bấy giờ, vua ngồi xe vũ bảo ra khỏi thành đến chỗ Na-la-đà, đi bộ vào vườn trúc của trưởng giả; bỏ năm uy dung của nhân vương xuống một chỗ. Đến ngài Na-la-đà, quỳ lạy rồi ngồi một bên.
Khi ấy, Na-la-đà bảo vua:
– Đại vương nên biết! Pháp huyễn mộng chớ khởi sầu lo, pháp bọt bèo, và chớ đem tuyết đọng mà khởi sầu lo và cũng chớ nên đem tưởng pháp như hoa mà khởi sầu lo. Vì sao thế? Nay có năm việc rất không thể được, là lời Như Lai nói. Thế nào là năm? Phàm vật đáng dứt mà muốn cho chẳng dứt, điều này không thể được. Phàm vật đáng diệt mà muốn cho đừng diệt, điều này chẳng thể được. Phàm già muốn mà không già, điều này chẳng thể được. Lại nữa, bệnh mà muốn cho không bệnh, điều này chẳng thể được. Lại nữa, chết mà muốn cho không chết, điều này chẳng thể được. Đó là, này đại vương! Có năm việc này rất chẳng thể được, là lời Như Lai nói”…
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 32.Thiện tụ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.231)
Khi mất đi một cái gì quý giá nhất, như mất người thân thương chẳng hạn thì niềm đau dường như khiến chúng ta hóa đá. Nỗi đau, tiếc thương như trùm phủ lên xám xịt cả cuộc đời này. Chúng ta trân trọng những niềm riêng ngập tràn xúc cảm ấy nhưng vấn đề là phải biết cách gượng dậy, bước tới để tiếp tục cuộc hành trình.
Trong kinh văn, Tôn giả Na-la-đà đã khai thị cho vua Văn-trà về tính vô thường của các pháp, rõ biết đó là điều “không thể được”. Vì vô thường xảy ra trong từng tích tắc mà ta cứ mong mọi sự thường hằng thì làm sao được. Nên khi bị “mất, diệt, già, bệnh, chết” thì hãy quán chiếu: “Chẳng phải riêng một mình phải chịu. Người khác cũng có pháp này”. Nghĩa là, ai trên đời này cũng phải chịu “mất, diệt, già, bệnh, chết” cả, đây là điều bình thường luôn xảy ra với ta và mọi người.
Mặt khác, nếu cứ để cho niềm đau hành hạ mà không tự thoát ra thì rốt cuộc chỉ hại thân này. Thực tế thì có không ít người phải gánh chịu nỗi đau kép. Cái vật hay con người mất rồi thì đau khổ đã đành. Nhưng vì quá đau thương, chúng ta quyết không chấp nhận sự thật ở đời là “không thể được” để tự nguôi ngoai nên khổ đau lại chồng thêm đau khổ. Thế nên, thường suy ngẫm về vô thường để ngộ ra nhiều điều “không thể được” mà tùy duyên tiếp vật, sống tự tại an nhiên.
Quảng Tánh
Phản hồi