Khổ hạnh chân thật
PGĐS – Sau khi dùng truyền thông bẩn chống phá Phật giáo, định hướng dư luận đối với Tăng đoàn hiện nay, chỉ sống vì tiền, thay vì xiển dương chánh pháp, ngoại đạo lại tiếp tục tung hô những hình ảnh giả sư, thiếu tu học, lệch chuẩn hoặc rớt vào ngũ ấm ma, tách ly khỏi tăng đoàn, để xuyên tạc Phật giáo.
Họ đề cao những người giả trang thiền tướng, tu hạnh đầu đà, đắp y bá nạp, bưng nồi cơm điện đi trình diễn khắp nơi trên mạng xã hội, là bậc chân tu. Trái lại với những hình ảnh nhếch nhác, mất quy cũ, thiếu trang nghiêm ấy, chỉ là hạng mượn đạo tạo đời. Làm cho quần chúng hiểu lầm về đạo Phật. Mục đích duy nhất của họ là đánh sập niềm tin của quần chúng vào Phật giáo, để cải đạo tín đồ, Phật tử.
Trước hết, cần phải khẳng định, khổ hạnh chẳng phải là chủ trương của Phật giáo, vì mục đích duy nhất của đạo Phật là giải thoát sanh tử thông qua phương tiện tam thừa. Trong kinh Tương Ưng Bộ V, Đức Phật dạy:“Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Cho nên, những ai cho rằng, khổ hạnh mới là bậc tu hành chân chính, là quan niệm sai lầm. Nếu người tu khổ hạnh với một nội tâm ô nhiễm, còn chấp trước, thì không khéo đã bị lạc vào ma đạo như trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đề cập đến loại Ma Quỷ Thần là một trong mười loại ma thuộc phạm vi Thọ Ấm, dựa nhập vào người tu, phô bày khổ hạnh, để hấp dẫn đồ chúng.
Phật dạy:“Do sức ma nhiếp trì, thường ăn cây thuốc chứ chẳng ăn cơm. Hoặc hằng ngày chỉ ăn một hột mè hoặc một hột lúa mà thân vẫn béo mạnh; Phỉ báng Tỳ Kheo, chửi mắng đồ chúng, chẳng tránh hiềm khích; Ưa nói kho báu nơi tha phương hoặc chỗ ẩn cư của bậc Thánh hiền mười phương. Những người theo sau thường thấy có kẻ kỳ lạ. Đây gọi là loại quỷ thần sơn lâm, thổ địa, thành hoàng sông núi”.
Do đó, người Phật tử cần phải cẩn trọng với những hiện tượng ngoại đạo khai thác truyền thông tương tự với 12 (có nơi ghi 13) hạnh đầu đà:
1-Y phục làm bằng những mảnh vải rách.
2-Chỉ dùng ba y.
3-Khất thực mà ăn.
4-Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa.
5-Không ăn quá no.
6-Không giữ tiền bạc.
7-Sống độc cư.
8-Sống trong nghĩa địa.
9-Sống dưới gốc cây.
10-Sống ngoài trời.
11-Không ở cố định, thường du hành.
12-Ngồi ngủ, không nằm ngủ.
Đối với người xuất gia, không nhất thiết phải đắp y, trì bát, mới là tu khổ hạnh, mà chỉ cần giữ đúng mực một trong mười hai hạnh đầu đà như trên nhằm hướng tới giải thoát. Hiện tượng một vài cá nhân chỉ tự nhận không giữ tiền, đắp y bá nạp, lấy nồi cơm điện thay cho bình bát mà không cần tôn trọng quy cách chế y bát của nhà Phật, cũng như sự truyền thừa của hệ phái, bày điều dị hoặc, thì coi chừng đó là kẻ tu lạc hoặc giả sư phá hoại Phật giáo. Bởi đã thọ trì khổ hạnh, thì không mong cầu danh lợi. Huống chi, mặc cho các YouTuber khai thác truyền thông nhằm xuyên tạc Tăng đoàn.
Dù trong kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Nhập đạo, Đức Phật khẳng định:”Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập”. Nhưng khổ hạnh của đạo Phật trái với mục đích của ngoại đạo là hành thân, hoại thể để cầu sanh lên thiên giới, mà chủ trương lấy đó làm phương tiện dứt bỏ tham dục.
Thiết nghĩ: “Phật pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt phát tâm”. Sở dĩ ngoại đề cao việc chư Tăng không giữ tiền mới đúng chánh pháp, chủ yếu nhằm đánh sập kinh tế Phật giáo, khiến cho các hoạt động Phật sự như như từ thiện xã hội, tổ chức sự kiện Phật giáo, kiến thiết tòng lâm, đào tạo tăng tài, v.v… bị tê liệt và làm cho đạo Phật trở nên suy yếu. Vì đã tác động tiêu cực đến sự phát tâm hộ trì của tín đồ Phật giáo. Luật Sa Di dạy: “Người xuất gia thời nay không phải ai cũng khất thực, mà hoặc nhập tòng lâm, hoặc ở am viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi cần đến tiền bạc” ( HT. Trí Quang). Nên ngày nay, người xuất gia được phép sử dụng tiền bạc, để phụng sự Tam Bảo là tất yếu. Vì bản chất thanh tịnh hay không đều tùy thuộc vào nội tâm của hành giả, chẳng phụ vào hình thức bên ngoài. Đó là nếp sống Trung đạo.
Vì Trung đạo là Bát Chánh Đạo. Nên chư Tăng ngày nào còn thực hành Bát Chánh Đạo là còn thánh quả Sa Môn. Chính Đức Phật, đã thị hiện từ bỏ các các loại khổ hạnh cực đoan trước khi chứng đắc Niết bàn. Nên chẳng thể dựa vào hạng vô văn phàm phu hiện tướng khổ hạnh mà xuyên tạc giáo pháp. Đối với người xuất gia, quan trọng nhất vẫn là biết sống thiểu dục tri túc. Đó mới là khổ hạnh chân chính.
Lý Diện Bích
Phản hồi