Khi tâm bất thiện phát khởi hãy mau lớn tiếng niệm Phật

Nếu người niệm Phật còn chưa sạch trần cấu, khi ác niệm nổi lên thì nên tự kiểm điểm. Nếu như mình có tâm keo tham, tâm sân hận, tâm si ái, tâm ganh ghét, tâm khinh dối, tâm hợm mình, tâm kiêu căng, tâm dua vạy, tâm tà kiến, tâm khinh mạn, tâm năng sở (*).

Và khi gặp phải hết thảy hoàn cảnh thuận – nghịch liền thuận theo nhiễm cấu phát sanh hết thảy các tâm bất thiện; nếu khi các tâm như vậy phát khởi thì nên mau lớn tiếng niệm Phật, gom ý niệm về chỗ đúng đắn, đừng để cho tâm ác tiếp nối. Niệm miết cho đến khi ác niệm hết sạch, vĩnh viễn không còn sanh lại nữa.

Thường phải nên thủ hộ tất cả tâm thâm tín, tâm chí thành, tâm phát nguyện hồi hướng, tâm từ bi, tâm khiêm hạ, tâm bình đẳng, tâm phương tiện, tâm nhẫn nhục, tâm trì giới, tâm hỷ xả, tâm thiền định, tâm tinh tấn, tâm Bồ Ðề và hết thảy thiện tâm. Lại nên xa lìa những điều trái với phạm hạnh, thực hành những luật nghi dứt ác, đừng nuôi dưỡng gà, chó, lợn, dê; những việc như săn bắn, đánh cá đều chẳng nên làm. Nên học đòi theo Phật, nên lấy việc bỏ ác làm lành để răn xét mình!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Bậc tin chơn thật tu hành chỉ cốt nhớ được một câu A Di Ðà Phật này trong mỗi ý niệm, đừng để cho quên mất, niệm niệm thường hiện tiền, niệm niệm chẳng lìa tâm. Vô sự cũng niệm như thế, hữu sự cũng niệm như thế. An vui cũng niệm như thế, bịnh khổ cũng niệm như thế. Sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế. Một niệm phân minh bất muội như thế thì cần gì phải hỏi người khác đường lối tu hành để được vãng sanh nữa?

(*)Tâm Năng Sở: Năng là chủ quan, Sở là khách quan. Chẳng hạn như khi ta nhìn một bông hoa thì tâm ta nhận biết bông hoa ấy, tâm ấy gọi là Năng Kiến Tâm (tâm thấy được), bông hoa ấy gọi là Sở Kiến vật (vật được thấy). Như vậy tâm Năng Sở chính là tâm phân biệt ta người, chủ quan và khách quan, có đối đãi, nhị nguyên.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu

Bài viết liên quan

Phản hồi