Khai mạc Tọa đàm Giáo dục Phật giáo Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội
Với chủ đề “Giáo dục học đường Phật giáo Việt Nam – 40 năm phát triển và những vấn đề đặt ra”, đây là buổi Tọa đàm khoa học cấp Quốc gia do Ban giáo dục Phật giáo Trung ương tổ chức sáng nay, ngày 06/11/2021 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) (1981-2021).
Phát biểu khai mạc, HT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, chủ tọa chương trình toạ đàm cho biết, buổi tọa đàm nằm trong nội dung hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN.
Theo đó, ba nhóm nội dung tọa đàm được đưa ra gồm: Thực trạng Giáo dục Phật giáo hiện nay; Bốn mươi năm Giáo dục đào tạo học đường Phật giáo Việt Nam; Giáo dục đào tạo Phật giáo Việt Nam trước thực tiễn và yêu cầu mới.
Qua đó, Ban tổ chức sẽ đưa ra các giải pháp về Giáo dục Phật giáo với công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Giáo dục học đường Phật giáo trong thời đại Cách mạng Công nghệ thông tin (4.0); Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo của các cấp học trong hệ thống Giáo dục đào tạo Phật giáo hiện nay… từ đó đã rút ra những kết luận và kiến nghị có tính giải pháp trước mắt và lâu dài.
Được biết, có khoảng gần 70 bài viết của các học giả, nhà khoa học, nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu ở nhiều cơ sở quan tâm gửi bài về cho Ban tổ chức.
HT.Thích Thanh Quyết phát biểu: Mong muốn thông qua Tọa đàm khoa học trực tuyến về giáo dục học đường Phật giáo này, sẽ kiện toàn chương trình giáo dục, nội dung giảng dạy, lực lượng giảng dạy, tài liệu giảng dạy cho các trường, lớp cho phù hợp.
Kết quả của buổi tọa đàm là cơ sở để Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương làm cơ sở biên soạn tài liệu và sắp xếp chương trình các cấp Phật học cho phù hợp với hệ thống giáo dục chung của GHPGVN, tăng thêm tính bền vững vốn có cơ sở, liên kết với nhau qua các lớp, các trường Phật học, trong khu vực cũng như tính văn hóa, của Giáo dục Phật giáo hiện tại và mai sau.
Giáo dục Phật giáo tạo nguồn nhân lực cho GHPG VN. Nếu giáo dục là tấm gương sinh động và trung thực phản ánh trình độ văn hóa, sự thịnh suy của mỗi quốc gia thì giáo dục Phật giáo phản ánh rõ nét những cung bậc thăng trầm của Phật giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Chính vì vậy, nhiều năm qua, Giáo hội rất quan tâm đến công tác giáo dục Phật học. Giáo hội thành lập và xây dựng 04 Học viện Phật giáo mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện PGVN tại Huế, Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP Cần Thơ. Đến nay các Học viện đã đào tạo trên 10.000 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 Tăng Ni sinh.
Đặc biệt, từ năm 2017, các Học viện Phật giáo trong cả nước đáp ứng tiêu chí đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ Phật học, đánh dấu bước phát triển trong lĩnh vực giáo dục.
40 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đến nay HVPGVN tại Hà Nội đã và đang đào tạo được 8 khóa hệ cử nhân, 5 khóa hệ Cao đẳng và 2 khóa hệ sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học).
Chỉ riêng với hệ cử nhân, qua 7 khóa học, Học viện đã cung cấp cho Giáo hội và xã hội 1.304 vị Tăng Ni có học vị cử nhân Phật học, đủ hạnh tuệ đảm trách sự nghiệp hoằng pháp trong các lĩnh vực ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
Phản hồi