Khác nhau giữa Tết miền Bắc, Tết miền Nam và Tết miền Trung

Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, song mỗi vùng miền đều có các hình thức đón Tết khác nhau. Giữa ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam từ lâu đã có những nét đặc trưng riêng, bản sắc vùng hiện hiện lên rất rõ trong ẩm thực, cách trang trí nhà cửa, quan niệm về năm mới hay cách vui chơi sinh hoạt… Trong bài viết dưới đây, Phật giáo đời sống sẽ chỉ ra những điểm khác nhau giữa Tết miền Bắc, Tết miền Nam và Tết miền Trung. Tham khảo ngay nhé!

1. Loài hoa chưng Tết đặc trưng

Hoa đào là loại hoa đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết của người miền Bắc. Loài hoa này vừa tạo không khí mùa xuân vui tươi, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới. Đào bích được xem là loại đào được yêu thích nhất với bông hoa to, nhiều cánh, màu đậm.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-2

Hoa đào là loại hoa đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết của người miền Bắc. 

Một số gia đình cũng chưng đào phai, đào rừng, đào đá vừa thanh nhã, vừa độc đáo. Bên cạnh đó, người miền Bắc cũng thích mua cây quất với ước mong cho sự trù phú, tài lộc, ăn nên làm ra trong năm mới.

Trong khi đó, người miền Trung thường không câu nệ chuyện chơi hoa nào. Đào hay mai đều được. Bên cạnh đó, người dân miền Trung cũng có thể chọn thêm nhiều loại cây, hoa khác nhau để bày trong nhà dịp Tết đến.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-3
Người miền Nam thường chuộng hoa mai vàng rực rỡ 

Khác với miền Bắc và miền Trung, người miền Nam thường chuộng hoa mai vàng rực rỡ mỗi độ xuân về do sở hữu khí hậu nắng ấm quanh năm. Màu vàng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, tài lộc. Người dân thường lựa chọn cây có nhiều nụ và lộc, canh hoa nở đúng giao thừa hay sáng sớm mùng Một để đón thật nhiều may mắn và hạnh phúc cho gia đình trong năm mới.

2. Ẩm thực

Ẩm thực của người Bắc được thể hiện rõ ràng trên mâm cỗ Tết, bất cứ khi nào cũng phải đầy đủ bánh chưng xanh, thịt đông, canh măng, giò, thịt gà, dưa hành. Trong mâm cơm phải luôn có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn phương bốn mùa và mâm ngũ quả luôn có năm loại quả tượng trưng cho ngũ hành.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-4
Hình ảnh mâm ngũ quả của miền Bắc

Cụ thể, chuối xanh tượng trưng cho hành mộc, như bàn tay hứng lấy may mắn. Quả phật thủ hay quả bưởi có màu vàng là hành thổ, với ý nghĩa đem phúc lộc đầy nhà. Các loại quả đỏ như cam, quýt; hồng là hành hỏa; quả trắng như roi, đào là hành kim; và quả đen như mận, hồng xiêm, nho là hành thủy.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-5
Hình ảnh mâm ngũ quả của người miền Trung

Trong khi đó, ẩm thực ngày tết của người miền Trung đa dạng và phong phú hơn. Bạn có thể bắt gặp bánh tét ăn kèm dưa món chua, các món cuốn, xào, gà, giò, miến nấu…. Ngày tết miền Trung cũng không thể thiếu bánh in, bánh tổ, bánh lá răng dừa… Tuy không quá cầu kỳ nhưng luôn đủ đầy mặn ngọt như chính cuộc sống của người dân miền Trung.

Mâm ngũ quả của người miền Trung thường là có gì cúng nấy, chủ yếu là thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên, họ không hay dùng chuối xanh (đắng, chát), mà thường lựa những loại quả ngọt ngào, tròn thơm để cầu mong một năm mới an vui, thuận lợi.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-6
Hình ảnh mâm ngũ quả của người miền Nam

Tết của người phương Nam không thể thiếu các món ăn như bánh tét dẻo thơm, tôm khô, thịt kho tàu, củ kiệu, canh khổ qua với mong muốn năm mối cho qua hết khổ ải, nguyện cầu hạnh phúc và ấm no.

Với sự phóng khoáng vốn có, người miền Nam thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài”, với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc. Một số gia đình còn mua thêm sung, biểu tượng cho sự sung mãn về sức khỏe, sung túc về tiền bạc… Tuy nhiên, khác với người Bắc, người Nam không bày cam quýt vì quan niệm “cam đành quýt đoạn” tượng trưng cho sự ly tán, chia lìa.

3. Phong tục vào những ngày Tết

Ở miền Bắc, vào ngày tiễn ông Táo về trời, bên cạnh lễ vật cần thiết thì họ còn chuẩn bị cá chép còn sống với ngụ ý cá sẽ hóa thành rồng đưa ông Táo về trời. Cá chép sẽ được phóng sinh ra ao hồ hoặc sông sau khi cúng.

Ngày cuối cùng của năm cũ, người Bắc sẽ ăn với nhau bữa cơm tất niên bên gia đình sum họp. Mâm cơm Tết lúc nào cũng đầy đủ đồ ăn thức uống, vừa để dâng lên tổ tiên vừa là nơi để cả nhà quây quần.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-7
Mâm cơm tất niên của người miền Bắc

Thêm vào đó, giao thừa là thời điểm khiến mọi người trông mong nhất. Các gia đình sẽ tiến hành cúng giao thừa, lễ vật gồm ngoài hương hoa, quả phẩm còn có xôi, gà luộc  hoặc đầu heo, bánh chưng và cau trầu rượu. Trước đây cúng giao thừa xong, người miền Bắc còn có cổ tục đeo xâu bủa nêu ở trước cửa nhà. Sau đó, sẽ lên chùa cầu mong cho một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng.

Ở miền Trung, 30 tháng Chạp được xem là ngày đoàn tụ gia đình, cháu chắt, con cái về. Sau khi cúng Tất niên, cả gia đình thường họp mặt gia đình để tổng kết cuối năm cũng như chia sẻ những kế hoạch năm mới. Sáng 30 Tết, đàn ông trụ cột của gia đình đi mộ thắp hương cho ông bà tổ tiên, mời ông bà cùng về ăn Tết với con cháu.

Ở miền Trung cũng có tục “xông đất “như người Bắc vào sáng mồng một. Thường gia đình sẽ nhờ người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế, uy tín trong xã hội hoặc những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm. Sáng mùng Một, cả nhà thường được đánh thức bởi niềm vui năm mới, ai cũng dậy sớm để bày biện bánh kẹo đón người xông đất. Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thường đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng gần xa. Mồng hai mồng ba hàng xóm, láng giềng khắp nơi sẽ đến chúc Tết nhà mình.

Trong miền Nam vào những ngày giáp Tết, các gia đình sẽ tổ chức đi chạp mộ. Chiều 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời. Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”. Trong những ngày Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh phồng, bánh tráng và gà trống luộc.

tet-mien-bac-tet-mien-trung-tet-mien-nam-8
Lì xì bắt nguồn từ phong tục của người miền Nam

Ba ngày Tết với người miền Nam là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc nhau những điều tốt đẹp, mới mẻ.

Miền Nam cũng là cội nguồn của tục lì xì trước khi lan ra các vùng khác của Việt Nam. Tiền mới được bỏ vào phong bao có màu đỏ vàng, tặng trẻ nhỏ trong gia đình để lấy may, hay ăn chóng lớn, mọi sự được như ý. Bao đỏ lì xì là nét văn hóa của người miền Nam, không câu nệ giá trị mà chủ yếu đem lại niềm vui, tốt lành, may mắn.

4. Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết

Người miền Bắc có khá nhiều điều cần kiêng kỵ trong những ngày Tết, chẳng hạn:

  • Kiêng quét nhà
  • Kiêng đổ rác
  • Kiêng cho lửa ngày Tết
  • Rắc vôi bột ở 4 góc vườn
  • Tránh nói giông
  • Kiêng cho nước đầu năm
  • Kiêng làm vỡ bát đĩa

Trong khi đó, người miền Trung cũng có những điểm cần kiêng kỵ trong năm mới như:

  • Kiêng các món chế biến từ tôm
  • Kiêng trứng vịt lộn, thịt vịt

Ngoài ra, một số nơi ở miền Trung người ta thường kiêng mặc đồ màu trắng trong suốt tháng Giêng đầu năm mới.

Miền Nam cũng có những tục lệ kiêng kỵ trong những ngày Tết như:

  • Trành về nhà sau Giao thừa
  • Cất chổi sau khi quét dọn
  • Kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm
  • Phải dọn cỗ ngày Tết bất kể giờ giấc nào miễn là có khách đến nhà

Có thể nói, mỗi miền đất đều có những phong vị rất riêng về ngày Tết. Nhưng dù đi đâu về đâu, mỗi người dân Việt Nam vẫn cảm nhận được cái hồn chung dân tộc đong đầy mỗi dịp Tết đến xuân về. Hy vọng qua bài viết này của Phật giáo Đời sống, độc giả có thể dễ dàng hiểu được những khác biệt cũng như sớm có cơ hội được trải nghiệm văn hoá đón Tết Nguyên đán của từng vùng miền.

PGĐS- tổng hợp

Bài viết liên quan

Phản hồi