Kem mút tuổi thơ

PGĐS – Dễ đến cũng cả mấy chục năm tôi mới bất ngờ gặp lại hình ảnh của chiếc xe kem với âm thanh đặc trưng phát ra từ quả bóng cao su gắn với một chiếc loa (hay là kèn) bằng đồng hoặc sắt tây.
Chiếc xe bán kem mút gắn liền với tuổi thơ của nhiều người
Nghe thôi là đã biết xe kem sắp đi qua nhà mình. Nếu hôm nào may mắn được mẹ cho vài tờ tiền lẻ là mừng húm, cứ ra ngóng vào trông, thấp thỏm chờ tiếng kêu “bíp bíp”. Mà lạ, âm thanh ấy không lớn như những chiếc loa rao bán quà vặt thời nay, nhưng đám trẻ con chúng tôi nhạy lắm. Có khi từ đầu làng vẳng tiếng là tụi con nít đã đứng sẵn ở cổng để không bỏ lỡ cơ hội.Thế nhưng, có phải lúc nào cũng được mẹ dúi vào tay vài tờ tiền lẻ để được ăn kem sung sướng như thế đâu! Vậy nên, giữa cái nắng oi bức của ngày hè tháng 5, tháng 6, muốn được ăn kem, đám trẻ nhỏ nhà quê như tôi phải tìm mọi cách. Ngan, vịt sau khi bố làm thịt, mớ lông được phơi phô, rồi cất vào túi ni lông. Mớ tóc rối của mẹ cũng được gom góp cẩn thận. Vài chiếc chai thủy tinh, chai nhựa, đôi dép hỏng, những cuốn tập cũ… đều trở thành vật trao đổi để có được cây kem “trong mơ”. Thậm chí, đôi dép tổ ong mẹ mới mua, có khi cũng cố tình mang đi đổi kem. Cây kem mút trở thành thứ quà xa xỉ, nhất là vào những ngày nóng bức.

Nếu đám trẻ nhỏ ở miền Nam quen với kem gõ dạng ống tròn, dài, kem mút; ở miền Bắc cũng có đôi chút khác, có cả dạng kem tròn, nhưng phổ biến là kem làm trong khuôn hình chữ nhật. Xe kem thường được chở trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, có thùng vuông bằng gỗ xung quanh là nan cót. Để giữ kem được lâu, cô bán kem sẽ quây xung quanh rất nhiều xốp, vải bông, màn xô. Mỗi lần lấy kem, cô chú bán hàng sẽ cẩn thận lật từng lớp vải, rút kem đưa cho đám nhỏ chúng tôi, rồi lại nhanh chóng xếp lại để kem không tan chảy.

Tôi nhớ, những que kem đầu đời chỉ có vị ngọt gắt của đường hóa học và đá, được đúc khuôn trong những que bằng tre. Có những đứa vừa ăn vừa tiếc, muốn để dành nhiều khi rớt cả que kem xuống đất trong ánh mắt ngậm ngùi. Sau này, tôi nhớ như in có kem Minh Tân, Việt Trì giá 100 đồng, 200 đồng và đắt hơn thì 500 đồng thuộc loại hảo hạng, cắn vào dẻo, mềm, thơm với nhiều hương vị đa dạng hơn. Chỉ nghĩ đến thôi, đã thấy vị ngọt thấm trên đầu lưỡi, cái mát lạnh như tưới mát cả tâm hồn tuổi thơ của những đứa trẻ vùng quê nghèo. Nào đâu chỉ đám trẻ con, người lớn đi làm đồng giữa những ngày hè nắng gắt, dừng chân ở cây gạo, cây đa được ăn một que kem đã thấy… tỉnh cả người. Mà cũng lạ lắm, kem ăn xong, đám con gái còn gom những chiếc que kem đó dùng để chơi que mốt, que hai (banh đũa).

Sau này, khi đời sống dần nâng cao, tiếng “bíp bíp” của những xe kem dần xa lạ với đám con nít. Cũng dễ hiểu thôi, vì chúng có biết bao nhiêu lựa chọn với đủ loại kem từ bình dân đến cao cấp. Cũng chẳng cần phải ngóng trông âm thanh mê hoặc như thời của chúng tôi, vì kem có khi mua sẵn, để trên ngăn đá tủ lạnh, muốn là lấy ăn ngay tắp lự.

Bữa tôi về làng, trong cái nắng oi nồng với tiếng ve sầu râm ran trên ngọn cây xoài, bất chợt nghe âm thanh quen thuộc, tôi cứ ngỡ mình nghe nhầm. Nhưng đúng là xe kem tuổi thơ, dẫu chẳng còn những cây kem, vị kem như của mấy mươi năm về trước. Tôi thầm nhủ, ít nhất mình có được một tấm vé về tuổi thơ và hân hoan trong miền ký ức thật đẹp đó.

Bài viết liên quan

Phản hồi