Indonesia: Di tích Phật giáo Borobudur – Gặp gỡ linh thiêng tại đất nước Hồi giáo

PGĐS – Có nhiều câu truyện, truyền thuyết hoặc huyền thoại liên quan đến Di tích Phật giáo Borobudur tại Magelang, Trung Java, Indonesia. Làm thế nào để Borobudur trở nên phổ biến và nhiều người trên thế giới biết đến đó là điều mà Chính phủ Indonesia, đặc biệt là Bộ Tôn giáo và Truyền thông nước này rất quan tâm. Điều mà Chính phủ Indonesia mong muốn đó là chỉ đạo các Bộ, Ban, Ngành tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế để mở khóa tiềm năng của Borobudur như một địa điểm du lịch Phật giáo.

Trong 3 ngày từ 18 – 20/11/2022 Hội thảo Quốc tế (IBCI) về di tích Phật giáo Borobudur với chủ đề: “Borobudur là địa điểm Di sản, Hành hương và Du lịch cho Phật tử trên toàn Thế giới” đã được diễn ra tại khu phức hợp Công viên Du lịch Borobudur, Magelang, Trung Java với sự tham dự của 10 quốc gia bao gồm Indonesia là chủ nhà, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Ấn Độ do Bộ Tôn giáo tổ chức phối hợp với Hiệp hội Giáo dục Đại học Phật giáo Indonesia và các tổ chức Hiệp hội Phật giáo các nhà điều hành du lịch Phật giáo (ABTO); Ban điều phối giáo dục Phật giáo…

Trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Triết học: Lye Ket Yong – Tổng Thư ký của Liên minh Phật giáo Thế giới đến từ Thái Lan đã có bài trình bày ấn tượng với chủ đề: Gặp gỡ linh thiêng Borobudur – Địa điểm Di sản, Hành hương và Du lịch cho Phật tử trên thế giới dưới góc nhìn du lịch.

Theo Tiến sĩ Triết học: Lye Ket Yong, Java, Indonesia được xem là một trong những nơi may mắn khi có Di tích Phật giáo Borobudur nổi tiếng với những công trình kiến ​​trúc quy mô, tráng lệ được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 và thứ 9 (cách đây hơn 1700 năm). Đây là thời kỳ hoàng kim của triều đại Sailendra có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại. Vua Smaratungga đã xây dựng di tích Phật giáo bằng cát sông, đá dung nham núi lửa và bê tông từ khu rừng gần đó nhằm tỏ lòng tôn kính Đức Phật cũng như là nơi thực hành Phật giáo. Di tích Phật giáo Borobudur đã thu hút khách hành hương hàng ngàn năm qua. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra tiền xu và đồ gốm của Trung Quốc từ thế kỷ 15 xuất hiện ở Borobudur.

Trong phần trình của mình. Tiến sĩ Triết học: Lye Ket Yong tập trug vào các lĩnh vực: Khách du lịch trên thế giới; Du lịch tôn giáo: Xu hướng và mô hình phát triển du lịch; Lịch sử; Borobudur: Tiềm năng và Cơ hội; Những trải nghiệm đến Borodubur.

Đối với Khách du lịch trên trên thế giới: Dựa trên Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), nghiên cứu đã chỉ ra sự tăng trưởng đáng kể trong ngành Du lịch và tiềm năng phát triển du lịch ở Châu Á Thái Bình Dương là vô cùng lớn. Được thúc đẩy bởi nền kinh tế toàn cầu tương đối mạnh, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tiến bộ công nghệ, mô hình kinh doanh mới, chi phí đi lại hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng 4% vào năm 2019 để đạt mốc 1,5 tỷ.

Sự phục hồi của ngành du lịch đã tăng tốc ở nhiều nơi trên thế giới, vượt qua những thách thức cản đường. Một trong những sản phẩm của ngành Du lịch phát triển nhanh nhất là Du lịch Tôn giáo và Hành hương. Người tiêu dùng thúc đẩy mạnh mẽ những trải nghiệm đích thực hơn, chẳng hạn như hòa mình vào các truyền thống văn hóa và tâm linh gắn liền với các địa điểm hành hương và tôn giáo …

Với lợi thế có sẵn, Di tích Phật giáo Borobudur được xây dựng vào thế kỷ thứ tám và thứ chín bao gồm hơn hai triệu khối đá dung nham, 2.700 các câu chuyện chạm khắc và 504 bức tượng Phật. Borobudur thực sự là kỳ quan khổng lồ về Phật giáo. Những bức phù điêu ở chân đền kể câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật, cuộc sống của người dân qua các giáo lý của Ngài. Borobudur được coi là một trong những địa điểm Phật giáo linh thiêng để tu tập Công đức. Địa điểm cổ xưa này được biết đến là “Bhumi-Sambhara” – ngọn núi kết hợp công đức của mười vị Bồ tát. Trong nhiều năm, nơi đây là một địa điểm hành hương và tôn giáo nổi tiếng, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đến để tu tập thông qua các hoạt động như Thiền định đại chúng, ban phát lòng từ bi, thả đèn lồng và thắp nến để tỏ lòng tôn kính Tam Bảo và cũng như đưa ra các nghị quyết cho Hòa bình Thế giới.

Hơn nữa, Borobudur đã là địa điểm cho các chuyến tham quan giáo dục, nghiên cứu di sản và nghiên cứu đặc biệt là với cách tiếp cận đa ngành trong hệ thống giáo dục Phật giáo, Kiến trúc cổ xưa.

Tuy nhiên Borobudur hiện có những hạn chế đó là khả năng kết nối hạ tầng du lịch giữa các điểm đến chưa rõ ràng, thiếu hình ảnh quảng bá thương hiệu, dịch vụ khách sạn còn hạn chế, thiếu các Tour du lịch quảng bá, các gói du lịch trải nghiệm và thiếu hướng dẫn viên phiên dịch hiểu về bối cảnh lịch sử và ý nghĩa tôn giáo, văn hoá của các điểm. Đó chính là những trở ngại lớn trong việc khai thác tiềm năng du lịch tâm linh tại Borobudur.

Để mở ra tiềm năng của Borobudur như một địa điểm Du lịch và Hành hương Phật giáo lớn, các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, ngành Khách sạn và Du lịch phải cùng nhau phối hợp và đưa ra những quyết sách phù hợp để thu hút sự tham gia khách du lịch trên toàn thế giới, Tiến sĩ Lye Ket Yong cũng đưa một số giải pháp như: Đào tạo Bảo tồn & Bảo trì Di sản; Phát triển trang web đồng bộ và toàn diện; Kế hoạch phát triển du lịch; Nét văn hoá đặc trưng; Đặc trưng các chùa;  Chương trình lưu trú; Khoá thiền Phật giáo; Lễ hội kỷ niệm những ngày lễ hội Phật giáo trong năm…

Biên cạnh đó, các Bộ, Ban, Ngành quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đối tác liên quan như chùa, tự viện, du lịch và các tổ chức kinh doanh, tổ chức du lịch cộng động… Thúc đẩy tiếp cận hàng không tới các thị trường trọng điểm: Xúc tiến các hãng hàng không giá rẻ (LCC) & dịch vụ thuê chuyến để tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Ấn Độ, Sri Lanka và các nước khác; Tăng cường chuỗi giá trị địa phương: Khi thị trường phát triển, các cơ hội mới sẽ xuất hiện cho các công ty du lịch địa phương, nhà điều hành vận tải, người xử lý mặt đất, nhà nghỉ du lịch địa phương, nhà trọ và doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương; Tăng cường tập trung vào thị trường FIT (Sản phẩm/Phù hợp với thị trường): Cơ hội thu hút các FIT chi tiêu cao từ các thị trường nguồn chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Mỹ và Châu Âu; Giới thiệu thương hiệu cao cấp: Cơ hội thu hút các thương hiệu khách sạn hàng đầu để phát triển khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng sức khỏe và khách sạn boutique chất lượng cao; Du lịch xuyên biên giới: Cơ hội quảng bá du lịch xuyên biên giới giữa các quốc gia láng giềng ở châu Á do sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ lâu đời và mối quan hệ Phật giáo.

Theo Tiến sĩ Lye Ket Yong: Di tích Phật giáo Borobudur là một trong 7 kỳ quan thế giới, vì vậy ngành du lịch Indonesia nên tập trung để quảng bá và phát triển để đưa Borobudur ra lan toả mạnh mẽ ra thị trường thế giới. Với vẻ đẹp, sự hùng vĩ, sự linh thiêng của Borobudur cũng như vẻ đẹp tự nhiên của Yogyakarta cùng môi trường thân thiện và sự đa dạng văn hóa là điều kiện thuận lợi để du lịch tâm linh tại Borobudur phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là một Di sản Du lịch Phật giáo được xếp hạng hàng đầu.

Hồ Thuỷ – Thái Hà

Nguồn: phatsuonline.com

Bài viết liên quan

Phản hồi