Hồng Danh Sám Hối
Với pháp hồng danh sám hối, chúng ta tự cải tạo thân tâm cho lời nói và việc làm càng giống Phật càng tốt. Từ đó, bước chân vào đời hành đạo mà còn gặp người gây khó khăn, chúng ta tự biết còn dư nghiệp của đời trước, phải sám hối ngay bằng cách niệm Phật để xóa nghiệp. Tôi có kinh nghiệm về pháp này. Khi thấy người sắp gây sự, tôi liền nhiếp tâm niệm Phật, thì sự hiền dịu trong tâm tỏa ra nét mặt, trong lời nói, sẽ tác động vào đối tượng hung dữ, khiến họ không thể nào hung hăng được nữa. Sám hối thực phải có kết quả tiêu tội như vậy.
Vì tội tạo từ tâm, nên sám hối theo Pháp Hoa cần thực hiện từ chân tâm. Chân tâm và Pháp giới đồng một thể. Trên tinh thần đó, chúng ta nương Phật lực, nhiếp tâm tu hành, dồn tất cả nợ nần, tội lỗi về chân tánh. Trả nghiệp ở chân tánh, thông được tất cả, nên xóa được tất cả các nghiệp.
Trước khi sám hối, phải tạo sự liên hệ với Phật bằng cách nguyện hương. Dùng năm phần tâm hương của ta để nối liền với năm phần Pháp thân của Phật. Thỉnh được Phật đến trước mặt rồi, chúng ta mới đảnh lễ và thành khẩn thưa với Phật rằng:
Con xưa đã tạo bao ác nghiệp,
Đều bởi vô thỉ tham sân si,
Từ thân khẩu ý mà sanh ra,
Tất cả con nay xin sám hối.
Nghĩa là ta ăn năn những lỗi lầm đã tạo từ vô lượng kiếp trước và hứa không dám tái phạm nữa. Thật vậy, quỳ trước Phật với ý thức sám hối bằng tâm thành cao độ, nên Phật lực soi rọi thân tâm khiến chúng ta cảm nhận được nghiệp chướng của ta từ vô lượng kiếp. Cho nên ngày nay vừa sanh lại cuộc đời, chưa làm điều gì tội lỗi mà đã nhận ngay quả khổ rồi.
Đức Phật dạy nhìn quả hiện tại để biết được nghiệp ác đời trước. Ngày nay nghèo đói vì do bỏn sẻn, hoặc gian tham trộm cắp từ nhiều đời. Riêng tôi, sanh trong gia đình nghèo, từ thuở nhỏ phải ăn cơm với nước muối, hoặc ăn khoai mì. Tôi lạy sám hối, nhớ lời Phật dạy, nhận ra nghiệp chướng nhiều đời của mình, nên ăn năn đến độ rơi nước mắt. Từ đó về sau, nỗ lực bồi công lập đức, hết lòng làm công cho Phật, chẳng dám tiêu xài, thậm chí ý nghĩ thụ hưởng cũng không hề khởi lên. Tôi chỉ một lòng tích lũy công đức để chuẩn bị tư lương đầy đủ cho cuộc hành trình Bồ tát đạo dài xa trong vô số kiếp tới.
Chân tình sám hối, thấy được nghiệp, mới có thể xóa bỏ vết nhơ tội lỗi và trở thành con người đạo đức. Trái lại, cứ mỗi ngày hay mỗi tháng, hai lần lạy Phật sám hối, nhưng chứng nào tật nấy còn nguyên vẹn, quả là nói láo quá mức.
Sám hối đúng pháp phải thực hiện trên nền tảng trả nghiệp cũ, không vay thêm nghiệp mới. Nhưng trả ít mà vay thêm nhiều thì chắc chắn đời sau khổ hơn nữa và con đường đạo nghiệp ắt hẳn khó tiến xa.
(Trích Sám hối – Bổn Môn Pháp Hoa – HT.Thích Trí Quảng giảng giải)
Phản hồi