Học theo Bồ-tát chế tác tâm từ
GN – Trong Phật giáo Bắc tông (Đại thừa), nói đến tâm từ là liên tưởng ngay đến Bồ-tát Quán Thế Âm, người Mẹ hiền yêu thương chúng sinh như con đỏ.
Mẹ yêu con là một thiên chức, không hề nghĩ suy hay toan tính, thậm chí yêu con hơn cả bản thân mình. Tâm từ cũng vậy, một tình thương chúng sinh rộng lớn, mong cho muôn loài an ổn hạnh phúc, tìm mọi cách giúp chúng sinh bớt khổ thêm vui, là một trong Bốn tâm vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả).
Lòng từ cảm hóa
Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) cũng chú trọng đặc biệt đến tâm từ. Tâm từ (Mettā Citta) là lòng thương yêu chân thành (không điều kiện), tình thương cao thượng (không vị kỷ), tình thương mình và tất cả chúng sinh (không phân biệt); cầu mong sự lợi ích, sự tấn hóa, sự an lạc lâu dài cho mình và hết thảy chúng sinh. Tâm từ là một đại thiện tâm, có đặc tính vô sân, yêu thương và cứu giúp, không tổn hại, là phẩm hạnh của bậc Phạm thiên và bậc Giác ngộ. Đức Phật luôn khuyến khích chế tác và nuôi dưỡng tâm từ: “Này các Tỳ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện” (Kinh Tương ưng bộ).
Lợi ích của tâm từ
Vì sao chúng ta cần tu tập tâm từ? Bởi tâm từ không phải tự nhiên mà có (nếu có thương yêu thì đó là tâm ái hoặc tâm từ trá hình) nên phải chế tác và nuôi lớn mỗi ngày. Mặt khác, lợi ích của tâm từ vô cùng to lớn, hóa giải sân hận và não hại, nền tảng của các pháp lành, giúp cho phát triển Giới-Định-Tuệ mau chóng, trợ duyên cho hành giả thẳng đến giải thoát.
Tâm từ nếu được chế tác, được làm cho sung mãn có 11 lợi ích: “(1) Ngủ an lạc, (2) thức an lạc, (3) không ác mộng, (4) được loài người ái mộ, (5) được phi nhân ái mộ, (6) được chư thiên bảo hộ, (7) không bị lửa, thuốc độc, đao kiếm xúc chạm, (8) tâm được định mau chóng, (9) sắc mặt trong sáng, (10) mệnh chung không hôn ám, (11) nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán) mệnh chung được sinh lên Phạm thiên giới” (Kinh Tăng chi bộ, chương XI, Tâm từ).
Tâm từ hỗ trợ tích cực cho thiền định, xứng đáng là đệ tử Phật, thọ nhận sự cúng dường của bá tánh thập phương: “Nếu chỉ trong khoảnh khắc búng móng tay, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo tu tập từ tâm… tác ý từ tâm; vị ấy, này các Tỳ-kheo, được gọi là vị Tỳ-kheo trú Thiền tịnh không có trống không, làm theo lời dạy bậc Ðạo sư, là người làm theo giáo giới, ăn đồ ăn khất thực của xứ không có uổng phí. Còn nói gì những người làm cho sung mãn từ tâm ấy” (Kinh Tăng chi bộ, chương I, phẩm 6 – Búng móng tay).
Các loài phi nhơn rất khó não hại người tu tập tâm từ. “Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, thời vị ấy rất khó bị phi nhân não hại. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn (Kinh Tương ưng bộ, chương XI, Tương ưng Thí dụ).
Tu tập tâm từ thành tựu quả phước lớn nhất, hơn cả bố thí, cúng dường, xây chùa, quy y, giữ giới. “Này các Tỷ-kheo, ai vào buổi sáng (buổi trưa, buổi chiều) bố thí một trăm cái nồi, và ai buổi sáng (buổi trưa, buổi chiều) chỉ trong nháy mắt, tu tập từ tâm giải thoát, sự việc này đối với sự việc trước, quả có lớn hơn” (Kinh Tương ưng bộ, chương XI, Tương ưng Thí dụ). “Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn,… và có ai bố thí cho chúng Tỷ-kheo với Đức Phật là vị thượng thủ, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia… và có ai với tâm tịnh tín quy y Phật, Pháp và Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu… bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc, tu tập từ tâm, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia” (Kinh Tăng chi bộ, chương IX, phẩm Tiếng rống con sư tử, phần Velàma).
Điều cực kỳ quan yếu là, trong lộ trình tu tập hướng đến giác ngộ, (1) từ Tứ thiền (xả niệm thanh tịnh), hành giả chuyên tâm tu tập Thiền quán về Vô thường, Vô ngã,…, loại trừ mười kiết sử, lần lượt chứng đắc Tứ Thánh quả. (2) Hoặc từ Tứ thiền, dựa trên nền tảng của Thiền chi xả và nhất tâm, hành giả hướng tâm vào tưởng “không gian là vô biên”, thì sẽ đắc Không vô biên xứ định. Lần lượt chứng đạt Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định và Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Tại định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hành giả chánh niệm tỉnh giác ra khỏi định này thì sẽ vào Diệt thọ tưởng định. (3) Còn một con đường khác, từ Vô sở hữu xứ định, hành giả nỗ lực Thiền quán Bốn tâm vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả) để băng ngang Phi tưởng phi phi tưởng xứ định vào Diệt thọ tưởng định. Tại đây, tất cả lậu hoặc được đoạn trừ, Chánh trí giải thoát phát khởi biết rằng ta đã hoàn toàn giải thoát. (Thích Chơn Thiện, Tìm vào thực tại).
Thiền rải tâm từ
a- Thiền tha thứ
Trước khi rải tâm từ, hành giả nên quán niệm về sự tha thứ. Mình đã từng gây khổ đau cho người nên cầu xin sự tha thứ. Người khác từng gây khổ đau cho mình, mình cũng rộng lòng tha thứ. Mình cũng tự tha thứ cho chính mình và phát nguyện tu tập. Thiền sinh thầm quán niệm như sau:
– Vì vô minh nên tôi đã từng gây khổ đau cho người, xin hãy tha thứ cho tôi.
– Tôi thành thật tha thứ cho những ai đã từng gây khổ đau cho tôi.
– Tôi thành thật tha thứ cho chính tôi, từ nay nguyện bỏ ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch.
Quán niệm về sự tha thứ sẽ giúp tâm tư thanh thản, nhẹ nhàng hơn, dễ rải lòng từ bi hơn.
b- Thiền rải tâm từ theo đối tượng, thầm quán niệm như sau:
– Nguyện cho tôi có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
– Nguyện cho các bậc thầy của tôi có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
– Nguyện cho cha mẹ của tôi (ông bà của tôi / bà con của tôi / những ân nhân của tôi / những người không quen với tôi / những người không thích tôi / các oan gia trái chủ của tôi) có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
c- Thiền rải tâm từ bi theo địa chính, thầm quán niệm như sau:
– Nguyện cho các chúng sanh trong nhà/ chùa của tôi có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
– Nguyện cho các chúng sanh trong phường/ xã của tôi có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
– Nguyện cho các chúng sanh trong quận/ huyện của tôi (trong thành phố-tỉnh của tôi / trong nước của tôi / trong thế giới này / trong vũ trụ này) có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
d- Thiền rải tâm từ theo phương hướng, thầm quán niệm như sau:
– Nguyện cho tất cả chúng sanh ở phương Đông có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
– Nguyện cho tất cả chúng sanh ở phương Đông-Nam có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
– Nguyện cho tất cả chúng sanh ở phương Nam (phương Tây-Nam/ phương Tây/ phương Tây-Bắc/ phương Bắc/ phương Đông-Bắc/ phương Trên/ phương Dưới/ khắp 10 phương) có đầy đủ sức khỏe, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, cuộc sống được hạnh phúc yên vui.
Một số lưu ý
Có sự hướng dẫn quán niệm khác nhau, một số tài liệu chỉ vắn tắt như: “Nguyện cho các chúng sinh… đừng oan trái lẫn nhau, hãy cho tất cả được an vui”. Tùy theo sở thích, thói quen mỗi người mà chọn lời quán niệm dài hay ngắn. Có thể chọn một trong ba cách (theo đối tượng, theo địa chính, khắp 10 phương) để rải tâm từ. Người thực tập thiền rải tâm từ cần học thuộc để hướng tâm yêu thương đến đầy đủ các đối tượng, địa chính hay phương hướng. Chúng ta cảm nhận rõ ràng tâm từ được chan rải đến đối tượng, lan tỏa và tưới mát thân tâm mình cùng mọi người, mọi loài; tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần yêu thương, bình an, hạnh phúc.
Cứ thực tập Thiền rải tâm từ như thế đều đặn và bền bỉ mỗi ngày. Tình thương được chế tác, nuôi lớn và chan rải rộng ra đến vô lượng chúng sinh muôn loài.
Phản hồi