Học Phật để soi rọi bản thân, kiến tạo một tâm hồn an vui tự tại
Có được thân người với đầy đủ giác quan là một phúc báu lớn, nhưng chúng ta không làm chủ chúng thì nỗi khổ niềm đau cũng bắt nguồn từ đây.
Cốt lõi của sự tu hành vẫn là làm chủ các giác quan: (Phòng hộ 6 căn)
Mắt đối với hình thái, màu sắc; Tai đối với âm thanh; Mũi đối với mùi; Lưỡi đối với vị; Thân đối với xúc chạm; Ý đối với các pháp (mọi sự vật, hiện tượng). Có được thân người với đầy đủ giác quan là một phúc báu lớn, nhưng chúng ta không làm chủ chúng thì nỗi khổ niềm đau cũng bắt nguồn từ đây.
Trong các giác quan của con người, Ý căn là quan trọng nhất, chúng ta phải cẩn thận điều chế tâm mình.
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý nhiễm ô (ác)
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo”
Kinh Pháp Cú
Nạn khổ của giặc cướp chỉ có một đời, trong khi nạn giặc giác quan làm chúng sanh đau khổ nhiều kiếp. Tai hoạ của nó vô cùng nguy hiểm. Chúng ta phải cẩn thận. Thế nên người trí cần phải cẩn thận các giác quan chứ không phục tùng nó, giữ gìn chúng như canh chừng giặc cướp, không để chúng hoành hành, thao túng. Chúng ta hãy luôn siêng năng chế ngự tâm mình, để giữ gìn các pháp thiện. Khi tâm được chế ngự một chỗ thì không việc gì không thành. (Chế tam nhất xứ vô sự bất biện)
Ba yếu tố căn bản trong đạo Phật:
1- Văn Huệ: Nghe giáo pháp, đọc kinh điển, tất cả để tiếp thu, hiểu được mà phát sinh trí tuệ
2- Tư Huệ: Suy ngẫm, phân tích, chọn lựa cho chính chắn, suy nghĩ cho đúng, cho phù hợp với khả năng hoàn cảnh của mình.
3- Tu Huệ: Bắt đầu áp dụng những điều tư duy, phù hợp để ứng dụng tu học.
Học Phật để soi rọi bản thân mình, gạn lọc đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng, an vui, tự tại.
Cốt tủy của đạo Phật chỉ nằm trong bốn câu:
Chớ làm các điều ác.
Siêng làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch.
Là điều Chư Phật dạy.
Như Nhiên
Phản hồi