Hoài niệm về những ngôi chùa xưa
Ngoài sân chùa, dưới những tán cây cao, có nhiều những ngôi mộ xưa bằng đá ong ẩn dưới các đám cỏ và hàng hàng lớp lớp các loại dây leo. Bên trong chùa là Phật, khói hương và những người còn sống; bên ngoài chùa là cây cao và cỏ dại, mưa, và những người đã chết tự những năm không ai còn nhớ.
Một năm còn nhỏ, nhà tôi ở ngoại ô, nghĩa là một vùng giống thôn quê, có ruộng, có sông, nhưng không còn làng thôn. Ngôi chùa gần nhà là một trong những chùa đẹp nhất miền Nam, nhưng chúng tôi không biết điều đó. Những gì chúng ta biết lúc đầu đời nói với chúng ta rằng thế giới là như vậy, tôi nghĩ tất cả chùa đều như vậy: là một căn nhà cột gỗ nhiều không đếm hết, mái ngói âm dương đầy rêu phong bên dưới những táng cây cổ thụ cao có thể đụng được mây.
Phía sau chánh điện, bốn hàng hiên có mái vây quanh một một cái sân ở giữa nơi nhà chùa nuôi gần mươi con rùa, chúng có đó từ bao giờ, không ai còn biết là mấy mươi hay đã một trăm tuổi. Trời mưa, nước chảy từ những rảnh mái ngói thành những giòng nhỏ song song rơi xuống khoảng sân cát.
Ngoài sân chùa, trong khu rừng nhỏ, dưới những táng cây cao, có rất nhiều những ngôi mộ xưa bằng đá ong ẩn hiện bên dưới các đám cỏ và hàng hàng lớp lớp các loại dây leo. Bên trong chùa là thần Phật, khói hương và những người còn sống; bên ngoài chùa là cây cao và cỏ dại, mưa, và những người đã chết tự những năm không ai còn nhớ.
Gia đình tôi thường đi chùa, nhưng trong suốt bao nhiêu năm tôi không nhớ có lần nào chúng tôi nghe giảng Tứ diệu đế, Bát chánh đạo gì. Chùa không giảng, hoặc chỉ giảng trong các khu riêng của các sư sãi. Chúng tôi đến chùa để lạy chư Phật và các vị thần khác trên khoảng hai mươi bàn thờ, rồi ra sau bếp phụ rửa rau, nấu cơm chay, ăn cơm chay. Hoặc cũng có khi tôi tới chùa vào một ngày vắng để chơi với mấy con rùa bò ra bò vô, hoặc ngắm nước mưa chảy từ mái hiên, hoặc để học bài, ăn cơm chùa, uống nước trà chùa của mấy chú tiểu có phận sự châm và giữ cho ấm.
Vì có chùa nên tôi biết có Phật (và nhiều thần, thần thì gươm đao áo giáp giống như mấy ông tướng Tàu). Chúng tôi biết nên ăn cơm chay và về nhà đừng giết con gì, kể cả lũ bọ và kiến. Tôi cũng biết Phật là một thái tử cắt tóc cỡi ngựa đi tu. Ngoài ra chúng tôi không biết cũng không thấy phải biết gì thêm. Vô thường, vô ngã là những thứ mãi rất lâu về sau tôi mới đọc, sau cả Kierkegaard và Kafka, dù tôi đến từ phương Đông, nhà tôi theo đạo Phật.
Trở lại một năm tuổi thơ. Tôi mười ba hay mười bốn tuổi. Một hôm, sau Tết, tôi về chơi nhà một bạn cùng lớp cũng ở ngoại ô nhưng phía bên kia thành phố. Khánh Hội lúc đó cũng còn như ở quê, có đồng ruộng, những đám rừng thấp, ít nhà cửa. Bạn tôi dẫn tôi đến một ngôi chùa bên ấy. Chùa lớn hơn ngôi chùa của tôi, có sân gạch bông và xi măng chứ không phải gạch Tàu. Quanh chùa có mương rạch, cây cỏ, không có mộ xưa.
Lạy Phật xong, bạn tôi kéo tôi vào xếp hàng cùng với những người khác, tôi làm theo dù không biết vì sao, để làm gì. Đến lượt tôi, ông sư ngồi trên ghế nhấn tôi quỳ xuống đất (như những người khác trước và sau tôi), đặt một cái mõ lên đầu tôi mà gõ, vừa gõ vừa tụng cái gì đó một lúc, đầu tôi vang vang rất kinh. Đập mõ trên đầu người ta cộc cộc kinh kinh xong ông hỏi tôi có nhức đầu không. Tôi nói dạ có.
Ông nói con nhức đầu vì có người âm theo, mỗi tuần phải đến chùa để thầy cho vong nghe kinh Phật mà đi. Tôi muốn hỏi vong là ai theo tôi để làm gì nhưng không hỏi được. Ông nói phải đến nhiều lần lắm mới cầu cho vong tha được, vong theo đã nhiều năm. Phải cầu, không thì không lấy chồng được. Tôi nói con còn đi học, ông nói vong theo thì học không nhớ, thi rớt, và sau sẽ bị điên. Rồi ông chỉ cái thùng nói tôi có bao nhiêu tiền hãy bỏ vào đó, và lần sau tới nhớ mang theo nhiều tiền.
Nhà nghèo, số tiền tôi có lúc ấy với tôi rất lớn còn với ông sư nó chẳng là gì, vậy mà tôi vẫn bỏ hết tiền vào thùng, như tất cả những người khác, như thế nào đó đã tới chùa thì không thể không nghe lời sư được.
Mọi chuyện xảy ra rất nhanh, vì số người xếp hàng còn dài. Ra về, tôi nói với bạn tao không đến chùa này nữa đâu. Bạn tôi nói mày phải trở lại, mày bị vong theo mà không biết. Nó tin tôi bị ma theo thật, cả lớp thấy Phượng đi học, tập vở hay chừa nhiều trang trắng cho vô số bài quên chép, hay mơ màng như ở đâu và không bao giờ giải được toán.
Tôi về nhà không kể cho mẹ và anh chị tôi nghe chuyện này, vì biết mình vừa làm gì đó rất sai, vì sợ mẹ không cho tới nhà bạn chơi, sợ mẹ biết mình hay mơ màng như ở đâu. Và tôi không đi chùa nữa, bất cứ chùa nào, dù ngôi chùa của tôi thân yêu êm ái biết bao nhiêu. Sân chùa có những ngôi mộ bằng đá ong, người chết ở đó hoàn toàn yên lặng, và xa xôi, nếu họ có nói gì, thì chỉ bằng tiếng mưa… (Đoạn dưới tôi không chắc mình có nên viết hay không, nên bạn cũng có thể dừng ở đây không đọc tiếp).
Những ngày này, đọc tin về chùa Ba Vàng, tôi thấy buồn khủng khiếp. Buồn cho ai, vì sao, tôi không biết. Tôi bắt đầu viết trên một trang giấy, “Phật giáo nên từ bỏ mọi câu chuyện thần bí, dù được kể với ý tốt. Mê tín, một khi đã dùng tới thì không có điểm dừng, người ta tin mới đầu chỉ một ít vô hại (dù cũng hơi sến) như khi Phật mới sinh đã biết đi và bước đến đâu hoa sen nở đến đó, nhưng sa đà mãi vào những thứ vô lý sẽ đi mãi đến u mê. Lý thuyết Phật giáo, tức là pháp, có đủ khoa học, minh triết và chiêm nghiệm để thuyết phục, đâu cần gì tới những chuyện đi mây về gió biết tất ta bà thế giới để người ta tin.” Nhưng tôi xé trang giấy bỏ đi.
Triết học, ngôn ngữ, nghệ thuật còn lại gì khi ta bỏ hết những gì không thuận với những định luật vật lý? Trên mặt nước lúc mặt trời chưa lên, có một màn sương làm mờ ảo bờ sông phía bên kia. Làm sao chúng ta biết được khi nào màn sương ấy nới rộng chân trời, nói với chúng ta rằng sự thật mênh mông hơn tầm mắt của chúng ta có thể thấy được; còn khi nào màn sương ấy chận mất chân trời, che mắt chúng ta để gây sợ hãi, lừa dối và bức hại?
Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn cá nhân của nhà văn Đoàn Minh Phượng.
Nhà văn, đạo diễn phim Đoàn Minh Phượng sinh ra tại Sài Gòn, trước chị sống một thời gian khá dài tại Bonn (Đức) và Sài Gòn, hiện giờ là Đà Lạt.
Bộ phim ‘Hạt mưa rơi bao lâu’ mà Đoàn Minh Phượng vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá: Giải Phim Châu Á hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bangkok 2006, giải Phim truyện nhựa hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Las Palmas, Giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam 2005 và giải Phim đầu tay hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Kerala 2005 tại Ấn Độ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay ‘Và khi tro bụi’ được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2007 – giải thưởng duy nhất cho thể loại văn xuôi.
Năm 2010, Đoàn Minh Phượng tiếp tục ra mắt tiểu thuyết ‘Mưa ở kiếp sau’ gây được nhiều sự chú ý. Đọc hai tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, nhất là ‘Và khi tro bụi’ có thể nhận thấy nhiều đặc trưng của văn học chấn thương.
Phản hồi