Hoạ sĩ Lê Thiết Cương rời cõi tạm…

PGĐS – Lê Thiết Cương – họa sĩ, nhà giám tuyển và phê bình mỹ thuật gạo cội – qua đời ở tuổi 63 sau thời gian bệnh ung thư, 18 giờ 55 phút ngày 17 tháng 7 Dương lịch – nhằm ngày 23 tháng 6 Âm lịch – năm Ất Tỵ (2025) – Họa sĩ mất tại nhà riêng, sau một thời gian mắc bệnh nan y.
Đại diện gia đình cho biết họa sĩ mất lúc 18h55, tại nhà riêng ở Lý Quốc Sư. Ông bị ung thư hiếm gặp nhiều năm nay và kiên trì chữa trị, chiến đấu với bệnh đến phút cuối. Trước khi mất một tuần, họa sĩ nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Vài ngày trước khi qua đời, trên trang cá nhân, họa sĩ đăng dòng trạng thái cuối cùng là một tác phẩm điêu khắc của ông, kèm câu thơ trong bài Hữu Không (Có – Không) của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thời Lý: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không”.

Trong những năm tháng cuối đời, dù chống chọi bệnh tật, Lê Thiết Cương nỗ lực làm việc và cống hiến. Tháng 6, ông ra mắt cuốn phê bình “Trò chuyện với hội họa”, gồm 70 bài viết về các tác giả, tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, gốm, được in rải rác trên báo, tạp chí từ năm 2000. Sách như bức chân dung thu nhỏ về lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, là nơi Lê Thiết Cương trò chuyện với các họa sĩ ở quá khứ và hiện tại, cũng như đối thoại với bản thân.
Hồi tháng 4, họa sĩ làm giám tuyển triển lãm hơn 200 bức Gốm về Nguyễn Huy Thiệp. Tháng 8 năm ngoái, ông thực hiện triển lãm đa chất liệu, lấy chủ đề từ Chữ Duyên.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1985 -1990, Họa sĩ Lê Thiết Cương là con nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên và nhà quay phim Đỗ Phương Thảo. Là một nghệ sĩ tự do và là tác giả của hai cuốn sách: “Nhà & Người” (8/2024), “Trò chuyện với hội hoạ” (6/2025). Sau triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1987, họa sĩ liên tục có nhiều triển lãm trong nước, là một trong những gương mặt tiêu biểu của hội họa Việt Nam sau giai đoạn Đổi mới. Năm 1995, Lê Thiết Cương có triển lãm cá nhân đầu tiên Hong Kong và Singapore.

Gần 40 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ: đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét, Lê Thiết Cương từng nói về quan điểm sáng tác: “Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa. Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là ‘cá tính cốt tử’ của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi”.

Họa sĩ đam mê đọc sách, nhất là sách về nhà Phật. Tư tưởng Phật giáo có liên hệ mật thiết với trường phái tối giản của ông. “Tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn kiệm hình, kiệm màu, kiệm nét là nói bằng im lặng, ‘im lặng sấm sét’. Nhà Phật quan niệm, đi tu chính là trở về mình, tìm ra được cái ‘bản lai diện mục’ của mình, kiến tính thành Phật, “ngoái đầu là bờ” giống như nghề nghệ thuật, làm nghệ thuật chính là làm mình, tìm mình, trở về nội tâm của mình”, họa sĩ viết trong Trò chuyện với hội họa.

Họa sĩ còn có duyên viết phê bình, với “Thấy” (2017) là tác phẩm đầu tay. Hay trong cuốn sách mới nhất – “Trò chuyện với hội họa”, ông sử dụng ngôn ngữ đơn giản, giọng điệu thẳng thắn, chỉ ra những nét ấn tượng ở tác giả, tác phẩm một cách khách quan. Như về tranh của Lưu Công Nhân, Lê Thiết Cương nhận xét: “Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn tổng hợp hai yếu tố duyên dáng ‘quê mùa’, bình dị mộc mạc với hào hoa, sang trọng, hiện đại dù là ông vẽ sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy, dù là phong cảnh đồng quê hay các thiếu nữ thành thị”.

“Khi viết về một tác giả nào tôi cũng chỉ nói về cái hạt bụi quý mà anh ấy đóng góp cho hội họa chứ không nói vòng ngoài. Kiệm lời nhất có thể”, Lê Thiết Cương từng cho biết.

Nhiều năm làm nghệ thuật, ông tâm đắc quan niệm của nhà sử học Anh W. Dilthey: “Mục tiêu tối hậu của quá trình giải minh văn bản là để hiểu một tác giả sâu sắc hơn là chính họ tự hiểu biết về mình”. Trong vai trò nhà phê bình, Lê Thiết Cương “chỉ dựa trên chính bức tranh để phân tích và đưa ra nhận định, tuyệt đối không nghe tác giả nói về tác phẩm của họ”. “Làm nghệ thuật, vẽ, viết là chủ quan. Không có chủ quan thì không có nghệ thuật”, ông nói.Họa sĩ thân thiết với nhiều nhân vật trong giới văn chương, từ đó cũng hiểu tư tưởng, phong cách của họ. Sinh thời, Lê Thiết Cương là bạn vong niên với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong cuốn tản văn “Nhà và Người” ra mắt năm ngoái, ông đưa ra góc nhìn tinh tế về nhiều văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, đạo diễn Đào Trọng Khánh.
Ngoài mỹ thuật, Lê Thiết Cương thành danh trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế. Ông tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, làm giám tuyển của nhiều sự kiện, có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.

Trong giới Mỹ thuật Việt Nam đương đại, họa sĩ Lê Thiết Cương là một trong những nhân vật được giới sưu tầm tranh chú ý nhất. Các sáng tác của Anh chủ yếu được vẽ trên chất liệu sơn dầu, bột màu trên vải màn, bồi giấy dó, điêu khắc… Và phong cách tối giản là một nét độc đáo của cá tính sáng tạo – Lê Thiết Cương.
Trong ký ức của bè bạn, hoạ sĩ Lê Thiết Cương là một người rất thẳng thắn, thẳng tới mức độ… khó chịu. Còn trong ký ức của anh em nhóm họa sĩ G39, hoạ sĩ Lê Thiết Cương là nghệ sĩ tinh tế, tài hoa, một người Anh thẳng thắn, hài hước và ấm áp.

Số phận của những người tài hoa luôn là một ẩn số. Dù sự ra đi của Anh đã được dự báo trước, với những người nghệ sĩ, họa sĩ, đó vẫn là một mất mát đột ngột và khó nguôi.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã rời cõi tạm. G39 – nơi anh đã gắn bó, yêu thương và là người anh cả của cả nhóm họa sĩ, ngôi nhà G39 nơi kết nội hội họa và nghệ thuật, xin được gửi tới Anh và Gia đình lời nguyện cầu – ở miền mây trắng chúc Anh thong dong, yên nghỉ. Ký ức về Anh, sẽ ở lại mãi trong trí nhớ, cảm xúc của những con người đang đồng hành tại Galllery 39.

Phản hồi