Hiểu đúng về câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước”
PGĐS – Hỏi: Kính bạch Thầy cho coi hỏi, con nghe câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” câu này có mâu thuẫn với lời Phật dạy là “Ai làm thì nấy chịu” hay không?
Việc ác mình làm, cha mẹ mình có chịu tội không quý Phật tử? – “Không”. Mình làm con cái mình có chịu không? – “Không”. Thầy làm quý Phật tử có chịu không? – “Không”. Quý Phật tử làm, Thầy có chịu không? – “Không”…Mình học Phật Pháp quý vị nắm rõ giáo lý này rồi, đó là: “Tự mình làm, tự mình chịu”, “Ai làm nấy chịu”. Nói theo ông bà mình là “Ai ăn nấy no”, “Ai tu nấy chứng”. Mà ở đây mình lại nghe câu là “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” vậy thì có mâu thuẫn không?
Khi học Phật Pháp quý vị phải nhìn ở các khía cạnh khác nhau, mỗi câu nói dạy cho mình một khía cạnh khác nhau. Thầy xin đính chính lại câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” không phải là Phật nói. Câu này xuất phát từ thời phong kiến, nói cho đối tượng là quan lại, làm việc cho cẩn thận, nếu không sẽ ảnh hưởng đến con cháu, đến gia tộc, nếu làm sai, làm không cẩn thận sẽ bị “Chu di tam tộc”.
Bây giờ thầy sẽ phân tích câu này đúng hay sai. Thật ra câu này có ý đúng ở đây, nhưng nếu hiểu không hết, nó sẽ có những mâu thuẫn.
Trước nhất, nếu ai cũng nghĩ câu này đúng thì nó có hệ lụy thế này, người con sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thiếu thốn, bệnh tật, thì họ sẽ đổ thừa cho cha mẹ họ, do cha mẹ ăn mặn nên con mới khát nước, cha mẹ ăn mặn nên con mới nghèo, cha mẹ ăn mặn nên con mới bệnh, mới khổ, mới xấu. Thì lúc này người con lại vô tình than thở, trách móc và vô ơn với cha mẹ. Trường hợp thứ 2 nếu như cha mẹ họ giàu có, đầy đủ thì họ lại có cái tính là ỉ lại, cha mẹ ăn mặn thì họ khát nước, vậy cha mẹ họ được những điều cao đẹp thì họ sẽ được hưởng.
Nhưng khi mình học giáo lý nhà Phật mình biết, cha mẹ đầy đủ (sống tốt, có đạo đức) nhưng nếu đứa con không tu học, không sống tốt thì nó vẫn khổ như thường. Cho nên ai mà hiểu câu này như vậy là sai. Cũng có những trường hợp cha ăn mặn (sống không tốt, không có đạo đức) nhưng có những đứa con vẫn tốt và rất đạo đức và ngược lại.
Vào thời Đức Phật có Vua Ba Tư Nặc và bà Vasabha Khattiya là Phật tử thuần thành, vậy mà sinh ra Thái Tử Lưu ly lại là người kéo quân sang giết sạch dòng họ Thích Ca của Đức Phật. Nếu mình giải thích “cha ăn mặn con khát nước” thì cha mẹ tốt, con tốt có còn đúng nữa không? Nếu hiểu câu trên là đúng thì những trường hợp như vậy không thể giải thích được. Đây là ví dụ Thầy đã phản bác lại câu nói trên.
Tuy nhiên, câu trên đúng ở trường hợp này. Mình nhìn theo tinh thần cộng nghiệp (nghiệp chung). Người cha người mẹ không tốt, người con cũng tạo những cái nghiệp không tốt và cộng với nhân duyên nên cùng sinh trong một gia đình. Thì trường hợp này vì cộng nghiệp nên người con sinh ra trong gia đình đó. Giải thích ở khía cạnh này thì đúng.Trường hợp thứ hai có những người cha, người mẹ, đời thường thấy rõ ràng luôn, cha mẹ nhậu nhẹt, bài bạc làm ảnh hưởng đến người con. Những người cha mẹ nói trên không lo chăm sóc gia đình, không giáo dục những đứa con, thường những đứa con đó nó hư lắm. Xã hội cũng có những thống kê như vậy, rõ ràng, cha ăn mặn thì con khát nước, cha mẹ không có tu, không có đạo đức là con cũng bị ảnh hưởng. Theo giáo lý, cộng nghiệp là ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ đến đứa con, những đứa con có những cái ác nghiệp, cha mẹ cũng có những ác nghiệp, cộng nghiệp sinh chung vào một gia đình. Ở khía cạnh này thì câu này đúng. Nhưng vừa rồi Thầy cũng phản biện các vấn đề, thì câu trên cũng có những khía cạnh không đúng.
Xin thưa quý Phật tử đây là câu của Ông bà ta nói chứ không phải Phật nói, nên Thầy phải trình bày hai khía cạnh như vậy. Vì có những điều nó đúng, nhưng có những điều nó không đúng. Thật ra nó không có mâu thuẫn với câu “Nghiệp ai nấy gánh” nếu như mình nhìn ở khía cạnh cộng nghiệp thì nó không có mâu thuẫn với biệt nghiệp của mỗi chúng sanh. Tuy nhiên, nếu ta hiểu câu này đúng hoàn toàn thì ta cần phải đặt lại câu hỏi như trên.
(Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp)
Nguồn: phatgiao.org.vn
Phản hồi